Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên ngành 11/TTLN năm 1990 về việc xử lý một số loại tội phạm do Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 11/TTLN
Ngày ban hành 20/11/1990
Ngày có hiệu lực 05/12/1990
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Tư pháp,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Lê Thanh Đạo,Phạm Tâm Long,Trần Đông,Trịnh Hồng Dương
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ NỘI VỤ-BỘ TƯ PHÁP-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/TTLN

Hà Nội , ngày 20 tháng 11 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ NỘI VỤ VÀ BỘ TƯ PHÁP SỐ 11/TTLN NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN XỬ LÝ MỘT SỐ LOẠI TỘI PHẠM

Để góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với một số loại tội phạm, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn một số vấn đề sau đây:

1. Về việc nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài.

Trong việc xử lý các hành vi nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài nói chung vẫn áp dụng các hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 08-TTLN ngày 18-9-1990 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, do yêu cầu của tình hình mới, từ nay thống nhất lại một số điểm như sau:

a) Đối với các trường hợp lần đầu nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài với số lượng dưới 500 bao (mỗi bao 20 điếu) thì chưa coi là phạm tội, nhưng phải xử phạt hành chính.

b) Đối với các trường hợp nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài với số lượng từ 500 bao trở lên hoặc dưới 500 bao, nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, tái phạm, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc kèm theo việc chống người thi hành công vụ khi bị phát hiện hoặc xử lý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu qua biên giới, tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 97 Bộ luật hình sự), tội buôn bán hàng cấm (Điều 166 Bộ luật hình sự) hoặc tội đầu cơ (Điều 165 Bộ luật hình sự nếu thuộc trường hợp đã nêu tại điểm 5 Thông tư liên ngành số 08-TTLN ngày 18-9-1990).

c) Đối với các trường hợp nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài với số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao thì phải coi là phạm tội trong trường hợp "vật phạm pháp có số lượng lớn", "hàng phạm pháp có số lượng lớn" (khoản 2 các Điều 97, 165, 166 Bộ luật hình sự); nếu số lượng hàng phạm pháp là từ 4.500 bao trở lên thì phải coi là "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" (khoản 3 các Điều 97, 165, 166 Bộ luật hình sự).

d) Trong mọi trường hợp, hàng phạm pháp là thuốc lá điếu của nước ngoài phải bị tịch thu và xử lý theo quy định chung.

Điểm 1 của Thông tư này thay thế điểm 6 Thông tư số 08-TTLN ngày 18-9-1990.

2. Việc buôn bán kim loại màu (đồng, chì, nhôm, niken)

Trong việc xử lý những hành vi buôn bán trái phép kim loại màu, cần lưu ý một số điểm sau đây:

a) Hiện nay, kim loại màu được coi là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chỉ những tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép mới được kinh doanh.

b) Mọi trường hợp buôn bán kim loại màu ở các tỉnh biên giới, cũng như ở các địa phương không có biên giới với nước ngoài, nhằm bán trái phép qua biên giới đều bị coi là buôn lậu qua biên giới.

c) Đối với các trường hợp buôn lậu kim loại màu qua biên giới với số lượng dưới 50kg thì chưa coi là phạm tội, nhưng phải xử phạt hành chính.

d) Đối với các trường hợp buôn lậu kim loại màu qua biên giới với số lượng từ 50kg trở lên hoặc dưới 50kg nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, tái phạm, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc kèm theo việc chống người thi hành công vụ khi bị phát hiện hoặc xử lý thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu qua biên giới theo Điều 97 Bộ Luật Hình sự.

đ) Đối với các trường hợp buôn lậu kim loại màu qua biên giới với số lượng từ 150kg đến dưới 450kg thì phải coi là phạm tội trong trường hợp "vật phạm pháp có số lượng lớn" (khoản 2 Điều 97 Bộ Luật Hình sự); nếu số lượng hàng phạm pháp là từ 450kg trở lên thì phải coi là "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" (khoản 3 Điều 97 Bộ Luật Hình sự).

e) Đối với các trường hợp buôn bán kim loại màu không nhằm bán trái phép qua biên giới thì không coi là buôn lậu qua biên giới và tuỳ trường hợp cụ thể mà xử lý như sau:

- Nếu buôn bán các loại dây điện, dây thông tin liên lạc... do người khác phạm tội mà có, thì xử lý về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 201 Bộ Luật Hình sự.

- Nếu buôn bán trái phép các loại kim loại màu không phải do người khác phạm tội mà có, thì xử lý về tội kinh doanh trái phép theo Điều 168 Bộ Luật Hình sự.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hành vi buôn lậu kim loại màu qua biên giới, các cơ quan tiến hành tố tụng cần quan tâm truy tìm những người đã huỷ hoại dây điện, dây thông tin liên lạc, vũ khí, công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc các loại tài sản xã hội chủ nghĩa khác để lấy kim loại.

g) Đối với các trường hợp huỷ hoại dây điện, dây thông tin liên lạc hoặc công trình phương tiện quan trọng khác về an ninh quốc gia, huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quận sự hoặc các loại tài sản xã hội chủ nghĩa khác để lấy kim loại nhằm bán trái phép qua biên giới, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà xử lý về tội phá huỷ công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 94 Bộ Luật Hình sự) hoặc tội huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 269 Bộ Luật Hình sự), tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 138 Bộ Luật Hình sự) và xử lý thêm về tội buôn lậu qua biên giới; nếu không có mục đích bán trái phép qua biên giới thì không xử lý thêm về tội buôn lậu qua biên giới.

3. Về việc buôn bán ngoại tệ

Theo Chỉ thị số 330-CT ngày 13-9-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì kể từ ngày 13-9-1990 việc quản lý ngoại hối được giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tư nhân và các cơ sở kinh tế khác không được phép buôn bán ngoại tệ; do đó phải coi việc buôn bán ngoại tệ là buôn bán hàng cấm và xử lý như sau:

a) Đối với các trường hợp bán ngoại tệ mà người bán có một cách hợp pháp cũng như mua ngoại tệ nhằm mua hàng hoá để sử dụng thì không coi là phạm tội nhưng phải xử phạt hành chính.

b) Đối với các trường hợp buôn bán ngoại tệ, bán ngoại tệ mà người bán có một cách không hợp pháp, mua ngoại tệ nhằm dùng ngoại tệ đó mua hàng hoá để bán lại thu lợi bất chính đều phải coi là buôn bán hàng cấm và tuỳ trường hợp cụ thể mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể là:

- Đối với các trường hợp lần đầu buôn bán hàng cấm là ngoại tệ với số lượng có giá trị dưới 3 triệu đồng tiền Việt Nam thì chưa coi là phạm tội, nhưng phải xử phạt hành chính.

- Đối với các trường hợp buôn bán hàng cấm là ngoại tệ với số lượng có giá trị từ 3 triệu đồng trở lên hoặc dưới 3 triệu đồng nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, tái phạm, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm theo Điều 166 Bộ Luật Hình sự.

[...]