Thông tư liên ngành 02-TT/LN năm 1985 về thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân về một số tranh chấp trong lao động do Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân sân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động - Tổng cục dạy nghề ban hành

Số hiệu 02-TT/LN
Ngày ban hành 02/10/1985
Ngày có hiệu lực 17/10/1985
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Tổng cục Dạy nghề,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Lư,Nguyễn Ngọc Giao,Nguyễn Thị Ngọc Khanh,Phùng Văn Tửu,Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thủ tục Tố tụng

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TƯ PHÁP-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-TỔNG CỤC DẠY NGHỀ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-TT/LN

Hà Nội , ngày 02 tháng 10 năm 1985

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ TƯ PHÁP - BỘ LAO ĐỘNG - TỔNG CỤC DẠY NGHỀ SỐ 02-TT/LN NGÀY 02/10/1985 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪ THỰC HIỆN THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN VỀ MỘT SỐ VIỆC TRANH CHẤP TRONG LAO ĐỘNG

Trong khi chờ đợi Bộ luật lao động quy định đầy đủ thẩm quyền của Toà án nhân dân và thủ tục xét xử những tranh chấp lao động, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 10/HĐBT ngày 14/01/1985 quy định chuyển sang Toà án nhân dân xét xử những việc sau đây, đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc không chịu bồi thường:

a. Công nhân, viên chức Nhà nước bị xử lý bằng hình thức buộc thôi việc;

b. Học sinh học nghề trong nước; học sinh học nghề, hoặc giáo viên dạy nghề và thực tập sinh sản xuất ở nước ngoài bị buộc phải bồi thường phí tổn đào tào cho Nhà nước, vì bị thi hành kỷ luật;

c. Những người đi hợp tác lao động với nước ngoài bị buộc phải bồi thường phí tổn cho Nhà nước, vì vi phạm hợp đồng; bị kỷ luật phải về nước trước thời hạn.

d. Những tranh chấp giữa người làm công với chủ tư nhân.

Sau khi trao đổi ý kiến với Tổng công đoàn Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động và Tổng cục dạy nghề ra Thông tư liên ngành này hướng dẫn thi hành quyết định nói trên như sau:

I. VỀ VIỆC CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC BỊ XỬ LÝ BẰNG HÌNH THỨC BUỘC THÔI VIỆC

1. Toà án nhân dân chỉ xét xử những khiếu nại của công nhân, viên chức bị thi hành kỷ luật buộc thôi việc chứ không xét xử những khiếu nại về những hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật, chuyển đi làm việc khác).

Những khiếu nại của những cán bộ sau đây về buộc phải thôi việc sẽ do cơ quan quản lý cấp trên xét không phải chuyển cho Toà án xét xử;

- Các Vụ trưởng, Cục trưởng, Viện trưởng, Hiệu trưởng Trường đại học và cấp tương đương trở lên;

- Các Giám đốc Sở, Giám đốc Xí nghiệp, Chủ nhiệm Công ty và cấp tương đương;

- Những người giữ những chức vụ trong bộ máy Nhà nước do cơ quan quyền lực (Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng nhân dân) bầu ra.

2. NgườI bị buộc thôi việc phải gửi đơn khiếu nại trong thời hạn một tháng kể từ ngày họ nhận được quyết định buộc thôi việc. Vì vậy, trong quyết định buộc thôi việc, phải ghi rõ thời hạn đương sự được khiếu nại và phải giao cho đương sự quyết định này. Khiếu nại quá hạn mà không có lý do chính đáng thì không được xét. Đơn khiếu nại có thể gửi cho thủ trưởng cơ quan, Giám đốc Xí nghiệp, Uỷ ban nhân dân đã ra quyết định buộc thôi việc, Toà án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân.

Viện kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố đối với những trường hợp buộc thôi việc không đúng pháp luật. Thời hạn khởi tố không hạn chế. Quyết định khởi tố gửi cho Toà án và tổ chức đã ra quyết định buộc thôi việc.

3. Toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử các khiếu nại về buộc thôi việc là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Thủ trưởng cơ quan, Giám đốc Xí nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân đã ra quyết định buộc thôi việc phải chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân trong thời hạn 7 ngày kể từ này nhận được đơn khiếu nại của đương sự, quyết định khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân hoặc nhận được công văn của Toà án nhân dân yêu cầu chuyển hồ sơ (trường hợp đương sự trực tiếp gửi đơn cho Toà án nhân dân).

4. Hồ sơ chuyển sang Toà án phải có đầy đủ những giấy tờ sau đây:

a. Đơn khiếu nại của đương sự (nếu họ trực tiếp gửi đơn cho cơ quan, xí nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân đã ra quyết định buộc thôi việc).

b. Các báo cáo, biên bản về việc vi phạm kỷ luật, các biên bản giám định chất lượng sản phẩm hoặc giám định kỹ thuật có liên quan đến việc vi phạm kỷ luật (nếu có).

c. Các biên bản của đơn vị sản xuất, công tác hoặc của tổ chức xã hội kiểm thảo hoặc nhận xét về hanh vi và nhân thân của đương sự.

d. Các bản tự kiểm điểm của đương sự.

đ. Biên bản của Hội đồng kỷ luật.

e. ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ quan, xí nghiệp về việc thi hành kỷ luật đối với đương sự.

g. Quyết định của thủ trưởng cơ quan, Giám đốc Xí nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân buộc đương sự thôi việc.

Trong trường hợp đương sự đã bị xử lý về hành chính hoặc bị cơ quan Công an, Kiểm sát hoặc Toà án xử lý trong hồ sơ còn phải có những văn bản xử lý của cơ quan đó (như quyết định phạt về thuế, hải quan, quyết định miễn tố, bản án v.v...).

Toà án nhân dân có thể yêu cầu cấp đã quyết định kỷ luật cung cấp tài liệu bổ sung.

[...]