Thông tư liên bộ 970-LB năm 1971 hướng dẫn việc thống nhất tổ chức kế toán và thống kê ở xí nghiệp công nghiệp do Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê ban hành.
Số hiệu | 970-LB |
Ngày ban hành | 25/09/1971 |
Ngày có hiệu lực | 10/10/1971 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính,Tổng cục Thống kê |
Người ký | Trần Hải Bằng,Trịnh Văn Bính |
Lĩnh vực | Kế toán - Kiểm toán |
BỘ
TÀI CHÍNH |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 970-LB |
Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1971 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC THỐNG NHẤT TỔ CHỨC KẾ TOÁN VÀ THỐNG KÊ Ở XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Quyết định số
233-CP ngày 01-12-1970 của Hội đồng Chính phủ ban hành Chế độ báo cáo thống kê
và kế toán định kỳ chính thức của xí nghiệp công nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 02-CP ngày 02-01-1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tổ chức
lại hệ thống thông tin kinh tế (phần nói riêng về hệ thống thông tin thống kê
và kế toán);
Căn cứ Nghị định số 176-CP ngày 10-9-1970 của Hội đồng Chính phủ, thay chương
III nói về kế toán trưởng – trong Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước;
Căn cứ Chỉ thị số 11-TTg ngày 09-01-1970 của Thủ tướng Chính phủ phần nói về tổ
chức kế toán và thống kê ở cơ sở;
Liên Bộ Tài chính và Tổng cục
Thống kê hướng dẫn thi hành việc thống nhất tổ chức kế toán và thống kê ở xí
nghiệp công nghiệp như sau đây.
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI THỐNG NHẤT TỔ CHỨC KẾ TOÁN VÀ THỐNG KÊ Ở XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
Từ trước đến nay, công tác kế toán và thống kê trong các xí nghiệp thường do hai phòng chỉ đạo: phòng kế hoạch chỉ đạo công tác thống kê, phòng kế toán tài vụ chỉ đạo công tác kế toán. Sự phân công chỉ đạo như vậy đã làm cho công tác kế toán và thống kê tách rời nhau về mặt tổ chức và đã hạn chế việc nâng cao tính thống nhất tập trung, tính chính xác và kịp thời của các tài liệu hạch toán thống nhất trong các xí nghiệp.
Chế độ ghi chép ban đầu ở xí nghiệp (bao gồm các biểu mẫu do Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính thống nhất ban hành và các biểu mẫu do giám đốc xí nghiệp đề nghị bổ sung, được Tổng cục Thống kê chấp nhận) do hai phòng hướng dẫn thực hiện là không hợp lý; có sự trùng lắp và không thống nhất trong việc hướng dẫn cách ghi báo, gây khó khăn cho người ghi
Mỗi hiện tượng, mỗi quá trình kinh tế, đáng lẽ chỉ cần ghi chép một lần, ghi đúng nguyên tắc, đúng phương pháp, rồi di chuyển đi theo một luồng tập trung thống nhất, đảm bảo việc xử lý và tổng hợp các tài liệu được nhanh chóng, chính xác, phục vụ kịp thời cho công tác phân tích kinh tế, hạch toán tổng hợp ở xí nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, do sự chỉ đạo còn phân tán nên mỗi hiện tượng cũng như toàn bộ quá trình kinh tế thường phải qua nhiều lần ghi chép, đã tốn nhiều công sức mà còn kém chính xác và gây ra chậm trễ.
Các sổ sách trung gian sử dụng trong hạch toán nghiệp vụ và hạch toán thống kê, các bảng kê chi tiết và nhật ký chứng từ trong hạch toán kế toán, nếu không do một phòng thống nhất chỉ đạo thì sẽ gây ra tình trạng ghi trùng lắp và không chính xác (do cách tính toán khác nhau) và gây chậm trễ trong việc lập biểu báo tổng hợp.
Hệ thống biểu báo thống nhất thống kê - kế toán, ban hành theo Quyết định số 233-CP ngày 01-12-1971 của Hội đồng Chính phủ, bao gồm một hệ thống chi tiêu hoàn bị, thể hiện mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các hiện tượng, các quá trình kinh tế. Vì vậy đòi hỏi phải có sự tập trung thống nhất về mặt nghiệp vụ tính toán nhằm kết hợp chặt chẽ 3 loại hạch toán (hạch toán thống kê, nghiệp vụ kỹ thuật và kế toán) về mặt lập chứng từ, sổ sách, dựa vào đó mà phục vụ công tác hạch toán thống nhất trong xí nghiệp được nhạy bén và chính xác, nếu chỉ đạo phân tán từ hai phòng như trước đây, thì không thể khắc phục được tình trạng bất hợp lý đã nói ở trên.
Việc tổ chức hệ thống kế toán và hệ thống thống kê tách rời nhau trong một xí nghiệp như trước đây, làm cho quá trình thu thập số liệu từ khâu ghi chép ban đầu đến khâu mở sổ sách trung gian và khâu hạch toán vào tài khoản và sổ sách kế toán - bị phân tán ra 2 luồng, gây trở ngại cho công tác thống nhất các loại hạch toán ở xí nghiệp.
Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 02-CP ngày 02-01-1971 đã nêu lên yêu cầu giải quyết tốt khâu thu nhập thông tin ở đơn vị cơ sở như sau: “Phải đặc biệt coi trọng việc tổ chức một cách khoa học hệ thống thông tin kinh tế trong nội bộ xí nghiệp, mà khâu chủ yếu là hợp lý hóa các luồng thông tin thống kê và kế toán trong xí nghiệp, phù hợp với quy trình sản xuất và chế độ quản lý.
Thủ trưởng đơn vị kinh tế cơ sở chịu trách nhiệm tổ chức công tác thông tin trong nội bộ xí nghiệp để quản lý xí nghiệp và làm đầy đủ, kịp thời các báo cáo thống kê và kế toán thống nhất lên cấp trên, chịu trách nhiệm về tính chất chính xác của số liệu trong báo cáo và về thời gian quy định trong chế độ báo cáo.”
Để giải đáp các yêu cầu trên, cần thiết phải thống nhất tổ chức kế toán và thống kê ở xí nghiệp, nhằm:
- Thống nhất việc tổ chức ghi chép ban đầu vào cho một nơi quản lý và chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của bộ máy hạch toán đối với công tác ghi chép ban đầu;
- Kết hợp chặt chẽ việc hạch toán số lượng hiện vật với hạch toán giá trị;
- Khắc phục tình trạng thu thập số liệu trùng lắp, kém chính xác và tạo điều kiện để cân đối, kiểm tra số liệu trước khi gửi báo cáo lên cấp trên;
- Tạo điều kiện mở rộng hạch toán kinh tế nội bộ xí nghiệp, hạch toán nghiệp vụ hàng ngày tình hình hoạt động của phân xưởng, tổ, đội sản xuất;
- Tạo điều kiện sử dụng tối đa năng suất của người làm công tác tính toán và từng bước cơ giới hóa tính toán.
II. HÌNH THỨC TỔ CHỨC KẾ TOÁN THỐNG KÊ VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC
Những số liệu thông tin kinh tế nói trên, trước hết là phục vụ cho tổ sản xuất, cho phân xưởng, tiếp đến cho các bộ môn giúp việc giám đốc, mỗi cấp có yêu cầu khác nhau; vì vậy kế toán trưởng là người xác định mọi yêu cầu cụ thể của các nơi, từ đó hướng dẫn cho nhân viên kế toán phân xưởng thu thập số liệu, ghi chép vào sổ trung gian… nhằm thỏa mãn yêu cầu của các bộ phận.
Việc phân công cho các phòng, ban làm báo cáo như thế nào cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng xí nghiệp là thuộc quyền của giám đốc, vì giám đốc là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê - kế toán thống nhất, chịu trách nhiệm về tính chất kịp thời và chính xác của số liệu.
Việc lập biểu báo của xí nghiệp phải dựa vào chứng từ ghi chép ban đầu theo mẫu thống nhất của liên Bộ Tài chính - Tổng cục Thống kê ban hành. Từ số liệu ghi chép ban đầu, qua sổ sách trung gian, đến khâu hạch toán vào sổ sách kế toán chính thức, mọi việc đều do kế toán trưởng đề nghị và giám đốc cho thi hành.
Các trưởng phòng, trưởng ban trong xí nghiệp chịu trách nhiệm trước giám đốc về việc lập các biểu báo thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý của đơn vị mình, trực tiếp phân công cán bộ theo dõi việc nào thì làm báo cáo việc đó.
Nhân viên kế toán, do phòng kế toán thống kê cử xuống công tác ở phân xưởng, có trách nhiệm cung cấp số liệu ghi chép ban đầu ở phân xưởng cho cán bộ các phòng, ban làm biểu báo tổng hợp; đồng thời nhân viên kế toán phân xưởng căn cứ vào số liệu ghi chép ban đầu và sổ sách trung gian, làm một số biểu cần thiết theo yêu cầu quản lý sản xuất, quản lý lao động và quản lý vật tư, thiết bị của quản đốc phân xưởng và của phòng kế toán thống kê.
Về tên gọi, sau khi hợp nhất tổ chức thống kê và kế toán tài vụ thì gọi tổ chức mới là phòng kế toán - thống kê – tài chính.
Về cơ cấu, phòng kế toán – thống kê – tài chính, ngoài các bộ phận kế toán tài vụ còn có bộ phận thống kê tổng hợp. Số lượng cán bộ làm thống kê tổng hợp có thể từ 2 đến 5 người, tùy theo quy mô xí nghiệp và mức độ phức tạp của công tác đó trong xí nghiệp. Bộ phận thống kê tổng hợp giúp kế toán trưởng chỉ đạo công tác ghi chép ban đầu về phương pháp chế độ thống kê, làm báo cáo phân tích hoạt động kinh tế, cân đối cung cấp và lưu trữ số liệu.