Thông tư liên bộ 6-TT/LB năm 1989 hướng dẫn Chỉ thị 324-CT về chế độ trợ cấp khó khăn cho công nhân viên chức do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Tổng liên đoàn Lao động ban hành

Số hiệu 6-TT/LB
Ngày ban hành 24/03/1989
Ngày có hiệu lực 01/01/1989
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính,Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Hoàng Minh Chức,Lý Tài Luận,Trần Hiếu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6-TT/LB

Hà Nội , ngày 24 tháng 3 năm 1989

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 6-TT/LB NGÀY 24/3/1989 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 324-CT NGÀY 29/12/1988 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP KHÓ KHĂN CHO CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC

Thi hành Chỉ thị số 324-CT ngày 29/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ trợ cấp khó khăn cho công nhân viên chức; Liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Tài chính - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện như sau:

I- TRỢ CẤP KHÓ KHĂN THƯỜNG XUYÊN HÀNG THÁNG CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CÓ ĐÔNG NGƯỜI THỰC SỰ PHẢI NUÔI DƯỠNG, ĐỜI SỐNG GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

1. Đối tượng được xét trợ cấp là những công nhân viên chức; những người hưởng lương trong các lực lượng vũ trang; những người làm hợp đồng dài hạn hưởng lương và các chế độ như công nhân viên chức cùng ngành nghề; những người hưởng lương hưu, những người nghỉ việc và mất sức lao động, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hạng I, II; thương binh hạng I, II; bệnh binh hạng I, II; đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, có đông người thực sự phải nuôi dưỡng mà đời sống đang gặp nhiều khó khăn.

Những người thực sự phải nuôi dưỡng, bao gồm:

a) Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố dượng, mẹ kế trực tiếp phải nuôi dưỡng (phải cùng hộ khẩu) của vợ hoặc chồng, đã hết tuổi lao động, không có con nào khác để nương tựa, không có lương hưu hoặc trợ cấp.

b) Con: gồm con đẻ, con ngoài giá thú, con nuôi (phải cùng hộ khẩu) chưa đến tuổi lao động hoặc đã đến tuổi lao động nhưng bị tàn tật nặng, bố mẹ phải nuôi dưỡng hoàn toàn.

2. Điều kiện và mức trợ cấp:

Tất cả các đối tượng được xét trợ cấp nói trên, nếu có đông người phải nuôi dưỡng mà gia đình sống bằng tiền lương hoặc trợ cấp của Nhà nước, không có nguồn thu nhập nào khác, đời sống hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn thì được trợ cấp từ người thực sự phải nuôi dưỡng thứ 3 trở đi và không quá hai suất trợ cấp trong một tháng.

Những trường hợp sau đây được trợ cấp từ người thực sự phải nuôi dưỡng thứ hai trở đi và cũng trợ cấp không quá hai suất/tháng.

- Công nhân, viên chức, người về hưu, tai nạn lao động, hoặc bệnh nghề nghiệp hạng I, người nghỉ việc vì mất sức lao động từ 81% trở lên hoặc đã quá tuổi lao động mà goá vợ (hoặc chồng) hoặc đã ly hôn, không có nguồn thu nhập thêm.

- Cả hai vợ chồng đều là công nhân viên chức hoặc đã về hưu mà một trong hai người bị tàn tật, mất sức lao động từ 81% trở lên.

- Một người là công nhân viên chức, còn một người đang trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự.

- Cả hai vợ chồng đều là thương binh hạng II hoặc một người là thương, bệnh binh hạng I và một người là công nhân, viên chức.

Trường hợp đặc biệt khó khăn được ưu tiên trợ cấp từ người thực sự phải nuôi dưỡng thứ nhất trở đi và không quá ba suất/tháng.

- Cả hai vợ chồng đều là thương binh hạng I.

- Thương, bệnh binh hạng I bị goá vợ (hoặc chồng) hoặc đã ly hôn, một mình phải bảo đảm sinh sống cho cả gia đình.

- Hai vợ chồng: một người là thương, bệnh binh hạng I, còn một người là thương, bệnh binh hạng II hoặc mất sức lao động từ 81% trở lên.

Mỗi suất trợ cấp khó khăn thường xuyên được tính bằng tiền không quá 10 kilôgam lương thực một tháng theo giá kinh doanh ở địa phương (địa phương nào đưa giá lên bán 1 giá thì địa phương đó có trách nhiệm bù phần chênh lệch giữa giá kinh doanh và giá bán theo 1 giá).

Tất cả các đối tượng nói trên nếu sinh con thứ ba từ ngày 1/ 1/ 1989 trở đi (sau khi có Quyết định số 162-HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình) thì con thứ ba đó không được tính vào diện xét trợ cấp.

II- TRỢ CẤP ĐỘT XUẤT CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC KHI GIA ĐÌNH XẢY RA TAI NẠN BẤT THƯỜNG CÓ KHÓ KHĂN VỀ ĐỜI SỐNG

1. Tất cả những đối tượng nói ở điểm 1, mục I khi gia đình xảy ra tai nạn bất thường (có người ốm đau lâu ngày, có người chết, cháy nhà...) mà gia đình không đủ khả năng tự lo liệu thì được xét trợ cấp đột xuất. Riêng những trường hợp do thiên tai, địch hoạ gây nên cho cả địa bàn rộng ở địa phương thì các đối tượng nói trên ở nơi đó cũng được xét giải quyết theo chế độ cứu tế xã hội chung của Nhà nước và không thuộc diện xét trợ cấp khó khăn đột xuất của Thông tư này.

2. Tuỳ theo mức độ khó khăn của từng trường hợp mà trợ cấp đột xuất cho mỗi gia đình khoản tiền tương đương với giá trị 20 kilôgam đến không quá 40 kilôgam lương thực theo giá kinh doanh ở địa phương và không quá 2 lần trong một năm.

III- CÁCH XÉT VÀ TRẢ TRỢ CẤP

1. Căn cứ vào đối tượng, điều kiện và mức trợ cấp quy định trong Thông tư này, hàng tháng thủ trưởng các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch công đoàn cơ sở tiến hành rà xét trợ cấp khó khăn thường xuyên và đột xuất, bảo đảm trợ cấp đúng đối tượng, đúng chính sách, phù hợp với nguồn kinh phí hiện có.

Riêng những đối tượng hưởng chính sách xã hội được xét trợ cấp khó khăn thì Ban thương binh xã hội và Ban liên lạc hưu trí ở xã, phường xem xét từng trường hợp cụ thể thông qua Uỷ ban nhân dân xã, phường để đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện ra quyết định trợ cấp cho chính xác, đúng đối tượng.

2. Khi xét trợ cấp, cần chú ý:

[...]