Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư liên bộ 38-TT/LB năm 1960 hướng dẫn Thông tư 168-TTg và 169-TTg về một số chế độ với giáo viên do nhân dân đài thọ do Bộ Giáo Dục- Bộ Nội Vụ- Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 38-TT/LB
Ngày ban hành 27/08/1960
Ngày có hiệu lực 11/09/1960
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục,Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Văn Huyên,Phan Kế Toại,Trịnh Văn Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-TT/LB

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1960 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 168-TTG VÀ SỐ 169-TTG NGÀY 04/8/1960 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ VỚI GIÁO VIÊN DO NHÂN DÂN ĐÀI THỌ

 

Ngày 04/8/1960 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 168-TTg và 169-TTg quy định các chế độ đối với giáo viên do nhân dân đài thọ. Nay Liên bộ hướng dẫn chi tiết thi hành như sau:

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA.

Quy chế tổ chức trường lớp dân lập và một số chế độ quy định đối với giáo viên dân lập do Bộ giáo dục ban hành tháng 8/1957 đã có tác dụng động viên khuyến khích giáo viên dân lập và thúc đẩy phong trào nhân dân cùng với Nhà nước xây dựng giáo dục.

Ngày nay do yêu cầu mới của cách mạng, ngành giáo dục phải tận lực phát triển và nâng cao chất lượng các cấp học phổ thông, tạo điều kiện để có thể phổ cập giáo dục cấp một.

Tính đến nay, số lượng giáo viên lên đến 34.724 người trong đó có 19.442 giáo viên do nhân dân đài thọ. Hiện nay số giáo viên này là một lực lượng quan trọng trong ngành đối với sự nghiệp xây dựng giáo dục.

Nhưng nhận thức chung đối với vị trí và vai trò của người giáo viên dân lập chưa được đúng và các chế độ ưu đãi ngộ về vật chất và tinh thần hiện nay còn chênh lệch nhiều so với giáo viên do ngân sách Nhà nước đài thọ.

Vì vậy, Phủ Thủ tướng ban hành chính sách để bảo đảm một số quyền lợi và giải quyết bớt các khó khăn hiện tại cho giáo viên, đồng thời đề cao trách nhiệm của giáo viên nhằm mục đích cổ vũ giáo viên, cổ vũ nhân dân giáo dục.

II. NHỮNG ĐIỂM CỤ THỂ.

Trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ của giáo viên dân lập và quốc lập đều giống nhau: Ngoài việc lên lớp giảng dạy, người giáo viên dân lập còn phải lo soạn bài, chấm bài, làm công tác ngoại khóa, tham gia các mặt công tác xây dựng nhà trường. Người giáo viên dân lập cũng như người giáo viên quốc lập đều có trọng trách đào tạo thanh niên thành những người thợ tương lai xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Nhưng tình hình kinh tế của nước ta hiện nay, cần phải dựa vào dân để phát triển giáo dục, nên còn có mặt nào đó giáo viên dân lập chưa được đãi ngộ ngang với giáo viên quốc lập. Tình hình kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của giáo viên nhân dân do nhân dân đài thọ sẽ càng ngày càng được cải thiện hơn.

Vì vậy, để đãi ngộ về tinh thần, Thông tư của Phủ Thủ tướng đã quy đinh: “Các quyền lợi về học tập chính trị, văn hóa, nghiệp vụ của người giáo viên do nhân dân đài thọ được bảo đảm như giáo viên do ngân sách Nhà nước đài thọ”. Cụ thể là Chính phủ đã đài thọ các khoản chi phí về đào tạo bao gồm các khoản bồi dưỡng giáo viên, cung cấp chương trình, tài liệu giáo khoa… để tạo điều kiện và phương tiện cho giáo viên dân lập giảng dạy như giáo viên quốc lập.

Để đãi ngộ về vật chất, Thông tư của Phủ Thủ tướng đã quy định : “… Căn cứ vào khả năng tài chính của Nhà nước và của nhân dân hiện nay, cần thực hiện:

Trước hết cần bảo đảm sinh hoạt phí tối thiểu của người giáo viên, mức sinh hoạt phí tối thiểu đó vừa nhằm đãi ngộ thích đáng công sức của người thầy vừa nhằm giữ được quan hệ tốt đối với những người lao động khác cùng qua một qúa trình đào tạo và có trình độ nghiệp vụ tương đương. Cần bảo đảm sinh hoạt phí cả trong những tháng nghỉ hè cho giáo viên trường dân lập.

Đối với những giáo viên đã công tác lâu năm trong nghề, giáo viên kiêm hiệu trưởng, giáo viên các địa phương khác đến, mức sinh hoạt phí phải cao hơn, giáo viên dạy toàn cấp hưởng mức lương cao hơn giáo viên không dạy được toàn cấp”. Cụ thể là:

1. Về mức lương:

Từ trước đến nay, về định mức lương cho giáo viên cũng đã có nhiều địa phương thực hiện việc trả thù lao theo lao động, song vì khả năng tài chính của từng nơi nên còn một số địa phương chưa thực hiện được nguyên tắc trên. Tình trạng bình quân trong việc trả lương còn khá nặng nề, mức lương qúa thấp còn khá phổ biến, nên cũng cần phải giải quyết sự chênh lệch qúa xa đó.

Để đạt được yêu cầu trên đây, Liên bộ quy định mức lương tối thiểu của từng cấp như sau:

GIÁO VIÊN CẤP I

Giáo viên dạy lớp 1, 2 mới vào được hưởng lương tối thiểu …26 đồng.

Giáo viên dạy lớp 3, 4 mới vào được hưởng lương tối thiểu …30 đồng.

GIÁO VIÊN CẤP II

Giáo viên không toàn cấp mới vào được hưởng lương tối thiểu … 35 đồng

Giáo viên toàn cấp mới vào được hưởng lương tối thiểu … 40 đồng

Trên đây Liên bộ chỉ hướng dẫn mức lương tối thiểu cho từng loại giáo viên mới vào ngành, coi như còn trong thời gian tập sự. Đối với cấp I sau một năm học, và đối với cấp II, sau 18 tháng có thể xét để nâng mức lương lên. Mức lương quy định có thể xét để nâng mức lương tối thiểu, các mức lương khác cho từng loại giáo viên khác nhau thì từng khu, tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào mức lương đã cấp phát lâu nay, căn cứ vào tình hình và khả năng tài chính của địa phương, có thể nâng dần lên nhưng phải nhìn vào khả năng của quỹ học phí, số tiền phải chi trả cho giáo viên trong toàn năm, nhằm cải tiến thêm một bước đời sống cho giáo viên dân lập và trả đủ 12 tháng. Cụ thể là:

Đối với các loại giáo viên các loại giáo viên dân lập toàn cấp và không toàn cấp cũng cần chia thời gian phục vụ ra từng thâm niên một để đãi ngộ. Việc tính thâm niên trong nghề dạy học là một tiêu chuẩn trong chính sách tiền lương đối với người giáo viên. Nhưng khả năng đài thọ của nhân dân có hạn, nên việc áp dụng tiêu chuẩn thâm niên và quy định mức lương cho từng thâm niên chưa có thể thực hiện như đối với giáo viên quốc lập. Song bước đầu cũng cần vận dụng phần nào tiêu chuẩn thâm niên để phân biệt giáo viên đã phục vụ lâu năm trong ngành hay mới vào ngành và để khuyến khích anh chị em đi sâu vào nghiệp vụ. Ví dụ: mỗi thâm niên quy định là 3 năm, và mức tăng có thể từ 2đ đến 4đ. Nhưng khi xét thâm niên cần kết hợp xét khả năng hiện nay, tinh thần và thái độ công tác.

- Đối với giáo viên ở miền xuôi lên miền núi, giáo viên ở các địa phương sinh hoạt thấp điều động đến những địa phương sinh hoạt đắt đỏ hơn thì mức lương phải cao hơn giáo viên ở tại địa phương.

[...]