Thông tư liên bộ 33-TT-LB năm 1962 hướng dẫn thi hành chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do của Bộ Nội Vụ - Bộ Y Tế - Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 33-TT-LB
Ngày ban hành 29/06/1962
Ngày có hiệu lực 14/07/1962
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Lê Tất Đắc,Trịnh Văn Bính,Vũ Văn Cẩn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-TT-LB

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ 

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh linh

Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 51-TTg ngày 09 tháng 05 năm 1962 về việc cải tiến tổ chức, lề lối làm việc ở cấp xã và chế độ phụ cấp với đối với cán bộ xã;

Để thực hiện thông tư ấy, Liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế quy định và hướng dẫn một số điểm cụ thể dưới đây, về mặt chế độ đối với cán bộ xã.

1. Chế độ phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ chuyên trách ở xã.

Mỗi xã, tùy theo quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh, thành hay khu, có từ 3 đến 5 cán bộ chuyên trách, trong đó kể cả thư ký Văn phòng Ủy ban hành chính xã, được hưởng phụ cấp hàng tháng 20đ, 23đ, riêng ở xã rẻo cao 22đ, 25đ, do ngân sách Nhà nước đài thọ.

a) Để việc trả phụ cấp được đúng, sau khi Ủy ban hành chính xã đã phân công, Ủy ban hành chính huyện cần quyết định danh sách cụ thể các cán bộ chuyên trách ở mỗi xã được phụ cấp, có ghi rõ mức phụ cấp của từng người, và báo cáo Ủy ban hành chính tỉnh thành hay khu.

b) Trường hợp cán bộ chuyên trách ở xã vắng mặt để dự lớp huấn luyện, chữa bệnh,… thì được hưởng phụ cấp như sau:

- Nếu thời gian vắng mặt dưới 1 tháng, thì vẫn hưởng phụ cấp cả tháng.

- Nếu thời gian vắng mặt trên 1 tháng, thì trong thời gian vắng mặt, được hưởng một nửa phụ cấp hàng tháng, nhưng không được quá 3 tháng.

- Trường hợp vắng mặt, vì việc riêng, trên 1 tháng, thì từ tháng thứ 2 trở đi không hưởng phụ cấp nữa.

- Nữ cán bộ chuyên trách ở xã, khi sinh, đẻ, được nghỉ 2 tháng và được hưởng đủ phụ cấp cả 2 tháng. Sau 2 tháng nghỉ này nếu chưa trở lại công tác được vì còn ốm yếu thì chỉ được hưởng một nửa phụ cấp hàng tháng, nhưng không được quá 3 tháng.

- Những cán bộ chuyên trách ở xã, khi không được phân công làm nhiệm vụ chuyên trách ở xã, thì thôi không hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngày thôi làm nhiệm vụ chuyên trách.

- Trường hợp cán bộ chuyên trách ở xã vắng mặt lâu mà Ủy ban hành chính xã xét thấy cần bổ sung người thay thế, để đảm bảo công tác, thì phải báo cáo đề nghị Ủy ban hành chính huyện xét, quyết định cụ thể và chỉ được trả phụ cấp cho cán bộ thay thế chuyên trách, khi có quyết định của Ủy ban hành chính huyện.

Hàng tháng Ủy ban hành chính huyện cần có kế hoạch quản lý thời gian công tác, và thời gian vắng mặt của cán bộ chuyên trách ở xã, và căn cứ vào danh sách cụ thể số người được phụ cấp ở mỗi xã mà chuyển tiền về cho Ủy ban hành chính xã, để xã trả phụ cấp cho cán bộ chuyên trách, theo sự quy định trên.

2. Chế độ đối với các loại cán bộ xã khác, không chuyên trách.

Căn cứ vào thông tư của Thủ tướng Chính phủ, ngoài số cán bộ chuyên trách ở xã có phụ cấp hàng tháng, các loại cán bộ khác đều vừa sản xuất, vừa công tác không hưởng phụ cấp hàng tháng. Các cán bộ này bao gồm ủy viên Ủy ban hành chính xã, đảng ủy viên hay chi ủy xã, ủy viên các ban, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên của xã… Khi làm một số công tác chung trong xã như làm thuế nông nghiệp, thống kê, báo cáo…, các cán bộ xã này sẽ được hưởng thù lao lấy vào ngân sách xã. Thù lao chỉ trả cho cán bộ xã, nếu vì tham gia vào các công tác trên, mà hợp tác xã không bố trí được công việc đảm bảo đủ số công điểm như xã viên khác. Cách trả thù lao phải đảm bảo tinh thần thiết thực, tiết kiệm, không biến thành chế độ trợ cấp bán định xuất thường xuyên trước đây.

Để chi khoản thù lao này, mỗi xã tùy theo xã nhỏ hay xã lớn, được dự trữ từ 400đ đến tối đa 450đ  hàng năm vào ngân sách xã. Số tiền dự trữ hàng năm này cùng với mức thù lao cụ thể của một người trong 1 ngày, do Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu quy định cho thích hợp với đặc điểm của xã.

3. Chế độ với cán bộ xã khi ốm đau.

a) Đối với cán bộ chuyên trách ở xã: Cán bộ chuyên trách ở xã khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh ở các tổ chức y tế của Nhà nước dành cho công nhân viên chức Nhà nước; nếu bệnh cần phải nằm điều trị thì được cấp tiền ăn, tiền bồi dưỡng, tiền thuốc theo bệnh như công nhân viên chức; nếu chết tại bệnh viện, được trợ cấp tiền chi phí về chôn cất. Ngân sách Nhà nước sẽ đài thọ các khoản chi phí đó.

b) Đối với cán bộ khác không chuyên trách ở xã: Cán bộ khác không chuyên trách ở xã khi ốm đau cũng được khám bệnh, chữa bệnh như cán bộ nói trên. Việc trợ cấp tiền ăn, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng sẽ do Ủy ban hành chính xã đề nghị, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định tùy hoàn cảnh cụ thể của từng người, nhưng cần chiếu cố thích đáng đối với những cán bộ xã hoàn cảnh túng thiếu. Trường hợp có cán bộ chết tại bệnh viện thì cũng được trợ cấp tiền chi phí về chôn cất. Quỹ cứu tế xã hội của tỉnh sẽ đài thọ các khoản chi phí đó.

4. Chế độ đối với cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách ở xã khi dự hội nghị, lớp huấn luyện do Ủy ban hành chính cấp trên hay Trung ương tổ chức.

Khi dự hội nghị, lớp huấn luyện do Ủy ban hành chính cấp trên hay Trung ương tổ chức, cả 2 loại cán bộ xã được cấp tổ chức hội nghị hay mở lớp đài thọ:

a) Tiền tàu xe đi, về theo thực chi;

b) Phụ cấp đi đường khi đi và về như khi đi công tác;

c) Tiền ăn ở lớp huấn luyện hay ở hội nghị từ 0đ50 đến 0đ60 (theo tiền ăn bình thường ở cơ quan cấp tổ chức lớp, hội nghị). Riêng đối với cán bộ xã người dân tộc phải ăn cơm nếp thì được cung cấp gạo nếp và do đó tiền ăn có thể lên tới 0đ70 một ngày.

[...]