Thông tư liên bộ 31/TTLT năm 1990 hướng dẫn Quyết định 132-HĐBT về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị do Bộ xây dựng - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành

Số hiệu 31/TTLT
Ngày ban hành 20/11/1990
Ngày có hiệu lực 20/11/1990
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Xây dựng
Người ký Ngô Xuân Lộc,Phan Ngọc Tường
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/TTLT

Hà Nội , ngày 20 tháng 11 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

 CỦA BỘ XÂY DỰNG - BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 31/TTLT NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 132-HĐBT NGÀY 5-5-1990 VỀ PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

Ngày 5-5-1990 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 132-HĐBT về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các công tác:

- Phân cấp, phân loại đô thị.

- Đề ra chính sách huy động các nguồn vốn, đầu tư xây dựng cho các đối tượng đô thị khác nhau.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính quản lý đô thị.

- Ban hành quy trình, quy phạm tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng đô thị.

- Phân cấp xét duyệt các đồ án quy hoạch đô thị v.v...

Nay Liên Bộ hướng dẫn việc thực hiện như sau:

I. ĐÔ THỊ VÀ NHỮNG YẾU TỐ CẤU THÀNH ĐÔ THỊ

1. Quy định về "Điểm dân cư đô thị" ở điểm 1- Điều 1 được giải thích cụ thể như sau:

Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có hạ tầng cơ sở thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của một miền lãnh thổ, của một tỉnh, của một huyện hoặc một vùng trong tỉnh, trong huyện.

- Trung tâm tổng hợp: Những đô thị là trung tâm tổng hợp, khi chúng có vai trò và chức năng nhiều mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội .v.v...

- Trung tâm chuyên ngành: Những đô thị là trung tâm chuyên ngành, khi chúng có vai trò và chức năng chủ yếu về một mặt nào đó như: Công nghiệp cảng, du lịch- nghỉ dưỡng, đầu mối giao thông v.v...

- Một đô thị là trung tâm tổng hợp của một vùng tỉnh có thể cũng là trung tâm chuyên ngành của một vùng liên tỉnh hoặc toàn quốc. Do đó, việc xác định một trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành còn phải căn cứ vào vị trí của đô thị đó trong một vùng lãnh thổ nhất định.

- Lãnh thổ đô thị gồm: Nội thành hoặc nội thị (gọi chung là nội thị) và ngoại ô. Các đơn vị hành chính của nội thị gồm: Quận và Phường, còn các đơn vị hành chính của ngoại ô gồm: Huyện và Xã.

2. Quy mô dân số.

Điểm 2. Điều 1 quy định chung quy mô dân số tối thiểu của một đô thị không nhỏ hơn 4.000 người. Riêng ở miền núi, quy mô dân số tối thiểu của một đô thị không nhỏ hơn 2.000 người. Quy mô này chỉ tính trong nội thị.

3. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Điểm 3. Điều 1 quy định tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của một đô thị không nhỏ hơn 60%. Tỷ lệ này chỉ tính trong nội thị.

Lao động phi nông nghiệp bao gồm:

- Lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Lao động xây dựng cơ bản.

- Lao động giao thông vận tải, bưu điện, tín dụng, ngân hàng.

- Lao động thương nghiệp, dịch vụ, du lịch.

- Lao động trong các cơ quan hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, phục vụ nghiên cứu Khoa học kỹ thuật.

- Các lao động khác... Ngoài khu vực sản xuất nông nghiệp.

4. Cơ sở hạ tầng đô thị.

[...]