Thông tư liên bộ 27-LB năm 1964 giải thích và bổ sung TTLB 21-LB-NH-NT-TC giải quyết vấn đề liên quan giữa công tác cho vay thương nghiệp của ngân hàng với nhiệm vụ nộp ngân sách nhà nước và bảo đảm vốn kinh doanh của các đơn vị mậu dịch quốc doanh do Bộ Tài Chính- Ngân Hàng Nhà Nước- Bộ Nội Thương ban hành

Số hiệu 27-LB
Ngày ban hành 10/12/1964
Ngày có hiệu lực 25/12/1964
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội thương,Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đào Thiện Thi,Nguyễn Văn Đào,Trần Dương
Lĩnh vực Thương mại,Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM – BỘ NỘI THƯƠNG
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 27-LB

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1964

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG THÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 21-LB-NH-NT-TC NGÀY 12-12-1962 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN GIỮA CÔNG TÁC CHO VAY THƯƠNG NGHIỆP CỦA NGÂN HÀNG VỚI NHIỆM VỤ NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ BẢO ĐẢM VỐN KINH DOANH CỦA CÁC ĐƠN VỊ MẬU DỊCH QUỐC DOANH

Ngày 12-12-1962, liên Bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Tài chính - Nội thương đã ban hành Thông tư liên Bộ số 21-LB-NH-NT-TC quy định nguyên tắc giải quyết một số vấn đề liên quan giữa công tác cho vay thương nghiệp của Ngân hàng với nhiệm vụ nộp ngân sách Nhà nước và việc bảo đảm vốn kinh doanh của các đơn vị mậu dịch quốc doanh.

Sau một thời gian thi hành ở những địa phương mà các đơn vị cơ sở ba ngành có sự phối hợp chặt chẽ và chấp hành nghiêm chỉnh dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính các cấp, Thông tư liên Bộ này đã có tác dụng đưa công tác quản lý kinh doanh, quản lý tài vụ của ngành nội thương đi dần vào nề nếp, công tác cho vay thương nghiệp của Ngân hàng Nhà nước, công tác cấp vốn và thu tích lũy ở khâu thương nghiệp của tài chính cũng đã bước đầu phát huy được tác dụng tăng cường giám đốc thúc đẩy các hoạt động của thương nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nội thương hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1963.

Tuy nhiên cho đến nay một số quy định trong Thông tư liên Bộ số 21, ở một số địa phương chưa thi hành đầy đủ như:

- Vấn đề trích phí, thuế, lãi: Hầu hết các đơn vị nội thương chưa thực hiện việc nộp thuế và lãi theo thực tế kinh doanh, mà vẫn nộp theo kế hoạch. Cuối tháng, quyết toán chậm, không điều chỉnh số nộp kịp thời theo thực tế nên đã xảy ra tình trạng nơi nộp thừa, nơi nộp thiếu thuế và lãi cho ngân sách. Một số đơn vị chưa thực hiện việc trích nộp thuế và lãi một tháng nhiều lần; sau mỗi lần trích tỷ lệ lại gộp từ khoản cho vay đặc biệt sang tài khoản tiền gửi thanh toán, một số đơn vị nội thương không trích nộp thuế và lãi vào ngân sách ngay, còn chiếm dụng làm vốn kinh doanh.

- Về nộp khoản chênh lệch gia công: Nói chung là chậm, thậm chí có nơi sau một quý lên xong quyết toán mới nộp.

- Về nộp và bù các khoản chênh lệch tăng giảm giá làm không kịp thời.

Mặt khác, năm 1963 công tác cải tiến quản lý kinh doanh và tài vụ kế toán trong ngành nội thương bước đầu được thực hiện nên có một số vấn đề có liên quan đến công tác của ba ngành nhưng chưa được quy định trong Thông tư liên Bộ số 21 như:

- Vấn đề giải quyết các trường hợp tăng giảm giá.

- Vấn đề chênh lệch giá cả khu vực, chênh lệch giữa giá chỉ đạo thu mua và giá thu mua thực tế;

- Về cấp vốn và thu hồi vốn hàng hóa ứ đọng;

- Vấn đề giải quyết tài sản thừa thiếu và nợ nần dây dưa;

- Thu lãi do giảm giá gia công và tiết kiệm nguyên vật liệu gia công.

Vì vậy liên Bộ thấy cần phải giải thích thêm những điểm đã quy định trong Thông tư liên Bộ số 21 và bổ sung những điểm mới phát sinh trong năm 1963 – 1964 chưa được quy định trong Thông tư số 21 để các địa phương, các ngành thống nhất thi hành.

A. VẤN ĐỀ TRÍCH PHÍ, THUẾ, LÃI BÁN HÀNG, THUẾ, LÃI ĂN UỐNG PHỤC VỤ, THUẾ, LÃI KINH DOANH NGHIỆP VỤ KHÁC

(sản xuất chăn nuôi…)

Trước hết, cần phải xác định và nhắc lại nguyên tắc thu nộp cho ngân sách Nhà nước là thu nộp theo thực tế, kết quả các hoạt động kinh doanh và sản xuất của các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh. Biện pháp thu nộp như vậy là đúng đắn nhất, không những có tác dụng đảm bảo việc thu nộp cho ngân sách khớp với kết quả thực tế kinh doanh của các đơn vị nội thương, tránh hiện tượng nộp thiếu hoặc nộp thừa mà còn có tác dụng tốt trong việc tăng cường giám đốc bằng đồng tiền các hoạt động thương nghiệp, thúc đẩy các đơn vị nội thương phải nâng cao trình độ hạch toán kinh tế, phải hạch toán chính xác và kịp thời các số liệu kế toán phù hợp với tình hình thực hiện hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

Ở nhiều địa phương trong cả ba ngành Tài chính – Ngân hàng – Nội thương còn nhiều cán bộ chưa quan niệm rõ như vậy nên đã coi việc thu nộp theo kế hoạch là dĩ nhiên và đã mất nhiều thì giờ tính toán và tranh chấp nhau về các số liệu kế hoạch mà ít chú trọng tìm mọi biện pháp để lập các bản cân đối và quyết toán cho kịp thời, chính xác, trên cơ sở đó có điều kiện để thu nộp theo thực tế, kiểm tra công việc quản lý kinh doanh thương nghiệp được kịp thời và chính xác.

Liên Bộ xác định việc nộp lợi nhuận theo kế hoạch chỉ là biện pháp để đảm bảo việc thu nộp kịp thời cho ngân sách trong khi chờ đợi cuối tháng phải thu theo thực tế. Trong tháng vẫn tiến hành nộp theo kế hoạch và các đơn vị nội thương phải phấn đấu đảm bảo quyết toán hàng tháng, quý đúng thời hạn quy định, đảm bảo chính xác các số liệu kế toán để có căn cứ nộp theo thực tế. Các ngành tài chính và ngân hàng phải thúc đẩy và tạo mọi điều kiện giúp các đơn vị nội thương lập được quyết toán đúng thời hạn, chính xác, kiểm tra số liệu kế toán, phân tích tình hình kinh tế và điều chỉnh thu nộp ngân sách theo thực tế cho kịp thời.

- Cơ quan tài chính phải thoái thu bù lỗ kịp thời cho đơn vị nội thương nếu xét đơn vị đó nộp quá hoặc có lỗ thực tế. Nếu đơn vị nội thương nộp còn thiếu do Ngân hàng cho trích chưa đủ số mà đơn vị được trích thì Ngân hàng cho trích thêm số còn thiếu đó để nộp lãi và thuế cho ngân sách. Trường hợp Ngân hàng đã cho trích đủ rồi nhưng đơn vị nội thương không nộp đủ cho ngân sách, lại đem sử dụng vào việc khác thì các đơn vị nội thương phải trích phí trong tài khoản tiền gửi thanh toán để nộp thuế và lãi cho ngân sách. Nếu tài khoản tiền gửi thanh toán không còn thì kỳ trích sau Tài chính yêu cầu Ngân hàng trích đủ số lợi nhuận, thuế còn thiếu vào lãi gộp chuyển nộp cho ngân sách.

- Cơ quan ngân hàng phải thúc đẩy việc thanh toán tiền bán hàng nhanh chóng giữa các đơn vị bên mua và bên bán. Cụ thể là:

Ngân hàng bên mua khi nhận chứng từ hóa đơn của Ngân hàng bên bán gửi đến (xét đúng các điều khoản quy định của hợp đồng kinh tế mua bán hàng và chế độ thanh toán của Nhà nước ban hành) dù hàng còn đang đi trên đường chưa nhập kho, Ngân hàng vẫn cho đơn vị mua vay theo giấy đòi nợ để trả cho đơn vị bán, nhận được tiền đơn vị bán phải nộp đầy đủ thuế, lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước.

Trường hợp Ngân hàng từ chối không cho vay, thì Ngân hàng phải kịp thời giải thích cho đơn vị nội thương và cơ quan tài chính địa phương rõ lý do. Nếu ba cơ quan không thống nhất với những lý do của Ngân hàng giải thích mà còn không bàn bạc tự giải quyết được thì phải báo cáo lên cho Bộ Nội thương, Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính giải quyết.

I. THU NỘP THEO KẾ HOẠCH

Các kế hoạch tài vụ của ngành nội thương phải đảm bảo số thu nộp cho ngân sách có căn cứ tương đối chính xác, kế hoạch tài vụ cũng như tỷ lệ gộp (phí, thuế, lãi) phải phân chia kế hoạch năm ra từng quý và kế hoạch quý ra từng tháng. Sau khi được các Sở, Ty Thương nghiệp hoặc Bộ Nội thương duyệt, có các ngành Ngân hàng và Tài chính tham gia ý kiến, thì hàng tháng, quý, các đơn vị lấy tỷ lệ đó nhân với tiền bán hàng đã gộp vào tài khoản đặc biệt của Ngân hàng để trích phí, thuế và lãi theo kế hoạch (nếu khi cần thiết phải điều chỉnh tỷ lệ gộp, thì phải lấy tỷ lệ điều chỉnh).

1. Cách tính tỷ lệ phí, thuế, lãi bán hàng.

a) Phí thuế ở đây là phí, thuế dùng để tính lỗ lãi. Vì vậy nội dung phí thuế như sau:

[...]