Thông tư liên bộ 21-TT/GD năm 1986 hướng dẫn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Bộ Giáo dục; Tổng cục Dạy nghề; Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em ban hành

Số hiệu 21-TT/GD
Ngày ban hành 22/07/1986
Ngày có hiệu lực 06/08/1986
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp,Bộ Giáo dục,Tổng cục Dạy nghề,Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em
Người ký Đinh Thị Cẩn,Hồng Long,Nguyễn Đình Tứ,Nguyễn Thị Bình
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP-BỘ GIÁO DỤC-TỔNG CỤC DẠY NGHỀ-UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ TRẺ EM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-TT/GD

Hà Nội , ngày 22 tháng 7 năm 1986

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

 CỦA BỘ GIÁO DỤC - BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP -TỔNG CỤC DẠY NGHỀ - UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EMSỐ 21-TT/GĐ NGÀY 22-7-1986 HƯỚNG DẪN XÉT TẶNGDANH HIỆU NHÀ GIÁO ƯU TÚ.

Ngày 26 -4 -1986, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 52-HĐBT về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú, Bộ giáo dục, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định trên như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

Danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" và "Nhà giáo ưu tú" tặng cho:

1. Các cô nuôi dạy trẻ.

2. Các giáo viên phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hoá, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

3. Cán bộ giảng dạy đại học và cao đẳng.

4. Cán bộ quản lý các nhà trẻ và các trường học.

5. Cán bộ công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục mà trước đó đã có thời gian làm công tác nuôi dạy trẻ hoặc giảng dạy ở các trường học.

Khi xét chọn phải bảo đảm tỷ lệ cân đối giữa các ngành giáo dục và các đối tượng, phải quan tâm trước hết đến những nhà giáo trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ, giáo dục, giảng dạy ở cơ sở.

II. TIÊU CHUẨN

Tiêu chuẩn đã ghi trong điều 2 của Nghị định bao gồm các yêu cầu về đạo đức cách mạng, tài năng sư phạm, công lao trong sự nghiệp giáo dục và thời gian tham gia công tác giáo dục.

1. Về đạo đức cách mạng: Phải trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp, thiết tha yêu nghề, thương học sinh, thực sự xứng đáng là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức.

2. Về tài năng sư phạm và công lao trong sự nghiệp giáo dục, phải đạt 4 yêu cầu cụ thể:

a) Đã đạt trình độ đào tạo "chuẩn" hoặc đạt trình độ tương đương với tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định của từng ngành giáo dục.

b) Đã thực hiện sáng tạo mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nuôi dạy trẻ, giảng dạy giáo dục và quản lý giáo dục, được tập thể đồng nghiệp và các cấp quản ký giáo dục đánh giá cao.

c) Có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học hoặc tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm. "Nhà giáo ưu tú" phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc công trình nghiên cứu khoa học, được ứng dụng có hiệu quả trong công tác giáo dục, đào tạo, sản xuất và chiến đấu.

"Nhà giáo nhân dân" phải có công trình nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến kinh nghiệm, được ứng dụng rộng rãi, đạt hiệu quả lớn trong công tác giáo dục, đào tạo, sản xuất và chiến đấu.

d) Có thành tích trong công tác bồi dưỡng đồng nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ: hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên mới vào nghề tiến bộ nhanh chóng; hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác giảng dạy giáo dục và nghiên cứu khoa học có kết quả; tham gia các lớp bồi dưỡng do nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục tổ chức đạt kết quả tốt v.v...

3. Về thời gian công tác: "Nhà giáo ưu tú" phải có ít nhất 10 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ. Nếu là cán bộ quản lý thì phải có ít nhất 7 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ trong số 10 năm công tác giáo dục.

"Nhà giáo nhân dân" phải có ít nhất 15 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ. Nếu là cán bộ quản lý thì phải có ít nhất 10 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ trong số 15 năm công tác giáo dục. Những trường hợp dưới đây được giảm 3 năm công tác so với thời gian quy định:

a) Công tác ở một trong các tỉnh Sơn la, Lai châu, Hoàng liên sơn, Hà tuyên, Cao bằng, Lạng sơn, Gia lai - Kon Tum, Daklak, Lâm đồng, các huyện miền núi và các vùng có khó khăn đặc biệt thuộc các tỉnh khác.

b) Công tác ở các hải đảo xa.

c) Dạy các nghề nặng nhọc, độc hại, ngoài trời.

Trên đây là nội dung các tiêu chuẩn về đạo đức, tài năng, công lao đối với các "Nhà giáo nhân dân" và "nhà giáo ưu tú". Khi vận dụng cần nắm vững mức độ khác nhau giữa "Nhà giáo nhân dân" và "nhà giáo ưu tú". "Nhà giáo ưu tú" phải thực sự xứng đáng là nhà sư phạm mẫu mực, có tài năng sư phạm, có công lao trong sự nghiệp giáo dục được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tín nhiệm. "Nhà giáo nhân dân" phải đạt yêu cầu cao hơn là có tài năng sư phạm xuất sắc, có công lao lớn trong sự nghiệp giáo dục, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.

Đối với những người được điều động về làm công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục từ cấp huyện trở lên, khi vận dụng tiêu chuẩn phải căn cứ vào 2 thời kỳ là thời kỳ ở cơ sở và thời kỳ ở cơ quan quản lý giáo dục. Khi ở cơ sở phải đạt các tiêu chuẩn đã nêu trên đây. Khi công tác ở cơ quan quản lý vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, có sáng kiến kinh nghiệm tốt về cải tiến quản lý, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục của ngành, của địa phương.

III. QUYỀN LỢI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG DANH HIỆU.

[...]