Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư liên bộ 202-TT/LB năm 1985 hướng dẫn thực hiện các chế độ phụ cấp hoạt động văn hoá - nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa-Lao động-Tài chính ban hành

Số hiệu 202-TT/LB
Ngày ban hành 30/12/1985
Ngày có hiệu lực 01/01/1986
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tài chính,Bộ Văn hoá
Người ký Chu Tam Thức,Đào Thiện Thi,Nguyễn Văn Hiếu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ VĂN HOÁ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 202-TT/LB

Hà Nội , ngày 30 tháng 12 năm 1985

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ VĂN HOÁ - LAO ĐỘNG - TÀI CHÍNH SỐ 202 - TT/LB NGÀY30 - 12 – 1985 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương Đảng khoá V, và thi hành Nghị định số 235 - HĐBT ngày 18 - 9 - 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân viên chức Nhà nước, liên Bộ Văn hoá - Lao động - Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ phụ cấp đối với hoạt động văn hoá - nghệ thuật chuyên nghiệp trong ngành văn hoá, như sau:

I. VỀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG DIỄN VIÊN NGHỆ THUẬT.

Lao động nghệ thuật biểu diễn là lao động nội tâm đồng thời với hình thức biểu hiện mang tính đặc thù. Để khuyến khích phát huy tài năng sáng tạo trong lao động nghệ thuật đạt chất lượng cao, diễn viên nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp được hưởng các chế độ phụ cấp bồi dưỡng như sau:

1. Phụ cấp bồi dưỡng luyện tập biểu diễn nghệ thuật.

Các mức bồi dưỡng luyện tập sau đây, nhằm bồi dưỡng sức hao phí về thể lực và trí tuệ của người diễn viên trong lao động luyện tập, hưởng theo nguyên tắc lao động trực tiếp của từng buổi luyện tập.

a) Mức 8 đồng (tám đồng) một buổi tập luyện, áp dụng đối với các diễn viên đảm nhiệm luyện tập những vai chính, chủ chốt của các tiết mục, vở diễn thuộc các môn nghệ thuật có cường độ lao động nặng nhọc và tương đương của xiếc, múa, nhạc, vũ kịch, tuồng cổ, kèn hơi.

b) Mức 6 đồng (sáu đồng) một buổi tập luyện, áp dụng đối với các diễn viên đảm nhiệm luyện tập những vai chính, chủ chốt hoặc tương đương trong các tiết mục, vở diễn thuộc các môn nghệ thuật, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca, ca múa nhạc, rối, nhạc giao hưởng, dàn nhạc của nhạc vũ kịch.. . và các môn nghệ thuật của xiếc mà có cường độ luyện tập tương đương không thuộc diện quy định ở điểm a.

c) Mức 4 đồng (bốn đồng) một buổi tập luyện, áp dụng đối với các diễn viên luyện tập những vai phụ hoặc thứ trong các tiết mục, vở diễn của tất cả các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.

- Chế độ phụ cấp bồi dưỡng trên đây, chỉ áp dụng đối với diễn viên có trực tiếp luyện tập trong các tiết mục, vở diễn đã được duyệt trong kế hoạch hoạt động của đơn vị quản lý nghệ thuật và những tiết mục, vở diễn phải luyện tập thường xuyên mới biểu diễn được.

- Những trường hợp luyện tập ngoài kế hoạch, luyện tập cơ bản, tự luyện tập, hoặc luyện tập những tiết mục, vở diễn theo nhu cầu hợp đồng và những diễn viên không trực tiếp luyện tập, đều không được hưởng chế độ bồi dưỡng này.

- Những đơn vị nghệ thuật có diễn viên trong diện hợp đồng để rồi tuyển dụng vào biên chế, diễn viên đào tạo kèm cặp, diễn viên tập sự, do yêu cầu phục vụ được đơn vị lựa chọn sắm vai trong các tiết mục, vở diễn mà phải trực tiếp luyện tập để biểu diễn, thì cũng được hưởng các mức bồi dưỡng theo buổi luyện tập nói trên.

- Người trực tiếp hướng dẫn diễn viên luyện tập tiết mục, vở diễn, hưởng bồi dưỡng luyện tập bằng mức bồi dưỡng quy định ở điểm a.

- Trong khi đang luyện tập, mà diễn viên hoặc người hướng diễn luyện tập không may bị tai nạn, bị bệnh bất ngờ phải bỏ dở luyện tập để điều trị, thì người hướng dẫn và diễn viên ấy vẫn được hưởng các mức bồi dưỡng của buổi luyện tập đó.

2. Phụ cấp bồi dưỡng sau buổi biểu diễn.

a) Đối với diễn viên trực tiếp tham gia biểu diễn:

- Mức 10 đồng (mười đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với những diễn viên có tài năng đảm nhiệm những vai chính, chủ chốt trong các tiết mục, vở diễn của tất cả các bộ môn nghệ thuật.

- Mức 8 đồng (tám đồng) một buổi biểu diễn áp dụng với các diễn viên đảm nhiệm những vai phụ, hoặc không phải vai chính, chủ chốt của các tiết mục, vở diễn và diễn viên nhạc phải phục vụ suốt cả chương trình biểu diễn.

- Mức 6 đồng (sáu đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với những diễn viên phụ (đóng vai quần chúng) của tất cả các bộ môn nghệ thuật và diễn viên trong dàn nhạc phục vụ diễn không thuộc diện quy định ở mức trên.

b) Đối với cán bộ, công nhân viên phục vụ buổi biểu diễn.

Cán bộ, công nhân kỹ thuật, nhân viên trong các đơn vị nghệ thuật được phân công trực tiếp phục vụ buổi biểu diễn, thì sau mỗi buổi biểu diễn, hưởng mức bồi dưỡng như sau:

- Mức 7 đồng (bảy đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với người làm nhiệm vụ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, phải trực tiếp phục vụ suốt cả buổi biểu diễn.

- Mức 6 đồng (sáu đồng ) một buổi biểu diễn, áp dụng với người làm nhiệm vụ trang trí, chuyển cảnh, hậu đài.

- Mức 5 đồng (năm đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với người làm những nhiệm vụ gián tiếp phục vụ buổi biểu diễn.

c) Đối với đài trưởng (còn gọi là chỉ huy biểu diễn), chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ công việc biểu diễn, hưởng mức bồi dưỡng:

10 đồng (mười đồng) một buổi biểu diễn, đối với người chỉ huy có tài năng, có tên tuổi.

8 đồng (tám đồng) một buổi biểu diễn, đối với người chỉ huy không thuộc đối tượng mức 10 đồng.

[...]