Thứ 7, Ngày 16/11/2024

Thông tư liên bộ 184-TT/LB năm 1969 hướng dẫn chỉ thị 59-TTg/VG về việc bảo tồn di tích chống Mỹ, cứu nước do Bộ Văn hóa - Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam ban hành

Số hiệu 184-TT/LB
Ngày ban hành 15/08/1969
Ngày có hiệu lực 30/08/1969
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá,Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam
Người ký Phạm Văn Bạch,Hoàng Minh Giám
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ-ỦY BAN ĐIỀU TRA TỘI ÁC CHIẾN TRANH CỦA ĐẾ QUỐC MỸ Ở VIỆT NAM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 184-TT/LB

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 1969 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH CHỈ THỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 59-TTG/VG NGÀY 26-6-1969 VỀ VIỆC BẢO TỒN DI TÍCH CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Hiện nay, đế quốc Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện ném bom, bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Đã đến lúc ta phải tổ chức ghi nhớ đầy đủ, có hệ thống, có phân tích, chọn lọc những di tích chiến thắng của ta và những chứng tích tội ác man rợ do đế quốc Mỹ gây ra trong 4 năm chiến tranh phá hoại, lưu lại đời đời những di tích ấy để làm tư liệu dùng vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống trước mắt và lâu dài, đồng thời tố cáo với trong nước và ngoài nước những tội ác man rợ ấy của địch:

Ngày 26-6-1969, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 59-TTg/VG về việc bảo tồn di tích chống Mỹ, cứu nước. Bộ Văn hóa và Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt-nam ra thông tư liên bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nói trên như sau:

Muốn ghi lại những chiến thắng của ta và tội ác của đế quốc Mỹ trên đất nước ta, cần phải tiến hành cùng một lúc nhiều công tác như là: xác định các di tích ngoài trời, sưu tầm hiện vật, lập các hồ sơ tổng hợp, hồ sơ chuyên đề và điển hình; trưng bày trong các nhà bảo tàng, các nhà truyền thống; dựng các bia, đài, dựng các bộ tranh, ảnh, phim điện ảnh, viết các cuốn sách; quản lý các hiện trường tội ác; phát hiện, bồi dưỡng và quản lý những nhân chứng là nạn nhân của những tội ác của địch v .v…

Nội dung bản thông tư này nói về hai vấn đề:

1. Vấn đề lựa chọn, đăng ký và quản lý những địa điểm là di tích chống Mỹ, cứu nước.

2. Vấn đề sưu tầm hiện vật và tổ chức trưng bày về tội ác của đế quốc Mỹ và những thành tích chiến đấu sản xuất của địa phương trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, nhằm mục đích tố cáo những tội ác vô cùng dã man của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta trong 4 năm qua; giáo dục sâu sắc lòng căm thù địch, ý chí quyết chiến, quyết thắng, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng; đồng thời cũng giới thiệu những chiến công oanh liệt và những thành tích về xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân để mọi người phấn khởi hăng say công tác, đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.

I. LỰA CHỌN VÀ ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LÀ DI TÍCH CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC.

Qua 4 năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, hầu hết các tỉnh, thành đều có những vết tích về tội ác của địch, đồng thời cũng có  những di tích về tội ác của địch, đồng thời cũng có những di tích về công tác phòng chống và chiến thắng của ta. Đó là những chứng tích chống Mỹ, cứu nước, bao gồm:

- Những chứng tích về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ là những nơi bị bom đạn địch bắn phá ác liệt, cảnh tàn phá nói lên những tội ác điển hình về mức độ thiệt hại hay tính chất dã man tàn bạo cần giữ lại để tố cáo về lâu dài, như là: các khu dân cư, các đê đập, cầu cống, các trụ sở cơ quan, đoàn thể, các khu vực văn hóa, giáo dục, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp v .v…

- Những địa điểm mang dấu tích những chiến thắng của ta như là: các hầm của cấp ủy, Ủy ban hành chính…chỉ đạo trực tiếp các cuộc chiến đấu ở trong thành phố hoặc thị xã, các ụ pháo, hầm pháo, hầm sinh hoạt của đơn vị bộ đội đã lập nhiều chiến công, những hầm chống bom đạn và phục vụ sinh hoạt của nhân dân, hệ thống giao thông hào phục vụ chiến đấu v .v…

Những nơi bị địch bắn phá có nhiều, nhưng chỉ nên giữ lại những nơi nói rõ được tội ác dã man của đế quốc Mỹ, có tác dụng gây xúc động và có giá trị cao về mặt tố cáo tội ác trước dư luận quốc tế cũng như trong nước.

Những địa điểm mang dấu tích chiến thắng của ta cũng rất nhiều, nhưng chỉ nên giữ lại một số địa điểm nói lên được rõ nét về tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí và sáng tạo của ta trong việc bảo vệ nhân dân và chiến thắng địch.

Căn cứ vào các yêu cầu trên, các Ủy ban hành chính, tỉnh, thành phố chỉ đạo các ty, sở văn hóa và ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tiến hành ngay việc lựa chọn để giữ lại những địa điểm đáp ứng rõ nét những yêu cầu nói trên. Đối với những địa phương không có địa điểm đạt các yêu cầu trên thì không cần phải giữ mà chỉ cần dựng bia, đài chiến thắng hoặc bia căm thù là đủ.

Ngoài ra, còn những di tích về xây dựng chủ nghĩa xã hội và phục vụ chống Mỹ, cứu nước như những xí nghiệp sơ tán, những xí nghiệp công nghiệp địa phương, những cầu cống, đập nước, những công trình phục vụ dân sinh… những hiện vật về sáng kiến, phát minh, thành tích sản xuất trong thời gian chống Mỹ, cứu nước. Những di tích này cũng cần được sưu tầm, lựa chọn giữ lại  những thứ có giá trị để phục vụ cho việc giáo dục truyền thống của địa phương.

Từ trước đến nay, vì quan niệm chưa thống nhất cho nên về cách giải quyết các vấn đề nói trên mỗi địa phương làm một cách :

- Có nơi đã phá bỏ cả những hiện trường cần giữ lại;

- Có nơi giữ khá nhiều hiện trường một cách tràn lan, thậm chí muốn giữ cả những hiện trường tội ác là những khu phố lớn;

- Có nơi còn lưỡng lự, không biết làm thế nào cho đúng, nhất là đối với những địa điểm mang dấu tích chiến thắng của ta.

Căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, việc giữ những địa điểm chống Mỹ, cứu nước cần tiến hành theo những nguyên tắc như sau:

1. Đối với những hiện trường tội ác đế quốc Mỹ, các địa phương chỉ nên giữ lại một số có tính chất điển hình, được lựa chọn một cách cẩn thận, không nên giữ tràn lan vì phải phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước về mọi mặt.

- Việc đề tồn tại mãi những sự đổ nát sẽ gây nên những khó khăn về mặt xã hội và ảnh hưởng đến mỹ quan của đô thị, cho nên các cảnh đổ nát nói chung chỉ cần giữ một thời gian cần thiết để tố cáo tội ác của giặc.

Ngoài một số địa điểm thật cần thiết phải giữ nguyên hình, các nơi khác có thể được cải tạo hoặc dọn dẹp, sửa chữa lại để phục hồi sản xuất hoặc sử dụng vào những việc cần thiết khác, nhưng trước và sau khi làm các việc đó cần quay phim, hoặc chụp ảnh, đo vẽ để lưu lại làm tài liệu.

- Đối với những nơi địch đã gây tội ác thì trong quy hoạch cải tạo xây dựng của địa phương cần chú ý dành một khu vực xứng đáng để dựng bia, biển căm thù; đối với những di tích lớn thì có thể dựng một nhà lưu niệm về tội ác của địch nếu có điều kiện.

Tại những địa điểm mang dấu tích, chiến thắng thì cũng dùng thức cắm bia, biển chiến thắng là chủ yếu. Đối với những nơi quân và dân ta đã lập nhiều chiến công oanh liệt thì có thể xây dựng bia, đài kỷ niệm.

Các ty, sở văn hóa có trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng các bia, đài và nhà lưu niệm.

2. Những nơi cần giữ nguyên hình thì không kể là di tích tội ác hay di tích chiến thắng đều phải có tính chất điển hình đối với toàn quốc hoặc từng địa phương và tương đối quy mô. Những di tích này phải do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quyết định sau khi đã thống nhất  ý kiến với Bộ chủ quản.

[...]