Thông tư liên bộ 14-TT/LB năm 1988 hướng dẫn thu nộp quỹ bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14-TT/LB
Ngày ban hành 09/06/1988
Ngày có hiệu lực 01/04/1988
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Lý Tài Luận,Trần Hiếu
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-TT/LB

Hà Nội , ngày 09 tháng 6 năm 1988

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 14-TT/LB NGÀY 9-6-1988 HƯỚNG DẪN THU NỘP QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI DO BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢN LÝ

Thi hành Quyết định số 40-HĐBT ngày 16-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tỷ lệ nộp bằng 10% quỹ tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Sau khi có ý kiến tham gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 81-NH/CN ngày 8-6-1988, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ CĂN CỨ ĐỂ NỘP QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Đối tượng nộp quỹ bảo hiểm xã hội.

Tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp như cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, Đoàn thể, hội quần chúng, khoa học kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, thông tin, y tế, giáo dục... các đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc kinh tế quốc doanh bao gồm cả xí nghiệp sản xuất - kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng, Nội vụ... (dưới đây gọi tắt là cơ quan, xí nghiệp) có cán bộ, công nhân, viên chức thuộc đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động hoặc chết đều phải nộp một khoản tiền bằng 10% quỹ tiền lương thực trả hàng tháng cho công nhân, viên chức vào quỹ bảo hiểm xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Các xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh với nước ngoài sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có quy định riêng.

Công nhân, viên chức Nhà nước thuộc các trường hợp sau đây nếu do cơ quan, xí nghiệp nào quản lý và trả lương thì cơ quan, xí nghiệp đó vẫn phải nộp 10% quỹ tiền lương thực trả cho số công nhân, viên chức đó vào quỹ bảo hiểm xã hội:

- Công nhân, viên chức được cử đi học ở trong nước, đi công tác ở nước ngoài vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, xí nghiệp;

- Công nhân, viên chức chuyên trách công tác Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên... ở các cơ quan, xí nghiệp hoặc được cử về công tác lâu dài ở xã, phường, thị trấn;

- Công nhân, viên chức làm việc trong các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam hưởng lương và phụ cấp theo công văn số 490-LĐ/TL ngày 11-4-1986 của Bộ Lao động; làm việc tại Lào, Căm-pu-chia hưởng chế độ tiền lương theo Thông tư số 1-TT/LĐ ngày 30-3-1987 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính;

- Công nhân, viên chức đi làm chuyên gia, công tác ở các cơ quan đại diện của Việt Nam và các tổ chức quốc tế ở nước ngoài; đi học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, đi lao động ở nước ngoài được hưởng chế độ tiền lương để lại cho gia đình theo Quyết định số 144-CT ngày 12-6-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Thông tư số 58-TC/HCVX ngày 6-11-1987 của Bộ Tài chính (nộp 10% so với số tiền lương để lại).

2. Thành phần quỹ tiền lương để tính khoản tiền nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Quỹ tiền lương để làm cơ sở tính khoản tiền nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội gồm tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985, Quyết định số 147-HĐBT ngày 22-9-1987, công văn số 3-ĐM ngày 4-1-1988 và các văn bản khác của Hội đồng Bộ trưởng được quy định phải hạch toán vào tài khoản tiền lương mà cơ quan, xí nghiệp trả hàng tháng cho công nhân, viên chức.

Trường hợp Nhà nước sửa đổi chế độ tiền lương và phụ cấp lương thì cơ quan, xí nghiệp phải tính toán để nộp quỹ bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương và phụ cấp lương mới.

3. Hạch toán khoản tiền nộp quỹ bảo hiểm xã hội.

Đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp khoản tiền nộp quỹ bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước cấp phát theo dự toán được duyệt và hạch toán vào mục 68, "Bảo hiểm xã hội" theo chương, loại, khoản, hạng thích hợp của mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

- Đối với các xí nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh khoản tiền nộp quỹ bảo hiểm xã hội được tính vào giá thành sản phẩm hoặc chi phí lưu thông và hạch toán vào tài khoản 68 "Thanh toán bảo hiểm xã hội" theo quy định hiện hành.

II. TỔ CHỨC VÀ CÁCH THU NỘP QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Tổ chức thu nộp quỹ bảo hiểm xã hội.

a) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan thương binh và xã hội thuộc Uỷ ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (dưới đây gọi là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) là đơn vị dự toán cấp III trong hệ thống quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được mở tài khoản tiền gửi quỹ bảo hiểm xã hội tại Ngân hàng phục vụ mình để tập trung các khoản tiền nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội của các cơ quan, xí nghiệp có mở tài khoản tại Ngân hàng đóng trên địa bàn của mình. Thủ tục mở tài khoản tiền gửi này theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam .

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương là đơn vị dự toán cấp I và cấp II, không làm nhiệm vụ trực tiếp thu khoản tiền bảo hiểm xã hội do các cơ quan, xí nghiệp nộp. Tài khoản tiền gửi quỹ bảo hiểm xã hội của Bộ và Sở Lao động - Thương binh và xã hội dùng để tập trung các khoản tiền quỹ bảo hiểm xã hội và điều hoà cho nơi thiếu.

b) Các cơ quan, xí nghiệp nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội theo thủ tục sau đây: Mỗi lần cơ quan, xí nghiệp đến Ngân hàng rút tiền hoặc sử dụng tiền mặt hiện có của mình để trả lương và phụ cấp lương cho công nhân, viên chức thì đồng thời phải lập uỷ nhiệm chi séc hoặc giấy nộp tiền bằng 10% số tiền lương đó vào tài khoản tiền gửi quỹ bảo hiểm xã hội của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Cuối tháng, căn cứ vào tổng số tiền thực trả lương và phụ cấp lương cho công nhân viên chức, đối chiếu với số tiền đã nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội trong tháng, nếu nộp thiếu hoặc thừa thì cơ quan, xí nghiệp làm thủ tục nộp bổ sung (hoặc khấu trừ) vào ngày cuối cùng của tháng đó.

Đối với một số cơ quan, đơn vị có quỹ tiền lương không lớn và tương đối ổn định thì sau khi được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thoả thuận, có thể nộp một lần cho cả tháng vào kỳ lương đầu tháng. Cuối tháng, căn cứ vào tổng số tiền thực trả lương và phụ cấp lương cho công nhân, viên chức, đối chiếu với số tiền đã nộp bảo hiểm xã hội trong tháng, nếu nộp thiếu hoặc thừa thì đơn vị sẽ nộp bổ sung (hoặc khấu trừ) cùng với lần nộp tháng sau.

Trường hợp cơ quan, xí nghiệp nộp chậm, nộp thiếu quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định trên, thì phải nộp một khoản tiền phạt bằng 0,2% một ngày chậm nộp tính trên tổng số tiền nộp thiếu, nộp chậm kể từ ngày đầu tháng sau trở đi, thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về số tiền nộp phạt nói trên.

Các xí nghiệp và đơn vị sản xuất - kinh doanh của Bộ Quốc phòng, Nội vụ sẽ có quy định riêng.

2. Chế độ quản lý việc thu nộp quỹ bảo hiểm xã hội.

a) Số tiền trong tài khoản tiền gửi quỹ bảo hiểm xã hội của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị dự toán cấp III được sử dụng chi cho các chế độ bảo hiểm xã hội và nộp lên cấp trên theo lệnh điều hoà của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

[...]