BỘ VĂN HOÁ,
THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2015/TT-BVHTTDL
|
Hà Nội,
ngày tháng 10 năm 2015
|
DỰ THẢO
|
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI QUY CHẾ HOẠT
ĐỘNG VĂN HOÁ VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HOÁ CÔNG CỘNG BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ
ĐỊNH SỐ 103/2009/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ VÀ TỔ
CHỨC LỄ HỘI
Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06
tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh
doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16
tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban
hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động
văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số
103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ
hội.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành nội
dung quản lý và tổ chức lễ hội của Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch
vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP.
2. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng thực hiện
theo Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ Quy
định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen
thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài và
các quy định liên quan khác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông
tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài
tham gia quản lý và tổ chức lễ hội tại Việt Nam.
Điều 3. Tổ chức lễ hội đảm
bảo các mục đích, yêu cầu sau:
1. Tưởng nhớ công lao các anh hùng dân tộc, danh
nhân văn hoá, các liệt sỹ đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của
cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
3. Đáp ứng nhu cầu văn hoá, tín ngưỡng; tham
quan các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc
nghệ thuật và các nhu cầu chính đáng khác của nhân dân.
4. Quảng bá về di sản văn hóa, các sản phẩm văn
hóa, ngành, nghề và xúc tiến thương mại du lịch.
Điều 4: Nội dung tổ chức lễ
hội
1. Phần lễ: Nghi thức
của các lễ hội phải được tiến hành trang trọng theo truyền thống có sự hướng
dẫn của ngành văn hoá, thể thao và du lịch.
2. Phần hội: Vui tươi,
lành mạnh, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với quy mô, tính chất, đặc
điểm của lễ hội.
3. Trong khu vực lễ
hội, cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội và cờ tôn
giáo.
Điều 5. Quy định cấm trong
tổ chức lễ hội
1. Các hoạt động tổ chức lễ hội có nội dung,
hình ảnh, hành động miêu tả cảnh đánh đập, mô tả cảnh đầu rơi, máu chảy.
2. Các sản phẩm hàng hóa được bày bán có tính
bạo lực; các loại thực phẩm tươi sống, thịt thú rừng cấm săn bắt theo quy định
của pháp luật.
3. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội
dung mê tín dị đoan có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây
tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù
phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù
chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa và các hình thức
mê tín dị đoan khác.
Điều 6. Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ quy định tại Quy chế hoạt động văn
hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số
103/2009/NĐ-CP (sau đây gọi là Quy chế) được hiểu như sau:
1. Lễ hội dân gian là lễ hội được tổ chức nhằm
tôn vinh người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần thánh, biểu tượng
có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho
những giá trị tốt đẹp về truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức xã hội.
2. Lễ hội lịch sử, cách mạng là lễ hội được tổ
chức nhằm tôn vinh những danh nhân, sự kiện lịch sử, cách mạng.
3. Lễ hội văn hoá, thể thao, du lịch là lễ hội
được tổ chức để quảng bá về văn hoá, thể thao, du lịch bao gồm: festival, liên
hoan văn hoá, thể thao, du lịch; tuần văn hoá, thể thao, du lịch; tuần văn hoá
- du lịch; tháng văn hoá - du lịch; năm văn hoá - du lịch.
4. Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại
Việt Nam là lễ hội do tổ chức của Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài đang hoạt
động hợp pháp tại Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu giá trị văn hoá tốt đẹp của
nước ngoài với công chúng Việt Nam.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Cấp giấy phép tổ
chức lễ hội
Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép tổ chức lễ
hội; quy định về các lễ hội không phải xin cấp giấy phép thực hiện theo quy
định tại Điều 18, 19 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của
Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công
cộng.
Điều 8. Quy định về thành
lập Ban Tổ chức
1. Tất cả các lễ hội khi tổ chức đều phải thành
lập Ban Tổ chức lễ hội. Ban Tổ chức lễ hội được thành lập theo quyết định của
chính quyền cấp tổ chức lễ hội, trừ trường hợp lễ hội du nhập từ nước ngoài do
người nước ngoài tổ chức và thành lập. Ban Tổ chức do đại diện chính quyền làm
Trưởng ban, thành viên gồm đại diện các ngành văn hoá, thể thao và du lịch,
công an, y tế, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, thông tin và
truyền thông, tôn giáo, mặt trận tổ quốc; đại diện ngành, đoàn thể hoặc cá nhân
khác có liên quan đến việc tổ chức lễ hội.
2. Trách nhiệm của Ban Tổ chức: Chịu trách nhiệm
quản lý, điều hành lễ hội theo đúng chương trình đã báo cáo hoặc xin phép;
tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các nghi lễ truyền thống của di
tích, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh,
tổ chức dịch vụ ăn nghỉ, vệ sinh, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam
thắng cảnh, môi trường.
Điều
9: Quy định về khách mời tham dự lễ hội
1. Không mời cán bộ,
công chức, viên chức tham dự lễ hội trong giờ hành chính với danh nghĩa tổ
chức, cơ quan, đơn vị.
2. Khách mời tham dự lễ hội phải do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện đúng quy định tại Nghị
định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ Quy định về tổ
chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh
hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài và các quy định
liên quan khác.
Điều 10. Quy định về thời
gian tổ chức lễ hội
Thời gian tổ chức lễ hội không kéo dài quá 3
ngày, trừ lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Phủ Dầy
(Nam Định), lễ hội Xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam (An
Giang).
Điều 11. Quy định về chế độ
báo cáo
Sau 30 ngày làm việc, khi lễ hội kết thúc, đơn
vị tổ chức lễ hội phải báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội, cụ thể như
sau:
1. Lễ hội do làng, bản
tổ chức báo cáo Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn);
2. Lễ hội do cấp xã
(phường, thị trấn) tổ chức báo cáo Phòng Văn hoá - Thông tin huyện (quận, thị
xã);
3. Lễ hội do cấp huyện
(quận, thị xã) tổ chức báo cáo Sở Văn, Thể thao và Du lịch;
4. Lễ hội do cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Điều 12. Quy định về thực
hiện nếp sống văn minh trong lễ hội
Người đến dự lễ hội
phải thực hiện nếp sống văn minh theo quy định của Ban Tổ chức lễ hội và các
quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
1. Thực hiện đúng nội
quy, quy định của Ban tổ chức lễ hội;
2. Trang phục gọn
gàng, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục;
3. Không nói tục, ứng
xử thiếu văn hóa làm ảnh hưởng xấu đến không khí trang nghiêm của lễ hội;
4. Bảo đảm trật tự, an
ninh khi dự lễ hội; không đốt pháo, đốt và thả đèn trời;
5. Ứng xử có văn hoá
trong hoạt động lễ hội;
6. Bỏ rác vào nơi quy
định, giữ gìn vệ sinh môi trường;
7. Hạn chế hóa vàng
mã, sớ; thắp hương theo quy định của Ban Tổ chức.
8. Không làm hư hại di
tích nơi tổ chức lễ hội.
9. Không thực hiện
hành vi đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội.
Điều 13: Quy định về tổ
chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội
1. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng quán, nhà
hàng, khách sạn, bến bãi phục vụ nhu cầu người tham gia lễ hội phải được quy
hoạch, đảm bảo không lấn chiếm khuôn viên di tích, thuận tiện, không cản trở
giao thông, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực lễ hội.
2. Không bày, bán hàng hóa lấn chiếm lòng, lề
đường đi gây cản trở giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không
chèo kéo khách, không ép giá; không bày bán thịt tươi sống, thịt động vật hoang
dã theo quy định của nhà nước.
3. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có
giấy phép kinh doanh, giấy kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.
4. Tổ chức dịch vụ trong khuôn viên di tích phải
theo quy định của Ban Tổ chức lễ hội.
5. Không lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt
động chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây mất trật tự, an
ninh, tuyên truyền trái pháp luật, chia rẽ đoàn kết dân tộc.
6. Không tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới mọi
hình thức và các hành vi bạo lực trong lễ hội.
7. Không bán vé, thu
tiền việc sinh hoạt và tham gia lễ hội. Trong khu vực di tích, lễ hội nếu có tổ
chức các trò chơi, trò diễn, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày thì được bán vé
cho hoạt động dịch vụ đó, giá vé thực hiện theo quy định của cơ quan tài chính
có thẩm quyền.
8. Không được tổ chức
các dịch vụ sinh hoạt ăn, nghỉ và dịch vụ tín ngưỡng trong khuôn viên di tích,
lễ hội.
Điều
14: Quy định về quản lý, thu, chi tiền công đức
1. Người phụ trách
(trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải có phương thức thu
nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống
nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
2. Việc quản lý, sử
dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch.
3. Việc quản lý, sử
dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định tại Thông tư liên tịch số
04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày ngày 30 tháng 5 năm 2014 giữa Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở
tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều
15: Quy định về tuyên truyền và cung cấp thông tin tuyên truyền trong lễ hội
1.
Ban Tổ chức lễ hội có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa lịch sử của
lễ hội, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước,
con người Việt Nam;
2. Đối với những lễ hội có quy mô lớn, tổ chức
dài ngày và thu hút đông người tham gia phải tổ chức họp thông báo kế hoạch tổ
chức.
3. Ban Tổ chức lễ hội có trách nhiệm cung cấp
thông tin đầy đủ chính xác cho cơ quan báo chí về nội dung tổ chức lễ hội theo
quy định của Luật Báo chí.
Điều 16: Quy định về đảm
bảo vệ sinh môi trường; trật tự an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ; an toàn
giao thông trong lễ hội
1. Việc đảm bảo vệ
sinh môi trường trong lễ hội thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số
19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động
du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ phát huy giá trị di tích và các quy định
pháp luật khác về thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.
2. Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội có trách nhiệm
phải đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; an toàn trong
việc phòng, chống cháy nổ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Cục Văn hoá cơ sở:
a) Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở
Văn hóa - Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện
Thông tư này;
b) Hướng thực hiện, kiểm tra, đánh giá, theo dõi
việc chấp hành thực hiện; đánh giá tác động của Thông tư đối với công tác quản
lý và tổ chức lễ hội trong phạm vi cả nước.
c) Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp về
quản lý và tổ chức lễ hội cho các địa phương.
d) Tổng hợp, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch về tình hình tổ chức lễ hội trong phạm vi cả nước.
2. Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm kiểm tra,
thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
3. Các Cục, Vụ, Viện, cơ quan chức năng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp Cục Văn hóa cơ sở và các cơ
quan liên quan thực hiện kiểm tra, đánh giá, theo dõi việc chấp hành thực hiện
Thông tư này.
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể
thao; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành
phố tổ chức thực hiện và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp
luật về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.
2. Chịu trách nhiệm về công tác quản lý và tổ
chức; về quy mô và tần xuất tổ chức lễ hội trên địa bàn.
3. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể
tăng cường công tác phối hợp cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Văn
hóa và Thể thao trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.
4. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản
lý và tổ chức lễ hội tại cơ sở trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc
kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm xử lý những trường hợp vi phạm.
Điều 19. Trách nhiệm của Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa
và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn,
theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này ở địa phương.
2. Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các tổ
chức, cá nhân thực hiện các quy định tại Thông tư này.
3. Tổ chức kiểm tra công tác quản lý và tổ chức
lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị
các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ
về quản lý và tổ chức lễ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức lễ hội.
5. Xây dựng quy hoạch lễ hội trình Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện.
6. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) có
báo cáo công tác quản lý và tổ chức lễ hội về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện báo cáo đột
xuất theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.
Điều 20. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày….tháng…năm 2015.
2. Thông tư này bãi bỏ Quyết
định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin
ban hành Quy chế tổ chức lễ hội; Điều 6a, Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ,
huỷ bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng
quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.
BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO VÀ DU LỊCH