Thông tư 99-TC/TCT năm 1994 hướng dẫn thi hành Nghị định 180/CP/1994 điều chỉnh các mức thuế môn bài và thẩm quyền định mức thuế sát sinh do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 99-TC/TCT
Ngày ban hành 21/11/1994
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 99-TC/TCT

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 99 TC/TCT NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 180/CP NGÀY 7-11-1994 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH CÁC MỨC THUẾ MÔN BÀI VÀ THẨM QUYỀN ĐỊNH MỨC THUẾ SÁT SINH

Thi hành Nghị định số 180/CP ngày 7-11-1994 của Chính phủ về việc điều chỉnh các mức thuế Môn bài và thẩm quyền định mức thuế sát sinh.

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

A. VỀ THUẾ MÔN BÀI

I. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ MÔN BÀI

Đối tượng nộp thuế môn bài, thời gian nộp và nơi nộp thuế môn bài vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 74 TC/TCT ngày 28-11-1992 và Công văn số 2375 TC/TCT ngày 25-10-1993 của Bộ Tài chính.

II. MỨC THUẾ MÔN BÀI

1. Các tổ chức hạch toán kinh tế độc lập bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xí nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức làm kinh tế, dịch vụ của cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể nộp thuế môn bài theo mức thống nhất là 650.000 đ một năm.

2. Các cơ sở kinh doanh, chi nhánh, cửa hiệu, cửa hàng hạch toán phụ thuộc hoặc báo sổ, hợp tác xã, tổ sản xuất nộp thuế môn bài theo mức thống nhất là 425.000 đ.

3. Cá nhân kinh doanh bao gồm hộ cá thể, cá nhân và nhóm kinh doanh (kể cả cán bộ công nhân viên kinh doanh nhận khoán) nộp thuế môn bài theo biểu sau đây:

Bậc thuế

Thu nhập 1 tháng

Mức thuế cả năm

1

Trên 1.000.000

650.000

2

Trên 700.000 đến 1.000.000

425.000

3

Trên 450.000 đến 700.000

250.000

4

Trên 250.000 đến 450.000

125.000

5

Trên 100.000 đến 250.000

45.000

6

Dưới 100.000

20.000

4. Đối với tổ chức, cá nhân ra kinh doanh trong 6 tháng đầu năm thì nộp thuế môn bài cả năm, ra kinh doanh 6 tháng cuối năm thì nộp 50% thuế môn bài cả năm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Do thuế môn bài thu 1 lần ngay từ đầu năm, nên trong những tháng cuối, năm kế hoạch, Cục thuế các tỉnh, thành phố phải rà soát nắm lại toàn bộ số cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, điều tra doanh thu và thu nhập thực tế để phân loại và xếp bậc theo quy định của Biểu thuế môn bài.

Trên cơ sở đó lập sổ thuế, duyệt sổ thuế và thông báo công khai để thực hiện.

2. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm nộp đủ và đúng hạn thuế môn bài theo thông báo của cơ quan thuế. Nếu nộp chậm thì bị phạt 0,2% số thuế phải nộp cho mỗi ngày nộp chậm. Nếu trốn tránh việc nộp thuế môn bài khi kiểm tra phát hiện bị xử lý phạt đến 3 lần số thuế thiếu.

B. VỀ THUẾ PHÁT SINH

Căn cứ Điều 2 Nghị định số 180/CP ngày 7-11-1994, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Thuế suất thuế sát sinh là 5% giá trị con vật (trâu, bò, lợn) đem giết thịt.

2. Thẩm quyền quy định mức thuế sát sinh là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Căn cứ để quy định mức thuế sát sinh là:

- Trọng lượng bình quân từng loại gia súc (trâu, bò, lợn) xuất chuồng đem giết thịt.

- Giá cả thị trường địa phương.

- Thuế suất thuế sát sinh.

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ nên quy định không quá 2 mức cho mỗi loại súc vật, trâu, bò, lợn ở từng khu vực khác nhau, để quản lý thu được chặt chẽ.

- Khi giá cả biến động trên 20%, phải kịp thời điều chỉnh mức thuế sát sinh theo đầu con vật cho phù hợp với thực tế.

Căn cứ vào nguyên tắc trên, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành điều tra, khảo sát tình hình thực tế ở địa phương để xác định mức thuế sát sinh theo đầu con vật, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

[...]