Thông tư 87/2011/TT-BTC hướng dẫn kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011 theo Quyết định 352/QĐ-TTg do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 87/2011/TT-BTC
Ngày ban hành 17/06/2011
Ngày có hiệu lực 17/06/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KIỂM KÊ, ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN VÀ VỐN CỦA DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC SỞ HỮU 100% VỐN ĐIỀU LỆ TẠI THỜI ĐIỂM 0 GIỜ NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2011 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 352/QĐ-TTG NGÀY 10/03/2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Căn cứ Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011;
Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011 theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn vào thời điểm 0 giờ ngày 01/7/2011 là doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và được các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trên cơ sở đề nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng kiểm kê, nguyên tắc xác định lại giá trị:

1. Đối tượng kiểm kê:

1.1. Kiểm kê toàn bộ tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp:

a) Đối với tài sản cố định (TSCĐ): kiểm kê toàn bộ tài sản cố định hiện có tại doanh nghiệp, kể cả những tài sản đang cho thuê, tài sản gửi giữ hộ, tài sản được tặng biếu, viện trợ, tài sản vô chủ hiện có trong khu vực quản lý của doanh nghiệp, tài sản cố định vô hình (quyền phát hành; bản quyền, bằng sáng chế; nhãn hiệu hàng hóa; phần mềm máy vi tính; giấy phép và giấy phép nhượng quyền; TSCĐ vô hình khác).

b) Đối với công trình XDCB còn dở dang thì kiểm kê toàn bộ phần công trình, hạng mục công trình đầu tư tự làm. Nếu giao thầu cho bên B thì chỉ kiểm kê phần công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành theo từng giai đoạn, bên B bàn giao cho bên A và được bên A chấp nhận thanh toán. Phần công trình XDCB dở dang bên A chưa chấp nhận thanh toán cho bên B được coi là tài sản lưu động (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) của bên B.

c) Đối với tài sản là đất: thực hiện kiểm kê đối với tất cả các diện tích đất do doanh nghiệp quản lý bao gồm đất được giao, nhận chuyển nhượng, đất thuê …

d) Đối với tài sản lưu động:

- Toàn bộ các loại nguyên liệu, vật liệu tồn kho, công cụ, dụng cụ trong kho, hàng hóa, thành phẩm, bán thành phẩm tồn kho, công cụ và dụng cụ đã xuất dùng, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, các loại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang …

- Toàn bộ các loại vốn bằng tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền đang chuyển, ngân phiếu, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, và các chứng chỉ có giá trị như tiền, các loại tiền gửi ở ngân hàng, kể cả tiền mang đi liên doanh, liên kết, các loại ngoại tệ tại quỹ và gửi ngân hàng …

đ) Toàn bộ tài sản là các khoản đầu tư tài chính như: đầu tư chứng khoán dài hạn, góp vốn liên doanh, các khoản đầu tư dài hạn khác, đầu tư chứng khoán ngắn hạn, đầu tư ngắn hạn khác; các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn và dài hạn; các loại tài sản khác.

e) Các khoản nợ phải thu như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, các khoản phải thu khác ...

1.2. Kiểm kê nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:

a) Các khoản phải trả bao gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn, nợ dài hạn, phải trả cho người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả công nhân viên, phải trả cho các đơn vị nội bộ, các khoản phải trả, phải nộp khác, nợ khác.

b) Toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm: vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác của chủ sở hữu, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (nếu có), quỹ khen thưởng phúc lợi, nguồn kinh phí, nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định.

2. Nguyên tắc xác định lại giá trị:

2.1. Đối với tài sản cố định: xác định lại giá trị của tất cả các tài sản cố định theo nguyên tắc:

- Giá trị còn lại của TSCĐ đánh giá lại = Nguyên giá x (nhân) chất lượng còn lại TSCĐ (%)

Trong đó:

+ Nguyên giá: được lấy theo giá thị trường tại thời điểm kiểm kê 01/7/2011, nếu không có giá trên thị trường thì lấy theo bảng giá do các Bộ quản lý ngành hướng dẫn, hoặc giá của các tài sản có tính năng tương đương.

+ Chất lượng còn lại của TSCĐ: được xác định trên cơ sở chất lượng còn lại thực tế của TSCĐ và tính theo tỷ lệ phần trăm (%).

- Một số tài sản cố định mang tính đặc thù không áp dụng được nguyên tắc nêu trên thì thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành. Trường hợp không có hướng dẫn của Bộ quản lý ngành thì lấy theo giá trị sổ sách tại thời điểm kiểm kê.

- Riêng các tài sản cố định là tài sản mới, được mua sắm từ 01/7/2008 đến 01/7/2011, các công trình mới hoàn thành đầu tư xây dựng trong 3 năm trước thời điểm kiểm kê (từ 01/7/2008 đến 01/7/2011), tài sản cố định vô hình thì không phải đánh giá lại, lấy theo giá trị sổ sách tại thời điểm kiểm kê.

2.2. Đối với tài sản lưu động:

[...]