Thông tư 86-BNT/HQ năm 1961 quy định thủ tục giám sát và quản lý của Hải quan do Bộ Ngoại Thương ban hành.

Số hiệu 86-BNT/HQ
Ngày ban hành 20/11/1961
Ngày có hiệu lực 05/12/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Phan Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86-BNT/HQ

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỦ TỤC GIÁM SÁT VÀ QUẢN LÝ CỦA HẢI QUAN

Thi hành điều 3 Nghị định số 03-CP ngày 27-02-1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ hải quan, sau khi đã thống nhất ý kiến với các Bộ và cơ quan có liên quan, Bộ quy định sau đây chi tiết thi hành điều lệ hải quan về giám sát, quản lý hàng hoá, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện khi xuất hay nhập khẩu và tất cả công cụ vận tải khi xuất hay nhập cảnh.

I. NGUYÊN TẮC

Mục đích giám sát và quản lý (gọi tắt là giám quản) của Hải quan ở cửa khẩu nhằm bảo đảm thực hiện chính sách quản lý ngoại thương, quản lý ngoại hối của nước Việt nam dân chủ cộng hoà, góp phần phục vụ đường lối ngoại giao, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Điều lệ Hải quan quy định trong điều 1:

“Tất cả hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện khi xuất hay nhập khẩu và tất cả công cụ vận tải khi xuất hay nhập cảnh, đều phải khai báo và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan.

Hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện, công cụ vận tải đã nhập rồi, nhưng chưa làm xong thủ tục hải quan, vẫn phải chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan”.

Cơ quan Hải quan giám sát và quản lý việc xuất nhập khẩu tức là chỉ cho xuất khẩu ra nước ngoài và cho nhập khẩu vào trong nước những hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện, và công cụ vận tải đã làm xong thủ tục hải quan.

Trường hợp vì một lý do nào chưa làm xong thủ tục hải quan, thí dụ:

- Hàng hóa, hành lý nhập khẩu được Hải quan cho phép đem vào nội địa để làm thủ tục.

-Hàng nhập khẩu được Hải quan cho phép tạm gửi ở kho cảng, kho sân bay, kho nhà ga hay kho ngoại thương để đợi làm thủ tục.

- Hàng xuất khẩu đã tập trung ở cảng, sân bay, nhà ga để đợi làm thủ tục xuất khẩu.

- Hàng thông qua và quá cảnh.

- Hàng xuất nhập khẩu trôi dạt và hàng do công cụ vận tải xuất nhập cảnh bị tai nạn vứt bỏ, thì vẫn coi là ở trong phạm vi giám quản của Hải quan. Hải quan chỉ cho xuất ra nước ngoài hoặc mang ra tiêu thụ ở thị trường nội địa, sau khi đã làm xong mọi thủ tục hải quan.

II. THỦ TỤC GIÁM QUẢN

A. GIÁM QUẢN CÔNG CỤ VẬN TẢI XUẤT NHẬP CẢNH

Yêu cầu của việc giám quản công cụ vận tải xuất nhập cảnh là:

1. Đảm bảo công cụ vận tải phải theo đúng những quy định trong điều lệ về mặt ra vào cửa khẩu (địa điểm, đường đi, thời gian).

2. Nắm vững hàng hóa, hành lý chuyên chở trên công cụ vận tải để thi hành chính sách quản lý ngoại thương, quản lý ngoại hối.

3. Bảo vệ kinh tế, chống mọi âm mưu phá hoại và lũng đoạn.

Điều lệ hải quan (từ điều 9 đến điều 16) đã quy định những nguyên tắc chung về thủ tục giám quản công cụ vận tải xuất nhập cảnh. Thủ tục giám quản chi tiết cho từng loại công cụ vận tải quy định như sau:

- 1. Giám quản tàu thuyền xuất nhập cảnh:

Mỗi khi có tàu thuyền vận tải của Việt nam cũng như của nước ngoài xuất nhập cảnh ở một cảng của nước Việt nam dân chủ cộng hoà, cơ quan Cảng vụ phải báo trước cho cơ quan Hải quan ở cảng ngày giờ tàu thuyền đi, đến.

a) Tàu thuyền đi lại trong hải phận Việt-nam phải theo đúng thể lệ hiện hành về tàu buôn ra vào cảng của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà, chỉ được đi trên những luồng do cơ quan Cảng vụ quy định và phải chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Phải có lược khai hàng hóa chuyên chở trên tàu thuyền (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương quy định) và phải do thuyền trưởng ký (nếu là hàng thuộc loại cấm xuất nhập thì phải ghi đúng tên từng thứ, loại hàng, trọng lượng và trị giá hàng).

Trong phạm vi hải phận Việt-nam, khi nhân viên hải quan yêu cầu kiểm soát, thuyền trưởng phải tạo điều kiện thuận tiện cho nhân viên hải quan lên tàu, thuyền để kiểm soát, thuyền trưởng phải xuất trình bản chính lược khai hàng hóa và sổ nhật ký tàu thuyền để nhân viên hải quan chứng nhận, xuất trình các giấy tờ chứng minh việc vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của nhân viên hải quan; đối với tàu thuyền nhập cảnh thì phải nộp cho nhân viên hải quan một bản sao lược khai hàng hoá. Thuyền trưởng hay người thay mặt phải có mặt trong khi nhân viên hải quan kiểm soát và phải mở các buồng, hầm tàu, kể cả buồng có máy móc, thiết bị để nhân viên hải quan kiểm soát, nếu nhân viên hải quan yêu cầu (điều 12 điều lệ hải quan).

Khi tàu thuyền còn ở trong phạm vi hải phận Việt nam, thuyền trưởng không đựơc tự tiện cho bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên xuống, không được sửa chữa những giấy tờ đã có chữ ký của nhân viên hải quan (điều 10 điều lệ hải quan), không được phá những niêm phong do nhân viên hải quan đã chứng nhận.

b) Đối với tàu thuyền nhập cảnh, chậm nhất là 24 giờ sau khi tàu thuyền cập bến hoặc đậu tại một địa điểm nhất định, thuyền trưởng phải nộp cho cơ quan Hải quan ở cảng những giấy tờ sau đây (theo mẫu do sở Hải quan trung ương ấn định):

[...]