Thông tư 75-TTg năm 1960 về việc mở rộng diện cấp phát vốn kiến thiết cơ bản theo khối lượng công trình do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 75-TTg
Ngày ban hành 25/03/1960
Ngày có hiệu lực 09/04/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 75-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC MỞ RỘNG DIỆN CẤP PHÁT VỐN KIẾN THIẾT CƠ BẢN THEO KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH

Điều lệ tạm thời cấp phát vốn kiến thiết cơ bản ban hành theo nghị định số 574-TTg ngày 26-11-1957 áp dụng trong thời gian qua đã có một số kết quả nhất định: một mặt làm cho việc quản lý vốn kiến thiết cơ bản được chặt chẽ hơn, góp phần vào việc hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước, mặt khác thúc đẩy các ngành, các đơn vị xây dựng và củng cố tổ chức, cải tiến quản lý kinh doanh, tăng cường hạch toán kinh tế.

Tinh thần và nội dung điều lệ cấp phát chủ yếu là thực hiện việc cấp phát theo khối lượng công trình vì phương pháp cấp phát này có tác dụng thúc đẩy các đơn vị tăng nhanh tốc độ xây dựng để hoàn thành nhiệm vụ kiến thiết cơ bản theo đúng kế hoạch của Nhà nước, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện hạch toán kinh tế để hạ thấp giá thành công trình, tiết kiệm vốn cho Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay phạm vi cấp phát theo khối lượng công trình chưa được mở rộng. Trong năm 1959, tuy giá trị các công trình được cấp phát theo phương pháp này có nhiều hơn so với các năm trước, nhưng cũng chỉ mới chiếm trên 30% tổng số vốn xây lắp. Đại bộ phận các công trình còn cấp phát theo thực tế như lối cung cấp, làm hết bao nhiêu thanh toán bấy nhiêu, ảnh hưởng lớn đến dự toán Nhà nước.

Sở dĩ diện cấp phát theo khối lượng công trình còn hẹp vì còn có một số khó khăn như năng lực thiết kế của các ngành còn yếu, các công trình lớn vừa thiết kế vừa thi công do đó dự toán kiến thiết không lập được đầy đủ và kịp thời, một số tiêu chuẩn định mức còn thiếu, các đơn giá chưa được xây dựng thống nhất. Thêm vào đó trình độ tổ chức và trình độ hạch toán kinh tế của nhiều đơn vị còn thấp. Nhưng bên cạnh những khó khăn đó, nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác cấp phát theo khối lượng công trình không đẩy mạnh lên được là các ngành, các đơn vị chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa mục đích và tác dụng của phương pháp cấp phát này nên chưa thực quyết tâm tìm cách khắc phục khó khăn, tạo điều kiện để thực hiện. Thực tế chứng minh là cùng trong hoàn cảnh khó khăn đó, chúng ta đã cấp phát theo khối lượng công trình cho một số công trình kiến trúc cho thầu, một số công trình kiến trúc và giao thông tự làm và gần đây đã bắt đầu cấp phát thí điểm theo khối lượng công trình cho công trình lắp máy tại nhà máy Sứ Hải Dương.

Tại những nơi đã áp dụng cấp phát theo khối lượng công trình tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc cấp phát theo khối lượng công trình cũng đã có tác dụng tốt về các mặt: tăng cường ý thức trách nhiệm của đơn vị thi công và đơn vị kiến thiết như chú ý chấn chỉnh tổ chức, cải tiến lề lối làm việc, theo dõi việc thực hiện các tiêu chuẩn và định mức về xây dựng cơ bản, chú ý lập các hồ sơ về thiết kế và dự toán kiến thiết kịp thời hơn trước, v.v... Do đó mà tốc độ thi công có tăng nhanh hơn và chi tiêu tiết kiệm hơn trước. Cụ thể tại công trường đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên, trước còn cấp phát theo thực tế thì năng suất cũ không đạt, việc chi tiêu có nhiều lãng phí. Sau khi chuyển sang cấp phát theo khối lượng công trình thì đã đạt và vượt năng suất mới 15%, việc chi tiêu tiết kiệm hơn, như trước còn cấp phát theo thực tế gián tiếp phí tăng 52%, sau khi cấp phát theo khối lượng công trình tỷ lệ gián tiếp phí giảm còn 26,49%.

Để nâng cao thêm một bước ý thức trách nhiệm và trình độ quản lý theo hạch toán kinh tế của các ngành, các đơn vị trong khu vực kiến thiết cơ bản, để thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế đã ban hành và bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1960, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung một số nguyên tắc về cấp phát kiến thiết cơ bản sau đây để các ngành thi hành:

A. Mở rộng diện cấp phát theo khối lượng công trình:

1. Đối với các công trình kiến trúc cho thầu, dù là cho thầu bên ngoài hay cho thầu nội bộ, nguyên tắc là phải được cấp phát tức là trả tiền theo khối lượng công trình làm xong.

2. Đối với các công trình lắp máy cho thầu cũng cần được cấp phát theo khối lượng công trình nhưng thực hiện dần từng bước. Trước tiên sẽ thực hiện đối với các công trình lắp đặt giản đơn, còn đối với các công trình lắp máy phức tạp chưa có điều kiện làm thì tạm thời vẫn cấp phát theo thực tế như cũ.

3. Đối với các công trình kiến trúc lắp máy do đơn vị kiến thiết tự làm, nếu có đủ điều kiện để cấp phát theo khối lượng công trình cũng cần được cấp phát theo khối lượng công trình. Trong bước đầu sẽ làm từ thấp đến cao, từ dễ đến khó như: đối với các đơn vị tự làm công trình quan trọng có tổ chức hạch toán cần làm trước, các công trình kiến trúc dân dụng làm trước, các công trình khác có điều kiện làm và làm gọn sẽ làm trước.

4. Đối với các công trình chưa cấp phát được theo khối lượng công trình thì áp dụng hình thức thấp là giao khoán bộ phận; từ khoán công tiến lên khoán cả công và nguyên vật liệu theo tiêu chuẩn, định mức của dự toán cho từng tổ sản xuất, làm từng phần việc hay từng bộ phận công trình.

Trên đây chủ yếu là nói các công trình kiến trúc công nghiệp và dân dụng, còn đối với các công trình xây dựng các ngành khác như giao thông bưu điện, thủy lợi, nông lâm, vì có những địa điểm riêng thì nên tùy điều kiện cụ thể để thực hiện thí điểm việc cấp phát theo khối lượng công trình, rồi sẽ rút kinh nghiệm để mở rộng dần.

B. Phương pháp và thời gian kết toán:

Về phương pháp kết toán (thanh toán) giá xây dựng công trình làm xong, theo điều 17 của điều lệ cấp phát thì đối với những công trình kiến thiết thời gian xây dựng trên 3 tháng thì phải kết toán hàng tháng.

Trên thực tế việc kết toán hàng tháng còn khó khăn, do đó chưa thực hiện đúng. Nay tạm quy định áp dụng hai phương pháp kết toán sau đây:

1. Kết toán đối với hạng mục công trình xây dựng ngắn ngày:

Đối với những hạng mục công trình kết cấu đơn giản, khối lượng ít, thời gian xây dựng ngắn ngày như trong vòng 3, 4 tháng trở lại, thì có thể đợi hạng mục công trình làm xong, dựa trên cơ sở hai bên A và B đo đạc kiểm nhận để kết toán giá hạng mục công trình làm xong.

2. Kết toán đối với hạng mục công trình xây dựng dài ngày:

Đối với những hạng mục công trình kết cấu phức tạp, khối lượng nhiều, thời gian xây dựng từ 5 tháng trở lên, và đây cũng là những hạng mục công trình chủ yếu thì có thể kết toán hàng tháng như điều lệ đã quy định; nhưng trong trường hợp kết toán hàng tháng gặp khó khăn thì tối thiểu phải tiến hành kết toán hàng quý. Cuối mỗi quý hai bên A và B sẽ đo đạc kiểm nhận phần khối lượng công trình đã làm xong trong quý của một hay nhiều hạng mục công trình, lập biên bản kiểm nhận để làm cơ sở kết toán.

Tất nhiên trong quý nếu có những bộ phận công trình kín hoặc bộ phận công trình nào đã làm xong như móng nền... cần kiểm tra khối lượng, chất lượng, hay trường hợp thay đổi thiết kế, thì hai bên vẫn lập biên bản kiểm nhận như thường lệ.

Trên đây là những nguyên tắc chính, các ngành có liên quan cần trao đổi thống nhất để có chỉ thị hướng dẫn cho các đơn vị thi hành.

Để tạo điều kiện dễ dàng cho viêc thực hiện chủ trương mở rộng diện cấp phát theo khối lượng công trình đối với tất cả các công trình kiến thiết cơ bản, các ngành có những nhiệm vụ sau đây:

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần nghiên cứu quy định chế độ lập và xét duyệt dự toán cho các ngành, theo dõi đúc kết bổ sung các tiêu chuẩn, định mức còn thiếu, đôn đốc và hướng dẫn các Ủy ban Kế hoạch địa phương xây dựng các đơn giá thống nhất cho từng khu vực.

Các Bộ, các ngành chủ quản cần có kế hoạch đề cao nhận thức và giải quyết tư tưởng cho cán bộ công nhân, và có biện pháp củng cố tổ chức hạch toán ở các công trường được cấp phát theo khối lượng công trình, phối hợp cùng Ngân hàng kiến thiết để xác định các công trình cần thực hiện chuẩn bị cung cấp kịp thời các tài liệu hồ sơ thiết kế, dự toán để ký hợp đồng giao thầu. Mặt khác các Bộ cần chủ động xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, định mức tiền tiến, các tỷ lệ phí tổn trực tiếp, gián tiếp cho sát để Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu và công bố thi hành.

Bộ Tài chính cần có chỉ thị hướng dẫn thêm về phương pháp cấp phát và kết toán, tiến lên xây dựng phương pháp cấp phát thích hợp với địa điểm của từng ngành.

Việc mở rộng diện cấp phát theo khối lượng công trình trong khu vực kiến thiết cơ bản là một yêu cầu cấp thiết để thu hẹp dần phạm vi cấp phát theo lối thực tế, bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch và dự toán Nhà nước được thuận lợi. Các ngành các cấp cần đặc biệt chú ý và khắc phục mọi khó khăn để thực hiện chỉ thị này. 

[...]