Thông tư 70-TC/TCDN-1996 hướng dẫn chế độ phân phối lợi tức sau thuế và quản lý các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 70-TC/TCDN
Ngày ban hành 05/11/1996
Ngày có hiệu lực 01/01/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70-TC/TCDN

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 70 TC/TCDN NGÀY 5 THÁNG 11 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI TỨC SAU THUẾ VÀ QUẢN LÝ CÁC QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cả Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 3 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước;
Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ phân phối lợi tức sau thuế và quản lý các quỹ đối với doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I- LỢI TỨC DOANH NGHIỆP

1- Lợi tức thực hiện cả năm là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm lợi tức hoạt động kinh doanh và hoạt động khác.

a) Lợi tức hoạt động kinh doanh là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trừ đi giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ và thuế theo quy định của pháp lật (trừ thuế lợi tức).

b) Lợi tức hoạt động khác bao gồm:

- Lợi tức hoạt động tài chính là số thu lớn hơn chi của các hoạt động tài chính, bao gồm các hoạt động cho thuê tài sản, mua, bán trái phiếu, chứng khoán, mua bán ngoại tệ, lãi tiền gửi ngân hàng thuộc vốn kinh doanh, lãi cho vay thuộc các nguồn vốn và quỹ, lãi cổ phần và lãi do góp vốn liên doanh, hoàn nhập số dư khoản dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán ngắn hạn, dài hạn.

- Lợi tức của hoạt động bất thường là khoản thu nhập bất thường lớn hơn các chi phí bất thường, bao gồm các khoản phải trả không có chủ nợ, thu hồi lại các khoản nợ khó đòi đã được duyệt bỏ (đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán; các khoản vật tự, tài sản thừa sau khi đã bù trừ hao hụt mất mát các vật tư cùng loại; chênh lệch thanh lý, nhượng bán tài sản (là số thu về nhượng bán trừ giá trị còn lại trên sổ sách kế toán của tài sản và các chi phí thanh lý, nhượng bán); các khoản lợi tức các năm trước phát hiện năm nay; số dư hoàn nhập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phải thu khó đòi, khoản tiền trích bảo hành sản phẩm còn thừa khi hết hạn bảo hành.

2- Nhà nước là chủ sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện kiểm tra việc trích và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp theo mục đích quy định tại Thông tư này.

Phân phối lợi tức sau thuế nhằm mục đích chủ yếu tái đầu tư mở rộng năng lực hoạt động kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích người lao động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

II- PHÂN PHỐI LỢI TỨC SAU THUẾ

Tổng lợi tức thực hiện cả năm của doanh nghiệp sau khi nộp thuế lợi tức theo luật định (kể cả thuế lợi tức bổ sung nếu có) được phân phối theo thứ tự sau đây:

1- Nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

- Trường hợp doanh nghiệp bị lỗ thị không phải nộp tiền thu về sử dụng vốn.

- Trường hợp lợi tức sau thuế không đủ để nộp tiền thu sử dụng vốn theo mức quy định thì doanh nghiệp phải nộp toàn bộ lợi tức sau thuế.

2- Trả tiền phạt, như: Tiền phạt vi phạm kỷ luật thu nộp ngân sách, tiền phạt vi phạm hành chính; phạt vi phạm hợp đồng, phạt nợ quá hạn (sau khi trừ tiền phạt thu được), các khoản chi phí hợp lệ chưa được trừ khi xác định thuế lợi tức phải nộp.

3- Trừ các khoản lỗ không được trừ vào lợi tức trước thuế.

4- Đối với những doanh nghiệp kinh doanh trong một số ngành đặc thù (như Ngân hàng thương mại, bảo hiểm...) mà pháp luật quy định phải trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi tức, thì sau khi trừ các khoản từ 1 đến 3 nêu trên, doanh nghiệp trích lập các quỹ đó theo tỷ lệ do Nhà nước quy định.

5- Chia lãi cho các đối tác góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có).

6- Phần lợi tức còn lại trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo quy định trong Thông tư này.

III- TRÍCH LẬP CÁC QUỸ DOANH NGHIỆP TỪ LỢI TỨC

1- Các quỹ doanh nghiệp: Lợi tức còn lại sau khi trừ các khoản từ 1 đến 5 nêu tại mục II trên đây, doanh nghiệp trích lập các quỹ theo tỷ lệ như sau:

1.1- Quỹ Đầu tư phát triển: trích từ 50% trở lên không hạn chế mức tối đa.

1.2- Quỹ dự phòng tài chính: trích 10%. Số dư của quỹ này không vượt quá 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

1.3- Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm: trích 5%. Số dư quỹ này không vượt quá 6 tháng lương thực hiện của doanh nghiệp.

1.4- Số lợi tức còn lại sau khi trích các quỹ nói trên được trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo quy định dưới đây:

a) Doanh nghiệp được trích vào 2 quỹ khên thưởng và phúc lợi tối đa bằng 3 tháng lương thực hiện, với điều kiện tỷ suất lợi tức thực hiện trên vốn Nhà nước (gồm vốn ngân sách Nhà nước cấp, vốn có nguồn gốc ngân sách cấp và vốn do doanh nghiệp tự bổ sung) dùng trong hoạt động kinh doanh năm nay không thấp hơn tỷ suất lợi tức thực hiện trên vốn nhà nước năm trước.

[...]