Thông tư 69/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành Công ty cổ phần do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 69/2018/TT-BTC
Ngày ban hành 08/08/2018
Ngày có hiệu lực 01/10/2018
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Quang Hải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2018

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN CỔ PHẦN HÓA THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 126/2017/NĐ-CP NGÀY 16/11/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ 100% VỐN ĐIỀU LỆ THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP) thông qua xử lý nợ để chuyển thành công ty cổ phần.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Mua bán nợ).

2. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp tái cơ cấu).

3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu.

4. Chủ nợ tham gia tái cơ cấu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. “Phương án tái cơ cấu” là phương án chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này thành công ty cổ phần, trong đó bao gồm cả phương án xử lý tài chính thông qua hoạt động mua bán nợ.

2. “Giá vốn mua nợ” là tổng chi phí mua nợ tính đến thời điểm giảm trừ trách nhiệm trả nợ, bao gồm: giá mua nợ thực tế cộng (+) các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến việc mua khoản nợ (kể cả lãi vay huy động vốn để mua nợ) và các chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh được phân bổ (nếu có).

3. “Giảm trừ nghĩa vụ trả nợ” là biện pháp xóa một phần trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

4. “Chủ nợ” là tổ chức, cá nhân có nợ phải thu tại doanh nghiệp tái cơ cấu.

5. “Chủ nợ tham gia tái cơ cấu” là chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu, cùng tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp để chuyển thành công ty cổ phần.

Điều 4. Nguyên tắc tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán nợ

1. Phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty Mua bán nợ hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (lập biên bản thỏa thuận giữa các bên). Công ty Mua bán nợ được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Công ty Mua bán nợ chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu. Phương án mua bán nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả và đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ với giá trị sổ sách khoản nợ để xử lý tài chính, chuyển đổi thành công doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần theo quy định.

3. Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp không khả thi và hiệu quả thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

[...]