BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 59/2015/TT-BYT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2015
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM CHĂM SÓC SỨC
KHỎE SINH SẢN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP
ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 85/2012/NĐ-CP
ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối
với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP
ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ -
Trẻ em, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe
sinh sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trung tâm Chăm sóc sức khỏe
sinh sản tỉnh) là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có chức
năng giúp Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước,
các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh;
tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh có tư
cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và có trụ sở làm việc theo quy định
của pháp luật.
3. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh chịu sự
chỉ đạo, quản lý về tổ chức hoạt động và các nguồn lực của Sở Y tế; đồng thời
chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của
Bộ Y tế.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ chuyên môn, kỹ thuật về sức khỏe sinh sản trên địa bàn toàn tỉnh trên cơ sở
định hướng, chính sách, chiến lược, kế hoạch của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại
địa phương trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt, bao gồm các nội dung: chăm sóc sức
khỏe phụ nữ, sức khỏe bà mẹ; sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ em; dinh dưỡng bà mẹ,
trẻ em; sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; sức khỏe sinh sản nam giới
và người cao tuổi; dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; phá thai an toàn; phòng, chống
nhiễm khuẩn và ung thư đường sinh sản; dự phòng, điều trị vô sinh.
2. Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ
đạo, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động thuộc lĩnh vực
chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
3. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển
khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về lĩnh vực chăm sóc
sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm nội dung chuyên môn về
chăm sóc sức khỏe sinh sản trong các hoạt động truyền thông.
4. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo liên tục
cho cán bộ làm công tác chuyên môn, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
sinh sản theo kế hoạch của tỉnh và Trung ương; tham gia đào tạo, đào tạo liên tục
về chăm sóc sức khỏe sinh sản theo kế hoạch của tỉnh, Trung ương trên địa bàn;
là cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế của tỉnh và của Trung
ương trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản.
5. Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng
dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.
6. Quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các đề
án, dự án, chương trình trong nước và ngoài nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản
trên địa bàn tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ về chăm
sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của pháp luật.
8. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá,
theo dõi, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản trên
địa bàn tỉnh. Tham gia các đoàn thanh tra chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe
sinh sản khi có yêu cầu.
9. Thực hiện quản lý công chức, viên chức, người
lao động và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện các chế độ thống kê, báo cáo theo quy
định của pháp luật.
11. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám
đốc Sở Y tế và các cơ quan có thẩm quyền giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Trung tâm
a) Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh có
Giám đốc và các Phó Giám đốc theo quy định của pháp luật;
b) Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh
chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của
Trung tâm;
c) Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản
tỉnh là người giúp Giám đốc Trung tâm, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công
tác do Giám đốc Trung tâm phân công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm
và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt,
một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành hoạt động của Trung tâm;
d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật
và theo phân cấp quản lý cán bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Các phòng chức năng
a) Phòng Tổ chức - Hành chính;
b) Phòng Kế hoạch - Tài chính.
3. Các khoa chuyên môn
a) Khoa Sức khỏe bà mẹ và Kế hoạch hóa gia đình;
b) Khoa Sức khỏe trẻ em và phòng, chống suy dinh dưỡng;
c) Khoa Sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh
niên;
d) Khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học;
đ) Phòng khám chuyên khoa Phụ sản. Riêng đối với
hình thức Phòng khám đa khoa và Nhà hộ sinh chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện
theo quy định của pháp luật liên quan, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống
khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh và được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quyết định thành lập.
Ngoài các khoa, phòng nêu trên, tùy theo nhu cầu
công việc và khả năng cụ thể của Trung tâm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có
thể thành lập một số khoa, phòng khác khi đủ điều kiện và theo quy định của
pháp luật.
(Hướng dẫn một số nội dung chi tiết nhiệm vụ của
các khoa, phòng thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh theo Phụ lục
ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 4. Vị trí việc làm và số
lượng người làm việc
1. Vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu
viên chức theo chức danh nghề nghiệp của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh
được xác định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm của Trung tâm được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài nhân
lực được giao, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh được ký hợp đồng
lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khối lượng công việc theo quy định của
pháp luật.
2. Việc quản lý, sử dụng nhân lực của Trung tâm
Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 02 năm 2016.
Quyết định số 23/2006/QĐ-BYT
ngày 08 tháng 08 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế làm đầu mối
tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
căn cứ quy định tại Thông tư này và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (nếu có) quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc,
đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe
Bà mẹ - Trẻ em) để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Công báo,
Cổng thông tin điện tử CP);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ; Y tế các Bộ, ngành;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ - BYT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BMTE, PC, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|
PHỤ LỤC
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CHI TIẾT NHIỆM VỤ CỦA TỪNG
KHOA, PHÒNG THUỘC TRUNG TÂM CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN TỈNH/THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC
TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số /TT-BYT ngày
tháng năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
1. Phòng Tổ chức - Hành chính
a) Đầu mối giúp Giám đốc Trung tâm trong công tác tổ
chức, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; các chế độ chính
sách tiền lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật của Trung tâm theo quy định của
pháp luật và bảo vệ chính trị nội bộ của Trung tâm;
b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hành chính, quản
trị, ứng dụng công nghệ thông tin, văn thư, lưu trữ phục vụ cho hoạt động của
Trung tâm;
c) Phối hợp với các khoa, phòng trong công tác đào
tạo, đào tạo liên tục;
d) Phối hợp với các khoa, phòng tổ chức các hội thảo,
hội nghị, tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản;
đ) Quản lý cơ sở vật chất, tài sản của Trung tâm;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;
g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc
Trung tâm giao.
2. Phòng Kế hoạch - Tài chính
a) Xây dựng kế hoạch tháng, quý, năm; tổ chức sơ kết,
tổng kết việc thực hiện kế hoạch;
b) Xây dựng dự toán ngân sách, kế hoạch sử dụng
ngân sách hàng năm; quản lý và cấp phát kinh phí cho các hoạt động phục vụ công
tác chăm sóc sức khỏe sinh sản theo kế hoạch đã được phê duyệt, chịu trách nhiệm
tổng hợp, báo cáo, quyết toán tài chính, lưu trữ hồ sơ tài liệu kế toán theo
quy định của pháp luật;
c) Tổng hợp nhu cầu, dự trù, cấp phát, quản lý thuốc,
hóa chất, vật tư và các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của Trung tâm
và của mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh
thuộc các nguồn do Trung tâm chịu trách nhiệm quản lý;
d) Tổ chức thu, chi các loại phí, lệ phí và các dịch
vụ y tế của Trung tâm theo quy định của pháp luật;
đ) Đầu mối thu thập thông tin, phân tích số liệu về
chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo theo quy định;
e) Đầu mối tổng hợp hoạt động của các chương trình,
đề án, dự án trong và ngoài nước của Trung tâm;
g) Đầu mối xây dựng kế hoạch và triển khai các công
tác: nghiên cứu khoa học;
h) Phối hợp với các khoa, phòng thuộc Trung tâm thực
hiện việc giám sát, kiểm tra các hoạt động chuyên môn, các chế độ chính sách
thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh.
i) Phối hợp với các khoa, phòng liên quan xây dựng
kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin - truyền thông - giáo dục sức
khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em;
k) Phối hợp với các khoa, phòng liên quan tổ chức hội
thảo, hội nghị, tập huấn, đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn, nghiệp vụ sức
khỏe sinh sản cho cán bộ y tế;
l) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc
Trung tâm giao.
3. Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và Kế hoạch hóa
gia đình
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, sức khỏe bà mẹ, dịch vụ kế
hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản,
nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm và điều
trị sớm ung thư đường sinh sản, dự phòng và điều trị vô sinh, sàng lọc trước
sinh và sơ sinh.
b) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương
trình, dự án liên quan đến chăm sóc sức khỏe phụ nữ, sức khỏe bà mẹ, dịch vụ kỹ
thuật kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn, phòng, chống nhiễm khuẩn đường
sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, dự phòng, sàng lọc phát hiện
sớm và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, dự phòng và điều trị vô sinh, sàng
lọc trước sinh và sơ sinh;
c) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, hỗ trợ chuyên
môn, kỹ thuật cho tuyến dưới về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, sức khỏe bà mẹ, dịch
vụ kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh
sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm
và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, dự phòng và điều trị vô sinh, sàng lọc
trước sinh và sơ sinh;
d) Tham gia tổ chức thực hiện các hoạt động thông
tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe về chăm sóc sức khỏe sinh sản;
đ) Tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, sức khỏe bà mẹ, dịch vụ
kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản,
nhiễm khuân lây truyền qua đường tình dục, dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm và điều
trị sớm ung thư đường sinh sản, dự phòng và điều trị vô sinh, sàng lọc trước
sinh và sơ sinh cho cán bộ của Trung tâm và cho tuyến dưới;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;
g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc
Trung tâm giao.
4. Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em và Phòng, chống
suy dinh dưỡng
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe trẻ em và cải thiện tình trạng
dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, hỗ trợ chuyên
môn, kỹ thuật cho tuyến dưới về chăm sóc sức khỏe trẻ em và cải thiện tình trạng
dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em;
c) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương
trình, dự án liên quan đến chăm sóc sức khỏe trẻ em và cải thiện tình trạng
dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em;
d) Tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe trẻ em, và cải thiện tình trạng
dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cho cán bộ của Trung tâm và cho tuyến dưới;
đ) Tham gia các hoạt động thông tin, truyền thông,
giáo dục sức khỏe về chăm sóc sức khỏe trẻ em, và cải thiện tình trạng dinh dưỡng
bà mẹ, trẻ em;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;
g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc
Trung tâm giao.
5. Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên
và thanh niên
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh
niên;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, hỗ trợ chuyên
môn, kỹ thuật cho tuyến dưới về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và
thanh niên;
c) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương
trình, dự án liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh
niên theo quy định của pháp luật;
d) Tham gia công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức
thực hiện đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản
vị thành niên và thanh niên cho cán bộ của Trung tâm và cho tuyến dưới;
đ) Tham gia các hoạt động thông tin, truyền thông,
giáo dục sức khỏe về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;
g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc
Trung tâm giao.
6. Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản nam giới và
người cao tuổi
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới và người cao
tuổi;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, hỗ trợ chuyên
môn, kỹ thuật cho tuyến dưới về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới và người
cao tuổi;
c) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương
trình, dự án liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới và người cao
tuổi;
d) Tham gia công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức
thực hiện đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản
cho nam giới và người cao tuổi cho cán bộ của Trung tâm và cho tuyến dưới;
đ) Tham gia các hoạt động thông tin, truyền thông,
giáo dục sức khỏe về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới và người cao tuổi;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;
g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc
Trung tâm giao.
7. Phòng khám chuyên khoa Phụ sản
Phòng khám chuyên khoa Phụ sản chỉ được hoạt động
khi có Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và phải hoạt động theo đúng Phạm
vi chuyên môn và Danh mục kỹ thuật do cấp có thẩm quyền phê duyệt.