BỘ
NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
58/2009/TT-BNNPTNT
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2009
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC TRỒNG CAO SU TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số
01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về
thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi
hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Qyyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc
Phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn việc trồng cao su trên đất
lâm nghiệp như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư
này quy định điều kiện, trình tự, thẩm quyền quyết định trồng cao su trên đất
lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất trong phạm vi cả nước.
2. Đối tượng áp dụng: các tổ chức,
các công ty, doanh nghiệp, các nông trường, lâm trường, ban quản lý rừng (sau
đây gọi tắt là tổ chức), hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các cơ
quan Nhà nước có liên quan đến việc quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
Điều 2.
Nguyên tắc và điều kiện trồng cao su trên đất lâm nghiệp
1. Trồng cao su trên đất lâm
nghiệp phải trên cơ sở quy hoạch phát triển cao su được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
phê duyệt.
2. Có đánh giá tác động môi trường
theo quy định tại Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 2 năm 2008 của Chính
phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09
tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
3. Đối tượng rừng và đất lâm
nghiệp chuyển sang trồng cao su phải đảm bảo các quy định tại Điều 3 và Điều 4
Chương II của Thông tư này
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3.
Tiêu chuẩn kỹ thuật đối với đất trồng cao su
Đất thích hợp để trồng cao su phải
nằm trong vùng khí hậu phù hợp đối với cây cao su và đảm bảo các tiêu chí dưới
đây:
1. Nhiệt độ trung bình năm từ
25-30oC; không có sương muối về mùa đông; lượng mưa trung bình hàng năm trên
1.500 milimet (sau đây viết tắt là mm); ít có bão mạnh trên cấp 8;
2. Độ cao dưới 700 mét (riêng miền
núi phía bắc dưới 600 mét) so với mực nước biển (sau đây viết tắt là m);
3. Độ dốc dưới 30 độ;
4. Tầng đất dày tối thiểu 0,7 m;
5. Độ sâu mực nước ngầm lớn hơn
1,2 m và không bị ngập úng khi có mưa;
6. Thành phần cơ giới đất từ thịt
nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt;
7. Mức độ kết von, đá lẫn trong
tầng đất canh tác < 50% ;
8. Hoá tính đất: hàm lượng mùn tầng
đất mặt > 1,0 %, pHkcl: 4 - 6;
9. Vùng đất trồng cao su phải được
thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo điều kiện để thâm canh và chống
xói mòn.
Điều 4.
Đối tượng đất lâm nghiệp được trồng cao su
Các loại đất lâm nghiệp khi được
quy hoạch chuyển sang trồng cao su phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định
tại Điều 3 Chương II của Thông tư này, bao gồm:
1. Đất chưa có rừng nhưng được
quy hoạch trồng rừng sản xuất.
2. Đất có rừng trồng là rừng sản
xuất.
3. Đất có rừng
tre nứa tự nhiên là rừng sản xuất.
4. Đất có rừng
gỗ tự nhiên là rừng sản xuất; bao gồm: rừng gỗ nghèo, rừng chưa có trữ lượng, rừng
gỗ nghèo hỗn giao với tre nứa, cụ thể:
a) Rừng gỗ nghèo: có trữ lượng
cây đứng bình quân theo lô từ 10 – 100 mét khối trên hécta (sau đây viết tắt là
m3/ha).
b) Rừng gỗ chưa có trữ lượng: rừng
gỗ đường kính bình quân < 8 centimet (sau đây gọi tắt là cm), trữ lượng cây
đứng bình quân dưói 10 m3/ha.
c) Rừng gỗ nghèo hỗn giao với
tre nứa: có trữ lượng gỗ cây đứng bình quân theo lô dưới 65 m3/ha.
Trường hợp, những đám rừng dưới
3 héc ta (sau đây gọi tắt là ha) có trữ lượng lớn hơn trữ lượng quy định tại
khoản 4 Điều 4 Chương II của Thông tư này, nằm xen kẽ trong những lô rừng được
chuyển sang trồng cao su, thì được phép chuyển cùng diện tích rừng đó để đảm bảo
liền vùng liền khoảnh.
Điều 5.
Phương pháp điều tra, xác định trữ lượng và sản lượng
khai thác.
1. Xác định ranh giới, diện tích
vùng dự án: Phát ranh giới, tính toán diện tích và lập bản đồ hiện trạng rừng tỉ
lệ 1/5.000 của vùng dự án.
2. Lập ô tiêu chuẩn đo đếm trữ
lượng gỗ (tổng diện tích các ô tiêu chuẩn tối thiểu bằng 2 % diện tích rừng
chuyển sang trồng cao su) để thu thập số liệu và tính toán một số chỉ tiêu, cụ
thể như sau:
a) Thu thập số liệu:
Xác định tên, phẩm chất cây theo
3 cấp (tốt, trung bình, xấu) và đo đường kính tại vị trí 1,3 m của những cây
trong ô tiêu chuẩn theo quy định: đối với rừng tự nhiên bắt đầu cây có đường
kính từ 10 cm trở lên, theo cấp kính 4 cm; đối với rừng trồng bắt đầu cây có đường
kính từ 7 cm trở lên, theo cấp kính 2 cm.
Đo chiều cao vút ngọn 3 cây có
các cấp kính khác nhau gần tâm ô, trên cơ sở đó tính toán chiều cao bình quân của
lô rừng.
Số liệu đo đếm trong ô tiêu chuẩn
được ghi chép vào phiếu điều tra.
b) Tính toán trữ lượng cây đứng
bình quân theo lô, được tổng hợp từ việc xác định thể tích cây đứng theo công
thức: V = GHF, trong đó:
- G là tiết diện ngang của cây tại
D1.3m.
- H là chiều cao vút ngọn trung
bình của cây trong lô.
- F là hình số độ thon (đối với
rừng tự nhiên F = 0,45; rừng trồng F = 0,5).
c) Tính toán sản lượng lâm sản
khai thác tận dụng: Tuỳ theo điều kiện cụ thể Sở Nông nghiệp và phát triển nông
thôn có thể lựa chọn một trong hai phương pháp áp dụng tại địa phương, cụ thể
như sau:
Căn cứ vào số liệu thu thập
trong phiếu điều tra của các ô tiêu chuẩn tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 5 Chương II
Thông tư này để tính toán sản lượng gỗ lớn của những cây có D1,3 m > 25 cm
theo từng cấp kính, chủng loại gỗ, dự kiến sản phẩm gỗ nhỏ, củi theo từng lô và
trên toàn bộ diện tích rừng chuyển sang trồng cao su.
Đo đếm và tính toán sản lượng gỗ
lớn toàn bộ số cây trong lô có D1,3 m > 25 cm theo cấp kính, chủng loại gỗ,
dự kiến sản phẩm gỗ nhỏ, củi theo từng lô và trên toàn bộ diện tích rừng chuyển
sang trồng cao su.
Điều 6.
Trình tự, thẩm quyền cho phép trồng cao su trên đất lâm
nghiệp.
1. Chủ đầu tư
trồng cao su là các tổ chức.
a) Đối với diện tích rừng tự
nhiên.
Căn cứ quỹ đất rừng được giao (đối
với chủ đầu tư là chủ rừng) hoặc được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao hoặc cho
phép điều tra, khảo sát để chuyển rừng sang trồng cao su (đối với chủ đầu tư
không phải là chủ rừng), chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành thực hiện
việc điều tra xác định loại đất, loại rừng, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thẩm định.
Nếu phù hợp với quy hoạch của tỉnh
và loại đất, loại rừng đảm bảo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Chương II Thông tư
này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định
cho phép chuyển rừng sang trồng cao su.
b) Đối với diện tích rừng trồng
bằng vốn ngân sách hoặc vốn viện trợ:
Căn cứ quỹ đất được giao hoặc được
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho phép điều tra, khảo sát để chuyển rừng sang trồng
cao su, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành thực hiện việc điều tra xác
định loại đất. Nếu phù hợp với quy hoạch của tỉnh và loại đất đảm bảo quy định
tại Điều 3 Chương II Thông tư này, chủ đầu tư gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thẩm định và Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép chuyển sang trồng cao su.
Trường hợp, diện tích rừng trồng
của các dự án viện trợ, nếu chưa chuyển cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý thì phải
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.
c) Đối với diện tích đất chưa có
rừng và diện tích rừng trồng do chủ rừng tự bỏ vốn:
Nếu phù hợp với quy hoạch và loại
đất phù hợp trồng cao su, do chủ đầu tư tự quyết định (đối với chủ đầu tư là chủ
rừng), trước khi thực hiện chỉ cần gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện để tổng
hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Trường hợp, Uỷ ban nhân dân tỉnh
thu hồi đất của chủ rừng giao cho chủ đầu tư khác thì trước khi xây dựng dự án
trồng cao su, chủ đầu tư đó phải đền bù tài sản mà chủ rừng đã đầu tư trên diện
tích đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật.
d) Sau khi được Uỷ ban nhân dân
tỉnh cho phép chuyển rừng sang trồng cao su, chủ đầu tư xây dựng dự án trồng
cao su trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Chủ đầu tư trồng cao su là hộ
gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.
a) Đối với diện
tích rừng tự nhiên và rừng trồng bằng vốn ngân sách hoặc vốn viện trợ.
Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng
dân cư thôn đã được giao rừng và đất lâm nghiệp có nhu cầu chuyển rừng sang trồng
cao su, nếu đảm bảo điều kiện về loại đất, loại rừng và phù hợp với quy hoạch của
tỉnh, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn làm đơn nêu rõ địa danh, diện
tích, loại rừng và sơ đồ vị trí lô rừng, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, gửi
Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định cho phép chuyển rừng sang trồng
cao su.
b) Đối với rừng trồng của hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự bỏ vốn trước khi thực hiện hộ gia đình,
cá nhân, cộng đồng dân cư thôn chỉ cần thông báo với Uỷ ban nhân dân cấp xã để
tổng hợp, theo dõi.
c) Trường hợp, Uỷ ban nhân dân
huyện thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để giao cho tổ
chức làm chủ đầu tư trồng cao su trước khi xây dựng dự án chủ đầu tư đó phải đền
bù tài sản mà hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đã đầu tư trên diện
tích đất bị thu hồi theo quy định.
Điều 7.
Trình tự khai thác tận dụng lâm sản trên đất rừng chuyển
rừng sang trồng cao su.
1. Khai thác tận dụng lâm sản của
các tổ chức.
a) Trên đất rừng
tự nhiên, rừng trồng bằng vốn ngân sách hoặc vốn viện trợ.
Chủ rừng hoặc chủ đầu tư xây dựng
hồ sơ khai thác tận dụng lâm sản, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phê duyệt. Hồ sơ khai thác tận dụng gồm một số nội dung sau: Xác định ranh giới,
phân chia địa danh theo lô, khoảnh, tiểu khu và lập bản đồ khu vực khai thác tỉ
lệ 1: 5.000; tính toán diện tích, sản lượng lâm sản khai thác theo cấp kính, chủng
loại gỗ của từng lô, khoảnh, tiểu khu và tổng hợp cho cả khu vực khai thác; xác
định các công trình sản xuất và dự kiến chi phí khai thác.
Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào
tình hình thực tế tại địa phương lựa chọn đơn vị có chức năng hoặc giao cho chủ
rừng, chủ đầu tư trồng cao su để khai thác tận dụng lâm sản, nhưng phải thực hiện
đúng quy định và đảm bảo tiến độ trồng cao su theo kế hoạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cấp phép khai thác tận dụng lâm sản cho chủ rừng hoặc chủ đầu tư và
đơn vị có chức năng khai thác được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
b) Đối với rừng trồng do chủ rừng
tự bỏ vốn: Chủ rừng hoặc chủ đầu tư (sau khi đã đền bù tài sản trên đất cho chủ
rừng) quyết định, khi khai thác chỉ cần báo cáo Uỷ ban nhân xã trước 10 ngày để
có biện pháp theo dõi và tạo điều kiện giúp đỡ.
c) Việc tổ chức khai thác tận dụng
(trước hoặc đồng thời với khai hoang), xác định giá lâm sản, cơ chế tiêu thụ gỗ,
củi tận dụng trên diện tích rừng chuyển sang trồng cao su do Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét quyết định cụ thể.
2. Khai thác tận dụng lâm sản của
hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.
a) Đối với đất
rừng tự nhiên.
Trường hợp chuyển rừng sang trồng
cao su, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn thống kê số cây và tính
toán sản lượng lâm sản khai thác tận dụng (nếu có) trình Uỷ ban nhân dân cấp
huyện phê duyệt và cấp phép khai thác tận dụng.
b) Đối với rừng trồng: Khi khai
thác chỉ cần báo cáo Uỷ ban nhân xã trước 10 ngày để có biện pháp theo dõi và
giúp đỡ
c) Đối với diện
tích đất rừng thu hồi của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để giao
cho tổ chức làm chủ đầu tư trồng cao su là rừng tự nhiên, rừng trồng bằng vốn
ngân sách hoặc vốn viện trợ: Sau khi đã đền bù tài sản mà hộ gia đình, cá nhân,
cộng đồng dân cư thôn đã đầu tư trên đất theo quy định; chủ đầu tư xây dựng hồ
sơ khai thác tận dụng trình cấp thẩm quyền phê duyệt, cấp phép khai thác tận dụng
cho chủ đầu tư để khai thác tận dụng.
Trường hợp, đất rừng thu hồi của
hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn giao cho tổ chức làm chủ đầu tư trồng
cao su là rừng trồng do hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đầu tư vốn
thì thực hiện như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Chương II Thông tư này.
3. Sau khi hoàn thành việc khai
thác tận dụng lâm sản, trong thời hạn 01 năm chủ đầu tư phải trồng mới cao su,
nếu không thực hiện sẽ phải trồng lại rừng thay thế trên diện tích rừng đã khai
thác tận dụng lâm sản.
Điều 8.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai
thực hiện việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp
1. Đơn vị tư vấn phải thực hiện
việc khảo sát, điều tra theo đúng các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm
trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trước pháp luật về tính chính xác của kết quả
điều tra, hiện trạng đất và rừng của những dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp.
2. Đơn vị khai thác tận dụng lâm
sản phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, xã và trước pháp
luật về thực hiện những quy định trong khai thác tận dụng lâm sản, đảm bảo thời
gian, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trên địa
bàn.
3. Chủ rừng có trách nhiệm kiểm
tra, giám sát đơn vị khai thác tận dụng lâm sản theo đúng quy định và bàn giao
quỹ đất cho chủ đầu tư đảm bảo tiến độ và thời vụ trồng cao su.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn có trách nhiệm thẩm định loại đất, loại rừng, phê duyệt hồ sơ, cấp
phép khai thác tận dụng lâm sản và hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực
hiện của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan; chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thẩm
định, phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích rừng
chuyển sang trồng cao su.
5. Cục Lâm nghiệp chủ trì phối hợp
với Cục Kiểm lâm và các đơn vị có liên quan kiểm tra các dự án chuyển rừng sang
trồng cao su. Báo cáo và đề xuất lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn xử lý kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện.
6. Cục Trồng trọt chủ trì phối hợp
với các đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp kế hoạch trồng mới cao su trong phạm
vi cả nước, định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Thông tư này thay thế Thông
tư số 127/2008/TT-BNN ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc hướng dẫn trồng cao su trên đất lâm nghiệp và Thông tư số
10/2009/TT- BNN ngày 04 tháng 3 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, về việc bổ sung một số điểm của Thông tư số 127/2008/TT-BNN ngày 31 tháng
12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn trồng
cao su trên đất lâm nghiệp.
3. Những dự án đã triển khai thực
hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, được xử lý như sau:
a) Đối với những dự án đã có kết
quả điều tra xác định loại đất, loại rừng đã trình Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định chuyển rừng sang trồng cao
su theo tinh thần Thông tư số 127/2008/TT-BNN ngày 31 tháng 12 năm 2008 và
Thông tư số 10/2009/TT- BNN ngày 04 tháng 3 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, thì thực hiện theo tinh thần Thông tư số 127/2008/TT-BNN và
Thông tư số 10/2009/TT- BNN nêu trên hoặc theo quy định của Thông tư này (nếu
phù hợp) và những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa khai
hoang tại thực địa thì tiếp tục thực hiện theo dự án đã được duyệt.
b) Đối với các dự án đang điều
tra khảo sát hoặc đã có kết quả điều tra về đối tượng đất, đối tượng rừng nhưng
chưa trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh thì phải
thực hiện theo quy định của Thông tư này.
4. Trong năm 2009, đối với những
tỉnh chưa lập xong quy hoạch trồng cao su thì Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào
quy hoạch 3 loại rừng, tiến độ kế hoạch trồng cao su để xem xét, quyết định về
vị trí, diện tích cho các tổ chức, hộ gia đình được điều tra khảo sát chuyển
sang trồng cao su, nếu đảm bảo các quy định tại Điều 3 và Điều 4 Chương II
Thông tư này, sau đó bổ sung vào quy hoạch phát triển cao su chung của tỉnh.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn Phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban chỉ đạo Tây Nguyên;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND, Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN & PTNT;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT;
- Lưu VT.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hứa Đức Nhị
|