Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 53/2009/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 53/2009/TT-BCA
Ngày ban hành 30/09/2009
Ngày có hiệu lực 14/11/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2009/TT-BCA

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC CỦA CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-9-1998 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và áp dụng đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy

1. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của pháp luật.

2. Góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; chống các biểu hiện cửa quyền, tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an về công tác phòng cháy và chữa cháy.

2. Bảo đảm dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng dân chủ cản trở hoạt động theo pháp luật của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy. Xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Điều 4. Nơi tiếp công dân của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy

1. Nơi tiếp người đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy, đến góp ý, khiếu nại, tố cáo phải có biển hiệu đề tên cơ quan; phải bảo đảm diện tích và có trang thiết bị cần thiết; có hòm thư góp ý đặt ở vị trí thuận lợi để nhận đơn, thư tham gia ý kiến hoặc đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

2. Tại nơi tiếp người đến làm thủ tục, góp ý, khiếu nại, tố cáo phải niêm yết công khai các nội dung sau:

a) Nội quy cơ quan; lịch tiếp người đến làm thủ tục; sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn nơi làm thủ tục;

b) Tên và số điện thoại (nếu có) của từng bộ phận, họ tên, cấp bậc, chức vụ và nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ được phân công tiếp người đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy;

c) Trách nhiệm và nghĩa vụ của người đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy;

d) Các quy định, biểu mẫu, thủ tục, thời hạn giải quyết đối với từng loại việc về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Các loại phí, lệ phí theo quy định.

Điều 5. Những nội dung đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân biết

1. Thủ tục, thời gian thẩm duyệt, kiểm tra thi công và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình xây dựng và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

[...]