Thông tư 51-TTg năm 1960 giải thích tinh thần bản điều lệ hải quan do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 51-TTg
Ngày ban hành 27/02/1960
Ngày có hiệu lực 13/03/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-TTg

Hà Nội , ngày 27 tháng 02 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH TINH THẦN BẢN ĐIỀU LỆ HẢI QUAN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

- Các Bộ Ngoại thương, Tài chính, Giao thông vận tải và Bưu điện, Nội Thương, Nông lâm, Văn hóa, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao,
- Ngân hàng quốc gia Việt Nam ,
- Viện Công tố Trung ương,
- Tòa án nhân dân tối cao,
- Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ,
- Vụ Trao đổi văn hóa với nước ngoài,
- Cục Hàng không dân dụng,
- Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh

 

Nghị định số 03-CP ngày 27 tháng 02 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ đã ban hành bản điều lệ hải quan.

Thông tư này nói rõ thêm một số điểm trọng yếu sau đây thuộc về tinh thần điều lệ để các Bộ, các ngành có liên quan, các Ủy ban hành chính địa phương nắm vững và lãnh đạo thi hành cho thống nhất:

I. VỀ THỂ LỆ VÀ THỦ TỤC HẢI QUAN

Các thể lệ và thủ tục quy định trong điều lệ phần lớn chỉ là hệ thống hóa và chính thức hóa những điều mà ngành Hải quan hiện đang thi hành.

Là một biện pháp để thực hiện nền chuyên chính dân chủ nhân dân, các thể lệ và thủ tục này nhằm:

Phục vụ chính sách quản lý ngoại thương, quản lý ngoại hối của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, góp phần phục vụ đường lối ngoại giao, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Để thực hiện mục đích trên đây, cơ quan Hải quan phải thi hành thể lệ, thủ tục một cách chu đáo và sáng suốt: chặt chẽ trong việc kiểm soát hàng hóa và công cụ vận tải, nhưng phải biết phân biệt giữa hàng hóa trao đổi với các nước anh em và hàng hóa trao đổi với các nước tư bản, giữa hàng hóa trao đổi của Mậu dịch quốc doanh và hàng phi mậu dịch của tư nhân, vv… có thể có trường hợp châm chước một phần trong việc thi hành thủ tục đối với việc qua lại biên giới của các đồng chí bạn và cán bộ, vv…

Mặt khác, các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu, các cơ quan phục vụ trực tiếp việc xuất nhập khẩu (đường sắt, Bưu cục ngoại dịch, Cảng, Hàng không, vv…) phải nghiêm chỉnh chấp hành thể lệ, thủ tục, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan và giúp đỡ cơ quan Hải quan điều kiện để làm nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ủy ban hành chính địa phương.

II. VỀ NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN

Ngoài những nhiệm vụ thông thường, Nhà nước giao thêm cho cơ quan Hải quan Hải quan nhiệm vụ phát hiện với các cơ quan sở quan (Tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu, Đường sắt, Cảng, Hàng không, vv…) và đề nghị biện pháp ngăn ngừa các thiếu sót trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa.

Đó là xuất phát từ lợi ích bảo vệ tài sản của Nhà nước, vì cơ quan Hải quan có nhiều điều kiện để làm việc này được tốt.

Về quyền hạn, cơ quan Hải quan có quyền khám người, công vụ vận tải, nhà ở; có quyền tạm giữ hàng phạm pháp, tang vật che giấu hàng phạm pháp, công vụ vận tải chuyên chở hàng phạm pháp; trường hợp phạm pháp quả tang buôn lậu lớn, có tổ chức, cơ quan Hải quan có quyền tạm giữ người phạm pháp tại trụ sở cơ quan Hải quan trong thời gian lâu nhất là hai mươi bốn giờ; cơ quan Hải quan xử lý các vụ phạm pháp về hải quan dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương.

Nhà nước giao những quyền hạn nói trên cho cơ quan Hải quan là cần thiết và hợp lý. Cơ quan Hải quan cần có ý thức đầy đủ về báo cáo, thỉnh thị đối với Ủy ban hành chính và Ủy ban hành chính cần chú trọng lãnh đạo cơ quan Hải quan sử dụng những quyền hạn nói trên cho đúng mức và đúng với thể lệ hiện hành; mặt khác, Ủy ban hành chính địa phương và cơ quan Hải quan cần chú ý giáo dục cán bộ Hải quan về các mặt lập trường, tư tưởng, chính sách, chỉ đạo chặt chẽ việc làm của cán bộ hải quan để kịp thời ngăn ngừa những lệch lạc có thể xảy ra.

Trong khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ hải quan phải có thái độ hòa nhã, tôn trọng hành khách, giữ gìn hàng hóa, nêu cao đạo đức cần kiệm liêm chính chí công vô tư.

III. VỀ THƯỞNG, PHẠT

1. Cơ quan Hải quan xử lý những vụ phạm pháp về hải quan dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương. Riêng đối với những vụ phạm pháp lớn, nếu xét thấy cần, cơ quan Hải quan có thể chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Công tố xét để truy tố trước Tòa án.

Đối với những trường hợp cơ quan Hải quan đã xử lý mà người phạm pháp vẫn không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan Hải quan, thì cơ quan Hải quan có thể đề nghị cơ quan Công tố truy tố trước Tòa án.

Trong mọi trường hợp xử lý, cơ quan Hải quan cần sao quyết định xử lý gửi cho cơ quan Công tố cùng cấp.

2. Việc xử phạt phải nghiêm minh, đồng thời phải sáng suốt tùy theo đối tượng phạm pháp và mức độ, phạm vi của mỗi vụ phạm pháp.

Đối với những vi phạm thủ tục, nhưng không có ý định buôn lậu và đối với những vụ phạm pháp nhỏ, tức là đối với những người chưa hiểu thể lệ, chỉ phê bình, cảnh cáo, bắt nộp thuế. Chỉ phạt tiền và tịch thu hàng đối với những vụ buôn lậu quan trọng và đối với những vụ cố tình phạm pháp hoặc phạm pháp nhiều lần.

Trong tất cả mọi trường hợp xử lý, cần cân nhắc thận trọng, chú trọng giáo dục, đối với những người thực sự là sai lầm vì chưa hiểu thể lệ hải quan, nghiêm trị đối với những người cố tình buôn lậu.

Nhà nước chỉ giao cho Trưởng phòng hải quan quyền phê bình, cảnh cáo, bắt nộp thuế và quy định cán bộ phụ trách ngành Hải quan cấp tỉnh và khu chỉ được xử phạt đến một nghìn đồng (1.000đ) chính là để thể hiện phương châm thận trọng trong công tác xử lý.

3. Về thưởng, hình thức chủ yếu là tuyên dương, cấp giấy khen, bằng khen, huân chương. Chỉ thưởng tiền trong trường hợp để chiếu cố công lao khó nhọc trong việc tìm ra những vụ phạm pháp quan trọng; riêng đối với cán bộ, bộ đội thì không thưởng tiền.

[...]