Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 48/2012/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 26/09/2012
Ngày có hiệu lực 10/11/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2012/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM THỦY SẢN, TRỒNG TRỌT, CHĂN NUÔI ĐƯỢC SẢN XUẤT, SƠ CHẾ PHÙ HỢP VỚI QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức chứng nhận; đánh giá, chứng nhận; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practices - GAP) là tập hợp các tiêu chí do tổ chức, quốc gia, nhóm quốc gia ban hành hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động;

2. Quy trình (Quy phạm) thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là các GAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi (Vietnamese Good Agricultural Practices - VietGAP).

3. Tổ chức chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP (sau đây gọi là tổ chức chứng nhận VietGAP) là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoặc chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoạt động chứng nhận VietGAP;

4. Chứng nhận VietGAP là hoạt động đánh giá, xác nhận của tổ chức chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm được sản xuất và/hoặc sơ chế (sản xuất/sơ chế) phù hợp với VietGAP;

5. Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp; hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội (cơ sở sản xuất nhiều thành viên hoặc nhóm hộ sản xuất); trang trại, hộ gia đình (cơ sở sản xuất một thành viên hoặc hộ sản xuất) sản xuất/sơ chế sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi theo VietGAP;

6. Đánh giá nội bộ là quá trình tự đánh giá của cơ sở sản xuất một cách có hệ thống, độc lập và được lập thành văn bản làm bằng chứng để xác định mức độ thực hiện và duy trì sự phù hợp với VietGAP trong quá trình sản xuất/sơ chế sản phẩm của cơ sở sản xuất;

7. Tư vấn VietGAP là hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cơ sở sản xuất áp dụng VietGAP và đánh giá nội bộ.

8. Mẫu điển hình của sản phẩm là mẫu đại diện cho một kiểu, loại cụ thể của sản phẩm được sản xuất/ sơ chế theo cùng một quy trình, trong cùng một điều kiện và sử dụng cùng loại nguyên vật liệu.

Điều 3. Phí, lệ phí

1. Phí, lệ phí đánh giá để chỉ định, giám sát tổ chức chứng nhận VietGAP do tổ chức chứng nhận chi trả theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

2. Chi phí chứng nhận VietGAP do các tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận chi trả theo thỏa thuận với tổ chức chứng nhận VietGAP.

Điều 4. Cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động của tổ chức chứng nhận VietGAP

1. Tổng cục Thuỷ sản là cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực thuỷ sản.

2. Cục Trồng trọt là cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực trồng trọt.

3. Cục Chăn nuôi là cơ cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi.

[...]