Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định 315/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 47/2011/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 29/06/2011
Ngày có hiệu lực 01/07/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hồ Xuân Hùng
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2011/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP TRONG TRỒNG TRỌT, CHĂN NUÔI, NUÔI THỦY SẢN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 315/QĐ-TTG NGÀY 01 THÁNG 3 NĂM 2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn các quy định tại Khoản 5, Điều 1 của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí quy mô sản xuất, quy trình sản xuất; quy định các loại thiên tai, dịch bệnh và xác định mức độ thiệt hại đối với cây lúa nước; chăn nuôi trâu, bò (thịt, cày kéo, sinh sản) và bò sữa; lợn (thịt, nái, đực giống); gà, vịt (đẻ, thịt); thủy sản nuôi (cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) được lựa chọn tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh).

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối tượng được hỗ trợ thí điểm bảo hiểm:

Các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, thủy sản (sau đây gọi tắt là người sản xuất) tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 theo Khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối tượng được bảo hiểm và địa bàn thực hiện thí điểm bảo hiểm:

- Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa nước tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp;

- Thực hiện bảo hiểm đối với chăn nuôi: Lợn (thịt, nái, đực giống) tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai; Gà (thịt, đẻ) tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đồng Nai; Vịt (thịt, đẻ) tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai; Bò (thịt, cày kéo, sinh sản) tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai; Bò sữa tại Hà Nội, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai; Trâu (thịt, cày kéo, sinh sản) tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An;

- Thực hiện bảo hiểm đối với thủy sản nuôi: Cá tra tại Bến Tre, Trà Vinh; Tôm sú, Tôm thẻ chân trắng tại Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.

Điều 2. Nguyên tắc lựa chọn địa bàn triển khai và điều kiện hỗ trợ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

1. Nguyên tắc lựa chọn địa bàn triển khai

a) Mỗi tỉnh lựa chọn địa bàn thí điểm bảo hiểm có quy mô sản xuất mang tính đại diện cho đối tượng được bảo hiểm của địa phương;

b) Các huyện, xã được lựa chọn phải đảm bảo tính đại diện, hợp lý trong khu vực; thuận lợi cho việc sơ kết, tổng kết, đánh giá, giám sát, rút kinh nghiệm và nhân rộng;

c) Đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít;

d) Phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhà nước.

2. Điều kiện được hỗ trợ thí điểm bảo hiểm

a) Thực hiện theo Khoản 4, Điều 1 của Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

b) Đối tượng tham gia bảo hiểm có đơn tự nguyện, cam kết tham gia thí điểm bảo hiểm; Thực hiện quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, phòng dịch theo quy định tại Thông tư này hoặc quy trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định về các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

1. Các loại thiên tai: Bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần.

[...]