Thông tư 43-TT-NV năm 1956 thi hành chỉ thị 1179-TTg điều chỉnh và hoàn thành việc xếp lương cho cán bộ nhân viên các cơ quan do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 43-TT-NV
Ngày ban hành 28/12/1956
Ngày có hiệu lực 12/01/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Văn Bạch
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43-TT-NV

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 1179-TTG NGÀY 18-12-1956 CỦA THỦ TƯỚNG PHỦ VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH VÀ HOÀN THÀNH VIỆC XẾP LƯƠNG CHO CÁN BỘ NHÂN VIÊN CÁC CƠ QUAN.

Sau khi nhận định tình hình điều chỉnh sắp xếp cấp bậc theo thông tư số 32-TT-NV ngày 10-10-1956 của Bộ Nội vụ, Thủ tướng phủ đã ra chỉ thị số 1179-TTg ngày 18-12-1956 về việc điều chỉnh và hoàn thành việc xếp lương cho cán bộ, nhân viên các cơ quan. Chúng ta cần nhận thức thấu đáo tinh thần, nội dung chỉ thị của Thủ tướng phủ để vạch kế hoạch thi hành được thống nhất.

I. CẦN NHẬN THỨC THẤU ĐÁO TINH THẦN VÀ NỘI DUNG CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG PHỦ

Chỉ thị 1179-TTg của Thủ tướng phủ đã nêu chủ trương về 5 vấn đề cụ thể, trong thông tư này Bộ Nội vụ chỉ giải thích thêm về 3 vấn đề:

- Yêu cầu điều chỉnh,

- Thời gian truy lĩnh,

- Hội đồng sắp xếp.

1) Yêu cầu của việc điều chỉnh kỳ này:

Việc điều chỉnh kỳ này mới chỉ nhằm giải quyết những trường hợp thật bất hợp  lý:

a) Tại sao lại chỉ đặt yêu cầu như vậy ?

Việc điều chỉnh rộng như dự kiến mới đây sẽ ảnh hưởng nguy hại đến tình hình kinh tế tài chính quốc gia nhưng ngược lại chưa phải đã định bậc được thỏa đáng cho cán bộ, nhân viên trong điều kiện nay: các thang lương chưa hợp lý, dầu đã sửa đổi một số khung bậc, tiêu chuẩn để sắp xếp khó cụ thể để xếp bậc cho thật rõ ràng là hợp lý công bằng, việc điều động, sử dụng, tìm hiểu cán bộ, nhân viên chưa phải đã hoàn toàn chính xác để kết luận trên bậc lương người này hơn hay người khác kém một cách rõ rệt, tổ chức bộ máy chưa phải đã ổn định. Trong điều kiện như thế mà muốn điều chỉnh để giải quyết hết thắc mắc của cán bộ, nhân viên là không thể thực hiện được; thực tế đã chứng tỏ rằng điều chỉnh được trường hợp này thì lại xảy ra trường hợp khác, ổn được trong nội bộ một phòng, một cơ quan thì khi nhìn sang phòng khác, cơ quan khác lại hóa ra chưa ổn. Vì vậy cần thu hẹp diện điều chỉnh.

b) Dựa trên cơ sở nào mà  xác định những trường hợp thật bất hợp lý phải điều chỉnh ?

Trong việc sắp xếp vừa qua có cơ quan làm trước, cơ quan làm sau, địa phương làm trước, địa phương làm sau, ngay trong một cơ quan thì cũng có số cán bộ được xếp trước, số xếp sau, mặt khác thì việc nhận xét cán bộ trên tiêu chuẩn nơi thì nặng về mặt này, nơi thì nặng về mặt khác, nơi làm trước thì nói chung nhận xét có phần chặt chẽ khắt khe, nơi làm sau thì có phần rộng rãi hơn, do đó mà trong quan hệ sắp xếp trước khi có dự kiến điều chỉnh đã có những trường hợp chênh lệch quá đáng nổi lên một cách rõ rệt. Cho nên trong quan hệ sắp xếp cũ chỉ nên điều chỉnh những trường hợp ấy, mà làm như thế thì:

- có trường hợp phải lên bậc

- mà cũng có trường hợp phải xếp xuống.

c) Những trường hợp cần điều chỉnh kỳ này:

Sau khi đại bộ phận cán bộ, nhân viên ở mỗi cấp, mỗi ngành đã được sắp xếp chính thức, tạm xếp, hay dự kiến để chờ xét duyệt, nhìn chung lại thì thực tế đã có những trường hợp bị xếp thấp vì:

- trong hoàn cảnh đang tiến hành cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hiềm nghi có vấn đề chính trị, thành kiến với thành phần, với khuyết điểm sai lầm cũ nên định bậc thấp.

- bậc tối đa của một số khung bậc cũ gò bó nên có cán bộ tuy đã xếp đến bậc tối đa của khung bậc cũ rồi nhưng so với số cùng ở bậc ấy vẫn còn chênh lệch quá đáng nhưng trước đây xếp bậc lên thì lại vượt khung không được;

- đối với một số cán bộ mới đến cơ quan như một số trường hợp về quân nhân chuyển ngành hay cán bộ miền Nam, cơ quan chưa rõ khả năng, chưa sát quá trình nên định bậc  thấp.

Trên đây là ba trường hợp bị xếp thấp cần điều chỉnh lên, nhưng cũng có trường hợp vì vận dụng tiêu chuẩn quá nặng về khả năng hay quá nặng về thâm niên mà xếp cao lên thì cũng phải xét thật kỹ lại để xếp xuống.

Điều cần đặc biệt chú ý là xếp lên hay xếp xuống phải tránh đảo lộn quan hệ sắp xếp cũ, vì thực tế có điều chỉnh những trường hợp trên đây không phải là đụng chạm đến toàn bộ quan hệ sắp xếp cũ, gây nên tình trạng đều chỉnh tràn lan “móc xích” như dự kiến mới đây. Tất nhiên điều chỉnh như trên chưa phải đã giải quyết hết sự so bì suy tị, nhưng về lãnh đạo phải chủ động giải quyết, có những trường hợp tuy hệin nay cùng xếp một bậc chưa ổn lắm, nhưng đưa một người lên bậc trên lại phải xét lại tất cả những người đã xếp tương đối ổn ở bậc trên thì lần này chưa điều chỉnh được mà sẽ chờ khi có điều kiện thuận lợi hơn sẽ giải quyết thêm một bước nữa.

Trên đây mới giải thích về yêu cầu điều chỉnh theo thang lương 17 bậc, các ngành có thang lương kỹ thuật, thang lương chuyên môn y tế, giáo dục , văn hóa, thương nghiệp, bưu điện cũng cần soát lại sự hướng dẫn trước đây về việc điều chỉnh cho thực sự ăn khớp với yêu cầu chung mà chỉ thị của Thủ tướng phủ đã đề ra; một cuộc họp liên tịch giữa các Bộ trên sẽ thảo luận cụ thể hơn để việc chỉ đạo xuống địa phương được thống nhất.

2) Thời gian truy lĩnh:

Thời gian được truy lĩnh rút ngắn thực tế làm cho một số cán bộ, nhân viên thiệt thòi; chỉ trên cơ sở làm cho anh chị em thấy rõ nền tài chính quốc gia trước mắt đang gặp khó khăn, mỗi người cần tích cực góp sức để giải quyết khó khăn ấy – chỉ trên cơ sở động viên tinh thần hy sinh, chịu đựng của anh chị em, thì anh chị em mới thông cảm với chủ trương của Thủ tướng phủ.

Nói chung những cán bộ, nhân viên đã được sắp xếp chính thức, tạm xếp hay dự kiến để chờ xét duyệt nhưng đã được hưởng lương của bậc được xếp và truy lĩnh rồi, kỳ này nếu được điều chỉnh thì chỉ được truy lĩnh theo bậc mới từ 1-7-1956 sau khi được chính cơ quan có thẩm quyền quyết định chính thức.

Nhưng có hai trường hợp có thể xét thêm:

[...]