Thông tư 42/2022/TT-BCT quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 42/2022/TT-BCT
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 16/02/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Đặng Hoàng An
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2022/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực.

2. Kiểm tra hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: Tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện.

3. Phương pháp xác định sản lượng điện trộm cắp, số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện để trả lại cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, bồi thường thiệt hại và cách thức tổ chức thực hiện, thi hành hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trộm cắp điện.

4. Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực: Tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.

2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng điện.

3. Kiểm tra viên điện lực và các cá nhân tham gia công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện và bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện.

4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực được quy định tại Điều 33 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sau đây viết tắt là Nghị định số 134/2013/NĐ-CP), đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 38 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (sau đây viết tắt là Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hợp đồng mua bán điện là một trong các loại hợp đồng sau đây (không bao gồm các hợp đồng giữa các đơn vị điện lực là đối tượng tham gia thị trường phát điện, bán buôn điện cạnh tranh và hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà):

a) Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt hoặc ngoài sinh hoạt được ký kết giữa khách hàng sử dụng điện (bao gồm cả khách hàng sử dụng điện lớn) với đơn vị bán lẻ điện nhằm mục đích mua điện để sử dụng;

b) Hợp đồng mua buôn, bán lẻ điện được ký kết giữa đơn vị bán lẻ điện với đơn vị bán buôn điện nhằm mục đích mua điện để bán lại cho bên thứ ba (trừ hợp đồng giữa các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc hợp đồng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các đơn vị thành viên).

2. Kiểm tra viên điện lực là cá nhân thuộc đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện và đơn vị bán lẻ điện được tập huấn, sát hạch và cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Thông tư này.

[...]