Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 41/2009/TT-BNNPTNT về quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 41/2009/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 09/07/2009
Ngày có hiệu lực 23/08/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 41/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MẪU GIỐNG CÂY TRỒNG

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, Phần thứ tư: Quyền đối với giống cây trồng ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc giao nộp, thu thập; duy trì, lưu giữ và sử dụng mẫu giống của giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Bản mô tả chi tiết của giống cây trồng (sau đây gọi là Bản mô tả giống) là tài liệu thể hiện các tính trạng của giống cây trồng theo quy phạm khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và được xác nhận của cơ quan bảo hộ hoặc cơ quan công nhận giống cây trồng mới;

b) Mẫu giống là mẫu hạt giống, cây giống hoặc củ giống có các tính trạng đặc trưng phù hợp với bản mô tả giống, được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền công nhận;

c) Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký công nhận hoặc đơn đăng ký bảo hộ được chấp nhận;

- Giống cây trồng được công nhận để bổ sung vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh hoặc được cấp bằng bảo hộ;

- Giống cây trồng không thuộc các đối tượng nêu trên, nhưng được sản xuất, kinh doanh trên thị trường, bao gồm các giống địa phương.

Điều 4. Giao nộp, thu thập mẫu giống

1. Mẫu giống và hồ sơ mẫu giống

Mỗi giống cây trồng được biết đến rộng rãi có 01 mẫu giống và Hồ sơ mẫu giống gồm Tờ khai kỹ thuật mẫu giống cây trồng theo quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư  này  và Bản mô tả giống theo quy phạm khảo nghiệm DUS của từng loài cây trồng. Mẫu giống và Hồ sơ mẫu giống được giao nộp hoặc thu thập và lưu giữ theo quy định tại Thông tư này.

2. Giao nộp mẫu hạt giống

a) Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc loài nhân giống hữu tính, như quy định dưới đây, phải giao nộp 01 mẫu hạt giống và Hồ sơ mẫu giống cho Cơ quan lưu giữ mẫu hạt giống (sau đây gọi là Cơ quan lưu giữ) được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này:

- Tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận giống cây trồng;

- Tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ giống cây trồng;

- Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được công nhận;

- Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ hoặc được chuyển nhượng, thừa kế bằng bảo hộ giống cây trồng từ tổ chức, cá nhân khác;

- Tổ chức, cá nhân, không thuộc các đối tượng nêu trên, có giống cây trồng đưa vào  sản xuất, kinh doanh.

b) Cơ quan lưu giữ mẫu hạt giống đồng thời cũng là cơ quan khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (khảo nghiệm DUS) của giống cây trồng.

c) Thời điểm giao nộp mẫu hạt giống, tờ khai kỹ thuật và bản mô tả giống (nếu có) quy định như sau:

[...]