Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 40-TC/NN năm 1959 hướng dẫn thi hành biện pháp thu thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 40-TC/NN
Ngày ban hành 27/10/1959
Ngày có hiệu lực 11/11/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-TC/NN

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁCH THI HÀNH BIỆN PHÁP THU THUẾ NÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Kính gửi: - Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh và thành phố

Căn cứ vào Nghị định số 375-TTg ngày 15-10-1959 của Thủ tướng Chính phủ, nay Bộ ra thông tư này nói rõ thêm cách áp dụng cụ thể các địa phương nghiên cứu thi hành.

I. CÁCH TÍNH THUẾ, LẬP SỔ THUẾ VÀ THANH TOÁN THUẾ

A. KÊ KHAI TÍNH THUẾ:

Tại các hợp tác xã cấp thấp cũng như hợp tác xã cấp cao nói chung công việc kê khai, tính thuế vẫn theo đúng những quy định trong điều lệ thuế nông nghiệp hiện hành.

Những điểm cần chú ý trong công việc kê khai tính thuế cho từng nông hộ xã viên:

1. Tất cả ruộng đất của từng nông hộ xã viên đã kê khai tính thuế trước khi vào hợp tác xã (kể cả phần góp vào hợp tác xã và dành lại làm riêng) thì nay vẫn kê khai để tính thuế theo sản lượng đã tuyên bố ổn định.

Những ruộng đất trước đây là ruộng cấy lúa hoặc trồng mầu, nhưng nay hợp tác xã đem sử dụng vào việc khác thuộc trường hợp được miễn giảm thuế thì sau này sẽ tính miễn giảm cho hợp tác xã.

2. Toàn bộ sản lượng ruộng đất của xã viên vẫn tính theo biểu thuế hiện hành nhưng thuế suất tối đa chỉ đến 25%. Như vậy, những nông hộ mà hoa lợi bình quân một nhân khẩu nông nghiệp từ trên 780 cân trở lên đáng lẽ phải chịu thuế theo bậc thuế suất từ 26% trở lên đến 37% nay chỉ tính thuế ở bậc 25% vào toàn bộ sản lượng chịu thuế của nông hộ (kể cả phần để lại làm riêng).

3. Đối với những nông hộ xã viên trước đây có cấy theo ruộng đất vắng chủ nhưng nay đã giao hết cho hợp tác xã (không hưởng hoa lợi) thì hợp tác xã chịu thuế về phần ruộng đất này và tính thuế theo thuế suất bình quân của xã, nhưng tối đa không quá 12%. Nếu ruộng đó đã góp vào hợp tác xã nhưng vẫn hưởng hoa lợi ruộng đất thì nông hộ xã viên phải kê khai, tính thuế theo chế độ cấy thêm (theo thuế suất bình quân của xã như những nông hộ cá thể khác).

Ở hợp tác xã cấp thấp nếu nông hộ xã viên có một phần ruộng đất cho hợp tác xã không thưởng hoa lợi thì nông hộ vẫn phải kê khai tính thuế toàn bộ sản lượng thường niên chịu thuế của nhà mình như thường lệ, để bảo đảm cơ sở tính thuế như cũ, và không mâu thuẫn với cách tính thuế đối với hợp tác xã cấp cao nhưng khi thanh toán thì xã viên chỉ phải chịu phần thuế trên những ruộng mà xã viên có hưởng hoa lợi (sẽ nói rõ ở phần thanh toán thuế cho xã viên).

B. LẬP SỔ THUẾ:

- Để thực hiện việc hợp tác xã thống nhất nộp thuế cho Nhà nước và thanh toán thuế với các nông hộ xã viên, cán bộ phụ trách thuế nông nghiệp xã cùng Ban quản trị hợp tác xã lập sổ thuế riêng và sổ thanh toán cho từng hợp tác xã. Trong số thuế của thôn và xã có thể chỉ ghi những nhân khẩu, diện tích sản lượng và số thuế của toàn hợp tác xã mà không cần ghi riêng từng nông hộ xã viên.

- Số thuế ghi thu của hợp tác xã gồm có:

Tổng số thuế của các nông hộ xã viên cộng lại (kể cả số thuế về phần ruộng đất làm riêng, ruộng đất cấy thêm).

Số thuế tính vào các loại ruộng đất dự trữ, vắng chủ v.v… (kể cả ruộng đất cấy thêm của xã viên đưa vào hợp tác xã mà không hưởng hoa lợi ruộng đất) do tập thể hợp tác xã cày cấy.

Thí dụ: Hợp tác xã A gồm có 35 nông hộ. Số thuế ghi thu của 35 nông hộ cộng lại được 12 tấn. Ngoài ra tập thể hợp tác xã có cấy thêm một mẫu ruộng vắng chủ, sản lượng là 1.400 cân và số thuế của số ruộng cấy thêm này là 168 cân (tạm tính theo thuế suất bình quân của xã là 12% 1.400 x 12% = 168c).

Vậy số thuế ghi thu của hợp tác xã A là:

12.000 + 168c = 12.168 cân

- Sau khi đã có thuế ghi thu của hợp tác xã, hợp tác xã cấp thấp được trích 3% và hợp tác xã cấp cao được tính 5% tổng số thuế ghi thu của hợp tác xã để bỏ vào quỹ hợp tác xã dùng vào những việc có lợi ích chung trong hợp tác xã; số còn lại do hợp tác xã chuyển vào kho thóc của Nhà nước sau khi trừ các khoản giảm miễn khác nếu có. Ban thuế nông nghiệp xã cấp biên lai cho hợp tác xã mà không trực tiếp biên nhận thuế của từng nông hộ xã viên.

C. TÍNH PHẦN THUẾ CỦA XÃ VIÊN PHẢI CHỊU VÀ THANH TOÁN THUẾ GIỮA HỢP TÁC XÃ VÀ XÃ VIÊN:

Đối với hợp tác xã cấp thấp:

“Nông hộ xã viên hợp tác xã cấp thấp chịu thuế về phần ruộng đất để lại làm riêng và chịu từ 40% đến 50% số thuế về phần ruộng đất góp vào hợp tác xã”.

Căn cứ vào quy định trên, cách tính phần thuế của nông hộ xã viên phải chịu có nhiều trường hợp khác nhau như sau:

1. Đối với nông hộ xã viên đã vào hợp tác xã cả năm thì số thuế phải chịu gồm có:

- Thuế về phần sản lượng ruộng đất để lại làm riêng, tính bằng cách nhân sản lượng này với thuế suất của nông hộ.

[...]