Thông Tư 40-TATC-1976 Về chế độ án phí, lệ phí và cấp phí thi hành tại các toà án nhân dân do Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao ban hành

Số hiệu 40-TATC
Ngày ban hành 01/06/1976
Ngày có hiệu lực 01/10/1976
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Phạm Văn Bạch
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Thủ tục Tố tụng

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-TATC

Hà Nội , ngày 01 tháng 06 năm 1976 

 

THÔNG TƯ 

VỀ CHẾ ĐỘ ÁN PHÍ, LỆ PHÍ VÀ CẤP PHÍ THI HÀNH TẠI CÁC TOÀ ÁN NHÂN DÂN.

Từ trước tới nay, về chế độ án phí, lệ phí và cấp phí tại các toà án nhân dân, những văn bản sau đây đã được ban hành: sắc lệnh số 113 ngày 28-06-1946; các Thông tư liên bộ Tư pháp – Tài chính chính số 3-TT/VHC ngày 22-06-1955; số 27-TTLB và số 28-TT/LB cùng ngày 11-06-1958.

Hiện nay, chỉ còn hai văn bản sau (Thông tư liên bộ số 27-TT/LB về lệ phí cấp phát giấy tờ và Thông tư liên bộ số 28-TT/LB về cấp phí cho nhân chứng về hình sự) là còn đang được thi hành, nhưng việc thi hành cũng không được đầy đủ và thống nhất: nhiều toà án nhân dân không cấp bản toàn sao án hay quyết định theo yêu cầu chính đáng của bị cáo hay đương sự; một số toà an cấp phát giấy tờ mà không thu lệ phí; cách tính cấp phí cho nhân chứng không được thống nhất giữa các toà án nhân dân,v.v…

Mặt khác, công tác xét xử và thi hành án trong những năm gần đây cho thấy là nhiều việc kiện vô căn cứ xảy ra ở nhiều nơi; trong nhiều việc kiện dân sự, nguyên đơn được triệu tập nhiều lần đến toà án để hoà giải hoặc điều tra nhưng nếu vắng mặt không có lý do chính đáng, toà án phải ra quyết định tạm xếp việc kiện; việc thi hành một số án dân sự hoặc án hình sự về khoản tiền phạt hay bồi thường thiệt hại cũng thường gặp nhiều khó khăn, gây phí tổn không cần thiết cho toàn án và cho các đương sự khác. Tình hình nói trên sẽ được hạn chế nếu chúng ta có một chế độ án phí, lệ phí hợp lý.

Do đó, xuất phát từ đường lối chính sách của Nhà nước ta, rút kinh doanh nghiệm việc thi hành các văn bản đã quy định về vấn đề này và đối chiếu với yêu cầu của thực tiễn tình hình hiện nay, Toà án nhân dân tối cao sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính chính, ra Thông tư này hướng dẫn thi hành một chế độ án phí, lệ phí và cấp phí được xây dựng một cách tương đối đầy đủ, có hệ thống và hợp lý hơn.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VÀ TÍNH CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ ÁN PHÍ, LỆ PHÍ VÀ CẤP PHÍ CỦA TA

Do lỗi của bị cáo hay của đương sự hoặc vì lợi ích riêng của đương sự mà toà án nhân dân phải tiến hành xét xử các án kiện. Bị cáo hay đương sự phải chịu án phí, lệ phí là một việc hoàn toàn hợp lý, phù hợp với chính sách tài chính của Nhà nước ta.

Mặt khác, chế độ án phí, lệ phí còn có tác dụng buộc các đương sự phải suy nghĩ chín chắn trước khi đi kiện và phải thực hiện đúng đắn những nghĩa vụ của mình, ngăn ngừa việc kiện dân sự vô căn cứ, việc cố tình kéo dài tố tụng hoặc không thi hành nghiêm chỉnh những quyết định của toà án nhân dân.

Trong tình hình luật lệ và thủ tục tố tụng của ta còn chưa đầy đủ, trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân ở một số nơi nói chung còn bị hạn chế, chế độ án phí, lệ phí phải đơn giản, dễ tính. Trong khi đời sống của nhân dân ta còn có nhiều khó khăn, việc thu án phí, lệ phí chỉ nhằm buộc các đương sự, bị cáo phải chịu một phần chi phí về tố tụng, còn một phần nữa vẫn phải do Nhà nước chịu. Do đó, số thu chỉ nên có mức độ hợp lý để vừa bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân về quan hệ tố tụng, vừa không hạn chế những hành vi tố tụng chính đáng của họ.

 

II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA CHẾ ĐỘ ÁN PHÍ, LỆ PHÍ VÀ CẤP PHÍ

A. ÁN PHÍ

Đó là số tiền mà đương sự hay bị cáo phải nộp cho công quỹ khi vụ kiện dân sự hoặc vụ án hình sự đã được giải quyết bằng các hình thức như: toàn án đã xét xử và bản án về dân sự hoặc hình sự đã có hiệu lực pháp luật; toà án ra quyết định công nhân việc hoà giải thành về dân sự và quyết định đã có hiệu lực pháp luật; toà án quyết định xếp vụ kiện, v.v…

1. Án phí dân sự: gồm có án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm.

a) Án phí dân sự sơ thẩm:

Mức án phí (tức số tiền án phí phải chịu) được tính căn cứ chủ yếu vào chi phí trung bình về việc lập hồ sơ, giấy tờ…tùy theo mức độ đơn giản hoặc phức tạp của vụ kiện; nếu phải chi phí nhiều hơn thì cũng không thu cao hơn. Mức án phí dân sự sơ thẩm:

- Đối với việc kiện về hôn nhân và gia đình (dù có cả yêu cầu về chia tài sản trong vụ kiện xin ly hôn) hoặc vụ kiện không có giá ngạch là 10đ;

- Đối với vụ kiện về tài sản (tức có giá ngạch), nếu giá ngạch việc kiện dưới 500đ, là 10đ; nếu giá ngạch việc kiện từ 500đ đến 1000đ, là 15đ; nếu giá ngạch việc kiện trên 1000đ thì thu 1,5% của giá ngạch.

Giá ngạch việc kiện được ấn định:

- Trong việc kiện đòi tiền là theo số tiền đó;

- Trong việc kiện đòi tài sản là theo trị giá tài sản đó;

- Trong việc kiện đòi tiền bồi thường thiệt hại là theo số tiền đòi bồi thường;

- Trong việc kiện đòi cấp dưỡng là theo tổng số các khoản cấp dưỡng trong một năm;

- Trong việc kiện đòi chia tài sản chung hoặc di sản chung là theo trị giá của phần nguyên đơn đòi được hưởng trong tài sản chung hoặc trong di sản chung;

- Trong việc kiện xin hủy bỏ trước thời hạn hợp đồng thuê mướn tài sản là theo tổng số các khoản phải trả cho việc sử dụng tài sản trong thời gian còn lại của hợp đồng, nhưng không quá 3 năm. Thí dụ: người cho thuê nhà kiện xin hủy hợp đồng cho thuê trước kỳ hạn là 7đ và người thuê còn phải trả thêm tiền điện thế, nước là 3đ mỗi tháng thì giá ngạch của vụ kiện này là (7đ + 3đ) x 36 tháng = 360 đồng.

Giá ngạch việc kiện là do nguyên đơn nêu lên. Trường hợp giá ngạch nêu lên không phù hợp với trị giá thực sự của tài sản tranh chấp thì giá ngạch việc kiện sẽ do thẩm phán ấn định. Nếu có khó khăn trong việc định giá ngạch khi việc kiện được khởi tố thì thẩm phán được tạm ấn định mức án phí và sau đó mức án phí sẽ được thu đúng với giá ngạch việc kiện mà toà án sẽ định khi giải quyết vụ kiện.

Việc tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm:

[...]