Thông tư 39/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ bay quét LiDAR do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 39/2014/TT-BTNMT
Ngày ban hành 03/07/2014
Ngày có hiệu lực 18/08/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Linh Ngọc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2014/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT THÀNH LẬP MÔ HÌNH SỐ ĐỘ CAO BẰNG CÔNG NGHỆ BAY QUÉT LIDAR

Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ bay quét LiDAR.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các yêu cầu kỹ thuật trong việc thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ bay quét LiDAR.

Trường hợp có yêu cầu kết hợp chụp ảnh số trong quá trình bay quét LiDAR, việc thành lập bình đồ ảnh số sẽ thực hiện theo quy định kỹ thuật tại Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation): là công nghệ/thiết bị khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích.

2. LiDAR (Light Detection And Ranging): là công nghệ đo khoảng cách bằng tia laser.

3. DEM (Digital Elevation Model): là mô hình số độ cao, thể hiện độ cao của bề mặt địa hình.

4. DSM (Digital Surface Model): là mô hình số bề mặt, thể hiện lớp trên cùng của bề mặt trái đất nhìn được từ trên xuống.

5. Bình đồ ảnh số: là tên gọi chung của sản phẩm ảnh số đã được hiệu chỉnh ảnh hưởng do chênh cao địa hình, được định vị trong hệ tọa độ của bản đồ cần thành lập, được lấy mẫu lại phù hợp với tỷ lệ bản đồ cần thành lập, được cắt, ghép theo mảnh bản đồ và được đặt tên theo phiên hiệu của mảnh bản đồ tương ứng.

6. EGM2008 (Earth Gravitational Model 2008): là mô hình trọng lực Trái đất năm 2008 do Mỹ công bố, thường hay được gọi là mô hình geoid toàn cầu 2008.

7. IMU (Inertial Measurement Unit): là bộ đo quán tính, gồm cụm thiết bị đo gia tốc và góc xoay trong không gian.

8. GNSS (Global Navigation Satellite System): là tên dùng chung cho các hệ thống định vị toàn cầu sử dụng vệ tinh như GPS (Mỹ), hệ thống định vị Galileo (Liên minh châu Âu) và GLONASS (Liên bang Nga), Beidou (Trung Quốc)...

9. PDOP (Position Dilution Of Precision): là chỉ số suy giảm độ chính xác, thể hiện một chỉ số của độ chính xác định vị 3 chiều do kết quả của vị trí tương đối của các vệ tinh GPS/GNSS tương đối với một máy thu GPS/GNSS.

10. WGS-84 (World Geodetic System 1984): là hệ Trắc địa Thế giới 1984, bao gồm các số liệu về khung tham chiếu tọa độ Trái đất, ellipsoid tham chiếu, mặt geoid được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 1984.

11. GRID: là định dạng đặc biệt dùng để lưu trữ mô hình số độ cao và mô hình số bề mặt ở dạng lưới ô vuông, có thể ở dạng file mã nhị phân (binary), hoặc file mã ASCII (American Standard Code for Information Interchange - Mã chuẩn Mỹ về trao đổi thông tin).

12. GeoTIFF: là định dạng đặc biệt dùng để lưu trữ dữ liệu ảnh số kèm theo các thông tin định vị địa lý của tấm ảnh.

13. GNSS Base station: là trạm GNSS cơ sở, một máy thu GNSS đặt tại một điểm đã biết tọa độ chính xác, được sử dụng để phân phối thông tin cải chính cho các máy thu GNSS di động xung quanh với phạm vi nhất định trong các phép đo GNSS phân sai xử lý sau (Post Processing Differential GNSS) hoặc đo GNSS phân sai theo thời gian thực (Real Time DGNSS).

[...]