Thông tư 39/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Điều 12 Nghị định 39/2003/NĐ-CP hướng dẫn Bộ Luật lao động về việc làm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 39/2009/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 18/11/2009
Ngày có hiệu lực 02/01/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thanh Hoà
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 39/2009/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU 12 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 39/2003/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ VIỆC LÀM

Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Căn cứ Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp;
Căn cứ Nghị định 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Điều 12 của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm (sau đây được viết tắt là Nghị định số 39/2003/NĐ-CP) như sau:

Điều 1. Mức trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

1. Công thức tính trợ cấp mất việc làm:

Tiền trợ cấp mất việc làm

=

Số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm

x

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm

x

01

Trong đó:

- Số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm (được tính theo năm) được xác định là tổng thời gian người lao động làm việc liên tục cho người sử dụng lao động đó được tính từ khi bắt đầu làm việc đến khi người lao động bị mất việc làm, trừ đi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động có tháng lẻ (kể cả trường hợp người lao động có thời gian làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên nhưng tổng thời gian làm việc tính trợ cấp mất việc làm dưới 12 tháng) thì được làm tròn như sau:

+ Dưới 01 (một) tháng không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm;

+ Từ đủ 01 (một) tháng đến dưới 06 (sáu) tháng được làm tròn thành 06 (sáu) tháng làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm bằng 1/2 (nửa) tháng lương;

+ Từ đủ 06 (sáu) tháng trở lên được làm tròn thành 01 (một) năm làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm bằng 01 (một) tháng lương.

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 06 tháng liền kề của người lao động trước khi bị mất việc làm, bao gồm: tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

- 01 (một) là một tháng lương cho mỗi năm làm việc.

- Mức trợ cấp việc làm thấp nhất bằng 02 (hai) tháng lương, trừ trường hợp thời gian để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động làm dưới 01 (một) tháng.

2. Trợ cấp mất việc làm khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp:

Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ không được tính hưởng trợ cấp mất việc làm. Tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi mất việc làm, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

2. Cách tính trợ cấp mất việc làm được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 (ngày Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ có hiệu lực thi hành).

3. Không áp dụng cách tính trợ cấp mất việc làm quy định tại Thông tư này để tính lại trợ cấp mất việc làm đối với những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ LĐTBXH;
- Lưu VP, Cục Việc làm.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hòa

 

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ