Thông tư 376-TC/NHKT/TT năm 1961 quyết định tiến hành công tác cho vay ngắn hạn về kiến thiết cơ bản do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 376-TC/NHKT/TT
Ngày ban hành 15/06/1961
Ngày có hiệu lực 30/06/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH
*******

Số: 376-TC/NHKT/TT

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày15 tháng 06 năm 1961

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC QUYẾT ĐỊNH TIẾN HÀNH CÔNG TÁC CHO VAY NGẮN HẠN VỀ KIẾN THIẾT CƠ BẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

Các ông Bộ trưởng các Bộ.
Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các thành phố, tỉnh, khu tự trị.
Các ông Giám đốc và Trưởng ty các Sở, Ty Tài chính .
Các ông Trưởng chi hàng và Trưởng phòng cấp phát vốn kiến thiết cơ bản .

 

Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt y bản “Thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn về kiến thiết cơ bản” (công văn số 1527-TN ngày 17-05-1961 kèm theo).

Căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam tiến hành công tác cho vay ngắn hạn về kiến thiết cơ bản kể từ tháng 06-1961.

Chúng tôi đề nghị:

1. Các Bộ và các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính phổ biến cho các đơn vị trực thuộc ở các địa phương biết tinh thần và nội dung của thể lệ cho vay này, để cùng với các Chi hàng các Phòng cấp phát ở địa phương đảm bảo thi hành tốt (kèm theo 2 bản giải thích: Về ý nghĩa tác dụng của việc cho vay Kiến thiết cơ bản, sự cần thiết phải tổ chức việc cho vay kiến thiết cơ bản và về những nét chính trong các điều khoản của thể lệ cho vay).

2. Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, khu tự trị dựa theo bản thể lệ này giám sát việc chấp hành các điều khoản của các đơn vị ở địa phương nhất là việc sử dụng vốn vay, giám sát việc thi hành các thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt, việc thu nộp tiền nhàn rỗi về kiến thiết cơ bản để Ngân hàng Kiến thiết có thêm nhiều vốn đảm bảo yêu cầu vốn của các đơn vị cần vay.

3. Các Sở, Ty Tài chính nhất là những nơi có Phòng cấp phát vốn kiến thiết cơ bản, các chi hàng và các phòng cấp phát, tổ chức cho cán bộ trong cơ quan học tập kỹ tinh thần và nội dụng bản thể lệ và thông tư hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể của Ngân hàng Kiến thiết trung ương để thi hành cho đúng.

Bộ Tài chính dự định cho tiến hành dần việc cho vay ở các địa phương để rút kinh nghiệm rồi phổ biến rộng rãi cho các nơi; kế hoạch tiến hành như sau:

- Tháng 06 làm thí điểm ở Hà Nội, kể cả ở Ngân hàng Kiến thiết trung ương và Chi hàng Hà Nội.

- Tháng 07 hoặc tháng 08 thi hành ở một số tỉnh lớn.

- Đến quý IV thi hành ở các tỉnh khác.

Khi nào địa phương nhận được chỉ thị của Bộ Tài chính (hoặc của Ngân hàng kiến thiết trung ương) thì sẽ tổ chức phổ biến cho các đơn vị theo kế hoạch hướng dẫn trong thông tư về nghiệp vụ của Ngân hàng Kiến thiết trung ương.

Trong khi nghiên cứu hoặc thi hành thể lệ này, nếu các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính và các Sở, Ty Tài chính, Chi hàng Kiến thiết địa phương thấy có điểm nào chưa rõ hoặc gặp khó khăn gì trong việc thi hành thì cho Bộ Tài chính (hay Ngân hàng Kiến thiết trung ương) biết để giải thích thêm hay giúp ý kiến giải quyết nếu cần.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

 

BẢN GIẢI THÍCH 1

Ý NGHĨA TÁC DỤNG CỦA VIỆC CHO VAY KIẾN THIẾT CƠ BẢN VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI TỔ CHỨC VIỆC CHO VAY KIẾN THIẾT CƠ BẢN

1. Vốn kiến thiết cơ bản do Ngân sách Nhà nước cấp cho các công trình kiến thiết cơ bản, đại bộ phận là cấp qua Ngân hàng kiến thiết, nhưng thông thường các công trình được Nhà nước cấp vốn không cần dùng ngay một lúc tất cả số vốn được cấp; mặt khác việc Nhà nước quy định chế độ thanh toán không dùng tiền mặt và bắt buộc mọi việc thanh toán về kiến thiết cơ bản đều phải qua Ngân hàng Kiến thiết, làm cho Ngân hàng Kiến thiết tập trung được các tài khoản kết toán của tất cả các đơn vị kiến thiết cơ bản, do đó Ngân hàng Kiến thiết tạm thời giữ một số vốn nhàn rỗi khá lớn và ngày càng lớn theo đà phát triển của công tác kiến thiết cơ bản.

Để sử dụng số vốn tạm thời nhàn rỗi này bổ sung cho số cấp phát vốn dự toán, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ xây dựng kiến thiết cơ bản, điều 2 Nghị định số 177-TTg ngày 26-04-1957 thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã cho phép Ngân hàng kiến thiết được: “Cho các xí nghiệp nhận thầu quốc doanh (kể cả địa phương) vay ngắn hạn theo kế hoạch cho vay đã được Chính phủ duyệt”.

2. Mấy năm qua Ngân hàng Kiến thiết chưa tổ chức việc cho vay, một phần là do trong bước đầu xây dựng, bộ máy Ngân hàng Kiến thiết còn yếu, cán bộ còn non, phải vừa làm việc vừa rút kinh nghiệm, phải tập trung lực lượng vào việc thi hành nhiệm vụ cấp phát và kết toán vốn kiến thiết cơ bản, mặt khác do công tác kiến thiết cơ bản chưa phát triển nhiều, nhu cầu về vốn của các công trình kiến thiết cơ bản, các xí nghiệp xây lắp và cung ứng kiến thiết cơ bản đều do ngân sách Nhà nước phụ trách giải quyết đầy đủ, cho nên việc cho vay ngắn hạn về kiến thiết cơ bản chưa cần thiết phải đặt ra.

Ngày nay, trước tình hình phát triển ngày càng mạnh của công tác kiến thiết cơ bản, trước yêu cầu tăng cường giám đốc công tác kiến thiết cơ bản, Nhà nước đã ban hành và đang chuẩn bị ban hành một số chế độ mới nhằm thúc đẩy quản lý vốn kiến thiết cơ bản chặt chẽ hơn. Các chế độ này (chế độ hợp đồng kinh tế, thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt, chế độ cấp vốn lưu động cho các xí nghiệp nhận thầu và cung tiêu kiến thiết cơ bản, v.v…) được thi hành, sẽ tạo ra một tình hình mới và những yêu cầu mới về vốn cần được giải quyết:

a) Việc thực hiện chế độ cấp vốn cho xí nghiệp xây lắp và xí nghiệp cung ứng sẽ làm cho các khoản tạm ứng để dự trữ vật liệu chính của bên A cấp cho bên B, cũng như khoản vốn lưu động tự có Nhà nước cấp cho bên B và xí nghiệp cung ứng phải được tính toán chặt chẽ và cấp theo nhu cầu bình quân hàng quý. Nhưng công tác kiến thiết cơ bản là loại công tác chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết, cho nên có nhiều lúc khoản vốn để dự trữ vật liệu chính cũng như vốn lưu động nói chung lại cần phải vượt quá mức bình quân rất nhiều. Để đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước được ổn định những nhu cầu đột xuất, như vậy không thể giải quyết bằng cấp phát của dự toán Nhà nước được mà phải giải quyết bằng biện pháp tín dụng ngắn hạn tức là bằng cách vay vốn của Ngân hàng Kiến thiết.

b) Thi hành thể lệ thanh toán qua Ngân hàng Kiến thiết không dùng tiền mặt, các xí nghiệp xâp lắp, xí nghiệp cung ứng, khi giao giấy tờ để đòi thanh toán tiền xây dựng công trình hay tiền nhượng bán nguyên vật liệu, thiết bị, v.v… thì chưa nhận được tiền ngay mà phải đợi một thời gian nhất định mới được thanh toán. Nếu những xí nghiệp này muốn có vốn để tiếp tục hoạt động thì phải đi vay vốn của Ngân hàng Kiến thiết.

[...]