Thông tư 36-TT/PC-1986 hướng dẫn công tác thanh tra chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế do Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành

Số hiệu 36-TT/PC
Ngày ban hành 16/09/1986
Ngày có hiệu lực 16/09/1986
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Trọng tài kinh tế Nhà nước
Người ký Tô Duy
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thủ tục Tố tụng

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-TT/PC

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 1986

 

THÔNG TƯ

CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 36-TT/PC NGÀY 16-9-1986 HƯỚNG DẪN VỀ CÔNG TÁC THANH TRA CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Để thực hiện quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng, Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn và quy định cụ thể về công tác thanh tra chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế (dưới đây gọi tắt là thanh tra hợp đồng kinh tế) như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mục đích, yêu cầu thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế.

Hợp đồng kinh tế có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở. Nó đã được quy định thành chế độ bắt buộc: "Mọi hoạt kinh tế có liên quan giữa các đơn vị kinh tế với nhau ... đều phải ký kết hợp đồng" (điều 1 quy định tạm thời), và "việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế phải theo đúng các quy định của pháp luật" (điều 2 quy định tạm thời).

Để bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế, đòi hỏi một mặt các cơ quan chủ quản phải làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị cơ sở trực thuộc trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, mặt khác các cơ quan trọng tài kinh tế phải tăng cường công tác "thanh tra, kiểm tra hợp đồng kinh tế ở các đơn vị, tổ chức và hộ kinh doanh tư nhân" (điều 14 quy định tạm thời) theo đúng chức năng Nhà nước quy định.

Trọng tài kinh tế tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở các đơn vị cơ sở với những yêu cầu sau đây:

a) Phát hiện và uốn nắn kịp thời những sai sót, góp phần tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, tích cực phòng ngừa vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan ở các đơn vị kinh tế cơ sở.

b) Khi có dấu hiệu vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế, đi sâu tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp xử lý cần thiết, kịp thời ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực trong các hoạt động kinh tế, tăng cường kỷ luật Nhà nước, tăng cường quản lý kinh tế, bảo đảm chế độ hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh.

2. Đối tượng thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế.

Căn cứ vào điều 1 và điều 14 của bản quy định tạm thời, thì đối tượng thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế bao gồm các đơn vị kinh tế cơ sở (xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, liên hiệp các xí nghiệp, công ty, tổng công ty của quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh, hợp tác xã các loại và các tổ chức kinh tế tập thể khác), các cơ quan Nhà nước; các đơn vị vũ trang; các đoàn thể và tổ chức xã hội; các hộ tư nhân được phép kinh doanh và có tài khoản ở Ngân hàng có quan hệ hợp đồng với Nhà nước (sau đây gọi chung là các đơn vị kinh tế cơ sở).

Công tác thanh tra hợp đồng kinh tế nói chung được tiến hành ở các đơn vị có đủ tư cách pháp nhân; tuy nhiên đối với các đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ - tư cách pháp nhân chưa đầy đủ như các xí nghiệp trong các xí nghiệp liên hợp, các chi nhánh trực thuộc tổng công ty..., Trọng tài kinh tế vẫn có thể trực tiếp tiến hành thanh tra, nhưng phải coi đơn vị kinh tế chủ quản (xí nghiệp liên hợp, tổng công ty.. . ) là đối tượng thanh tra. Riêng đối với hợp tác xã các loại, các tổ chức kinh tế tập thể khác và các hộ tư nhân thì việc thanh tra chủ yếu tập trung vào những hợp đồng kinh tế có liên quan đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hợp đồng kinh tế.

a) Nhiệm vụ thanh tra hợp đồng kinh tế.

Nhiệm vụ thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế đối với các đơn vị kinh tế cơ sở bao gồm:

- Thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của chế độ hợp đồng kinh tế như không được trì hoãn, từ chối ký kết hợp đồng kinh tế, bảo đảm phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước; hợp đồng ký kết phải hợp pháp; phải thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký.

- Thanh tra việc chấp hành các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan đến nội dung của từng bản hợp đồng kinh tế như về số lượng phải đúng với chỉ tiêu kế hoạch, đúng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao; chất lượng ghi trong hợp đồng phải đúng với tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật hoặc quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; giá cả ghi trong hợp đồng phải đúng với giá quy định hoặc chính sách, nguyên tắc giá của Nhà nước; địa điểm giao nhận phải đúng với quy định của Nhà nước, thời gian, tiến độ giao nhận phải quy định rõ ràng; trách nhiệm của các bên chủ thể trong việc thực hiện hợp đồng phải được xác định rõ. Tóm lại, các điều khoản ghi trong mỗi bản hợp đồng và việc chấp hành các điều khoản đó phải bảo đảm phù hợp với chính sách, chế độ của Nhà nước, bảo đảm bình đẳng về nghĩa vụ và ràng buộc về trách nhiệm vật chất của các bên ký kết hợp đồng.

- Qua thanh tra hợp đồng kinh tế, góp phần thiết thực giúp các đơn vị kinh tế cơ sở quán triệt đầy đủ các quy định về hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan để chấp hành nghiêm chỉnh.

b) Quyền hạn của Trọng tài kinh tế khi tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế.

Căn cứ vào những quy định hiện hành của Nhà nước, khi tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế, các cơ quan Trọng tài kinh tế có những quyền hạn sau đây:

- Yêu cầu đơn vị kinh tế là đối tượng thanh tra, các đơn vị kinh tế và các cơ quan chuyên môn liên quan cung cấp các tài liệu, số liệu cần thiết phục vụ cho việc thanh tra hợp đồng kinh tế.

- Yêu cầu đơn vị kinh tế là đối tượng thanh tra và các đơn vị kinh tế liên quan có biện pháp khắc phục những sai sót, vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế. Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh tế là đối tượng thanh tra ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

- Đưa ra cơ quan Trọng tài kinh tế có thẩm quyền xét xử đối với đơn vị kinh tế là đối tượng thanh tra hoặc các đơn vị kinh tế liên quan vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế đã làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước hoặc làm thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa.

- Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khen thưởng những cá nhân có thành tích đóng góp vào việc thanh tra hợp đồng hoặc vào việc thực hiện tốt chế độ hợp đồng kinh tế, thi hành kỷ luật hành chính đối với những cá nhân cản trở, trì hoãn công việc thanh tra hợp đồng kinh tế hoặc có nhiều sai phạm trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

- Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định về hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan, nếu xét thấy cần thiết.

4. Về tình hình thanh tra hợp đồng kinh tế.

Để bảo đảm công tác thanh tra hợp đồng kinh tế đạt hiệu quả cao, vừa phục vụ tốt nhiệm vụ quản lý chế độ hợp đồng kinh tế, vừa phục vụ tốt công tác xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế, công tác thanh tra hợp đồng kinh tế của các cơ quan Trọng tài kinh tế được tiến hành dưới hai hình thức.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ