Thông tư 34/2016/TT-BTTTT về Quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ Cố định băng tần 57-66 GHz do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 34/2016/TT-BTTTT
Ngày ban hành 26/12/2016
Ngày có hiệu lực 10/02/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Trương Minh Tuấn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2016/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

VỀ QUY HOẠCH PHÂN KÊNH TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN CHO NGHIỆP VỤ CỐ ĐỊNH BĂNG TẦN 57-66 GHz

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư về Quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ Cố định băng tần 57-66 GHz.

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ Cố định băng tần 57-66 GHz kèm theo các quy định sử dụng kênh tần số tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thông tư này áp dụng đối với những đối tượng sau:

a) Tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ cố định băng tần 57-66 GHz tại Việt Nam;

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh để sử dụng tại Việt Nam thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ cố định băng tần 57-66 GHz.

3. Thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện không thuộc phạm vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kênh tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là kênh tần số) là dải tần số vô tuyến điện được xác định bằng độ rộng và tần số trung tâm của kênh tần số hoặc các thông số đặc trưng khác.

2. Nghiệp vụ Cố định là nghiệp vụ thông tin vô tuyến giữa các điểm cố định đã xác định trước.

3. Song công là phương thức khai thác mà truyền dẫn được thực hiện đồng thời theo hai chiều của một kênh thông tin.

4. Ghép kênh song công phân chia theo tần số (Frequency Division Duplex - FDD) là phương pháp ghép song công trong đó truyền dẫn đường lên và đường xuống sử dụng hai tần số riêng biệt.

5. Ghép kênh song công phân chia theo thời gian (Time Division Duplex - TDD) là phương pháp ghép song công trong đó truyền dẫn đường lên và đường xuống được thực hiện trên cùng một tần số bằng cách sử dụng các khe thời gian luân phiên.

6. Hệ thống vi ba là hệ thống thông tin vô tuyến thuộc nghiệp vụ cố định khai thác trong dải tần trên 30MHz, sử dụng truyền lan tầng đối lưu và thông thường bao gồm một hoặc nhiều đài vô tuyến điện chuyển tiếp.

7. Liên lạc điểm-điểm (áp dụng cho hệ thống vi ba) là tuyến liên lạc giữa hai đài vô tuyến điện đặt tại hai điểm cố định xác định.

8. Phân kênh tần số là việc sắp xếp các kênh tần số trong cùng một đoạn băng tần, được xác định bằng các tham số cơ bản bao gồm tần số trung tâm, khoảng cách giữa hai kênh lân cận, khoảng cách tần số thu phát.

Điều 3. Mục tiêu quy hoạch

1. Thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số, thống nhất tiêu chuẩn cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện, hạn chế nhiễu có hại giữa các thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện và giữa các mạng thông tin vô tuyến, đồng thời đáp ứng nhu cầu truyền dẫn tốc độ cao bằng vô tuyến trong băng tần 57-66 GHz.

2. Làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam; giúp cho cơ quan quản lý sắp xếp trật tự sử dụng phổ tần và quản lý phổ tần hiệu quả, hợp lý.

Điều 4. Nguyên tắc quy hoạch

1. Tuân theo Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang có hiệu lực thi hành.

[...]