Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 32-BTC/ĐT năm 1993 hướng dẫn quản lý, cấp phát, cho vay vốn NSNN đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 32-BTC/ĐT
Ngày ban hành 07/04/1993
Ngày có hiệu lực 01/01/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Đầu tư,Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-BTC/ĐT

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 1993

 

THÔNG TƯ

SỐ 32-BTC/ĐT NGÀY 7-4-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN QUẢN CẤP PHÁT VÀ CHO VAY VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG ĐẤT TRỐNG, ĐÒI NÚI TRỌC, RỪNG, BÃI BỒI VEN BIỂN VÀ MẶT NƯỚC

Căn cứ Quyết định số 327-CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về một số chủ trương chính sách sử dụng sử dụng đất trống, đòi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; sau khi thoả thuận với các cơ quan Nhà nước có liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát và cho vay vốn (bao gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp kinh tế) của ngân sách Nhà nước cho chương trình, các dự án sử dụng đất trống, đòi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước thuộc QĐ 327/CT theo kế hoạch được duyệt hàng năm như sau:

Phần 1:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Ngân sách Nhà nước cấp phát và cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp kinh tế (sau đây gọi tắt là vốn đầu tư) đối với các chương trình hoặc dự án (sau đây gọi tắt là dự án) sử dụng đất trống, đòi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước chưa được sử dụng; đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Nhà nước giao kế hoạch hàng năm cho các ngành và các địa phương.

2. Vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm cho các dự án (không phân biệt cơ quan chủ quản dự án Bộ hay tỉnh, không phân biệt chủ dự án mới hoặc chủ dự án là giám đốc Nông - Lâm - Ngư trường) được cân đối trong ngân sách trung ương và do Bộ Tài chính quản lý cấp phát, cho vay qua hệ thống Kho bạc Nhà nước cho chủ dự án để triển khai thực hiện kịp thời vụ và thanh toán theo khối lượng hoàn thành các công việc được duyệt của dự án.

3. Chủ dự án (do chủ quản dự án quyết định) được trực tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Chủ quản dự án là đơn vị quản lý cấp trên của chủ dự án. Chủ quản dự án là đơn vị quản lý cấp trên của chủ dự án (dự án thuộc địa phương quản lý thì chủ quản dự án là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; dự án thuộc các ngành trung ương quản lý thì chủ quản dự án là các Bộ chủ quản chuyên ngành).

Chủ quản dự án, chủ dự án chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng vốn đầu tư của các dự án đúng mục đích, có hiệu quả theo kế hoạch và nội dung dự án được duyệt; chấp hành đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành và những quy định tại Thông tư này.

Phần 2:

CẤP PHÁT VÀ CHO VAY VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN

I- ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG, TRÌNH TỰ LẬP, XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH CẤP PHÁT VÀ CHO VAY VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN

1. Đối tượng, phạm vi, nội dung dự án được ngân sách trung ương cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

1.1. Các dự án định canh định cư được ngân sách trung ương cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện các công việc: khai hoang, cải tạo đồng ruộng; xây dựng điện hạ thế, thuỷ điện nhỏ (nếu có); công trình thuỷ lợi và nước ăn nơi thật cần thiết; giao thông, trường học, trạm xã v.v.. . phục vụ trực tiếp cho vùng dự án để đồng bào các dân tộc định canh, định cư ổn định cuộc sống lâu dài.

1.2. Đối với các dự án: nông - lâm - công nghiệp; lâm - nông - công nghiệp; nuôi trồng thuỷ sản được ngân sách trung ương cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện các công việc:

- Trồng, khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ rừng đặc dụng (gồm cả vườn quốc gia, rừng bảo tồn thiên nhiên, rừng di tích lịch sử văn hoá, vườn thực vật).

- Hệ thống đê bao, cống chính (ở bãi bồi ven sông, ven biển); công trình thuỷ lợi, giao thông, nước ăn nơi thật cần thiết; điện hạ thế và thuỷ điện nhỏ (nếu có); trường học, trạm xá v.v. . . phục vụ trực tiếp cho vùng dự án.

2. Đối tượng, nội dung các công việc trong dự án được ngân sách trung ương cấp phát bằng vốn sự nghiệp kinh tế:

2.1. Đối với công tác chuyển, đón dân được ngân sách trung ương cấp phát bằng vốn sự nghiệp kinh tế (theo định suất do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định) bao gồm chi phí đi đường, hỗ trợ lán trại, lương thực để ăn 3 hoặc 6 tháng (bình quân 2 triệu đồng/hộ). Đối với đồng bào định canh định cư được ngân sách trung ương hỗ trợ vốn sự nghiệp kinh tế về khai hoang, công cụ sản xuất, phân, giống, thuốc trừ sâu ban đầu.

2.2. Về công tác quản lý dự án:

Hàng năm căn cứ vào tổng mức vốn đầu tư cho các dự án thuộc chương trình 327 đã được Nhà nước phê duyệt cho các Bộ và địa phương; ngân sách trung ương dành (từ 5 đến 6% tổng mức vốn đầu tư) để cấp phát bằng vốn sự nghiệp kinh tế chi phí cho công tác:

+ Lập và xét duyệt dự án

+ Tập huấn, tuyên truyền, khen thưởng

+ Hội nghị tổng kết

+ Tham quan khảo sát

+ Bồi dưỡng cho cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý trong thời gian phân công trực tiếp chỉ đạo tại các vùng dự án.

+ Hoạt động chỉ đạo và quản lý dự án (Ban chỉ đạo chương trình 327/CT Trung ương và địa phương, chủ quản dự án, chủ dự án).

+ Bổ sung kinh phí quản lý cấp phát cho vay vốn đầu tư cho Kho bạc Nhà nước.

[...]