Thông tư 31/2009/TT-BCA(C11) về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký phương tiện và quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 31/2009/TT-BCA(C11)
Ngày ban hành 25/05/2009
Ngày có hiệu lực 09/07/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Trần Đại Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ CÔNG AN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 31/2009/TT-BCA(C11)

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ LÀM NHIỆM VỤ ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN VÀ QUY TRÌNH CẤP, THU HỒI ĐĂNG KÝ, BIỂN SỐ CÁC LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký phương tiện và quy trình tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký phương tiện và quy trình cấp, đăng ký, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây viết gọn là đăng ký xe).

2. Yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe

a. Yêu cầu đối với cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe

- Nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Thực hiện đúng quy định về thực hiện dân chủ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân;

- Khi tiếp xúc với nhân dân phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực;

- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời đúng thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến việc cấp, đăng ký xe.

b. Tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe

- Có trình độ trung cấp Công an hoặc tương đương trở lên;

- Công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ liên tục từ 3 năm trở lên;

- Sử dụng thành thạo máy vi tính và chương trình quản lý xe trên máy vi tính.

3. Nơi đăng ký xe

Nơi đăng ký xe phải được bố trí ở địa điểm thuận lợi, có diện tích phù hợp, đủ chỗ ngồi, chỗ để xe, sơ đồ chỉ dẫn cho người đến đăng ký xe; niêm yết công khai các quy định về thủ tục, lệ phí đăng ký xe, lịch tiếp dân, có hòm thư góp ý; được trang bị các phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác đăng ký xe; có biển chức danh của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe.

4. Trách nhiệm cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe

a. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt

- Tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký, quản lý xe;

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đăng ký, quản lý xe;

- Bố trí đầy đủ cán bộ có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên làm nhiệm vụ đăng ký xe;

- Duyệt, ký các giấy tờ về đăng ký xe theo quy định tại Thông tư số 06/2009/TT-BCA(C11) ngày 11/3/2009 của Bộ Công an quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện cơ giới đường bộ (sau đây viết gọn là Thông tư số 06/2009/TT-BCA(C11)); thời hạn duyệt, ký tối đa không quá 3 ngày làm việc;

- Trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho chủ xe đối với những trường hợp không duyệt, ký các giấy tờ về đăng ký xe theo quy định tại Thông tư số 06/2009/TT-BCA(C11).

b. Trách nhiệm của Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh), Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện).

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đăng ký, quản lý xe ở địa phương;

- Tham mưu, đề xuất với Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký, quản lý xe ở địa phương;

[...]