Thông tư 278-CP-1978 hướng dẫn thi hành Nghị Quyết 316-NQ/QHK6 - 1978 và áp dụng Điều 4 Pháp lệnh năm 1967 về bầu cử và tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong thời chiến do Hội đồng chính phủ ban hành

Số hiệu 278-CP
Ngày ban hành 30/10/1978
Ngày có hiệu lực 14/11/1978
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

 

Số: 278-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1978

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 316-NQ/QHK6 NGÀY 14/9/1978 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ ÁP DỤNG ĐIỀU 4 CỦA PHÁP LỆNH NGÀY 01/4/1967 VỀ BẦU CỬ VÀ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG THỜI CHIẾN

Ngày 14 tháng 9 năm 1978, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết số 316-NQ/QHK6 về việc tước quyền đại biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân nào bỏ nhiệm vụ, trốn ra nước ngoài và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho phép áp dụng điều 4 của Pháp lệnh ngày 01 tháng 4 năm 1967 quy định một số điểm về bầu cử và tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong thời chiến. Để thi hành nghị quyết đó, Chính phủ hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương mấy điểm như sau:

1. Khi có đại biểu Hội đồng nhân dân nào bỏ nhiệm vụ, trốn ra nước ngoài, Ủy ban nhân dân cùng cấp phải xác minh để báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, đồng thời thông báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và nhân dân địa phương biết. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo lên Hội đồng Chính phủ, đồng thời thông báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và nhân dân ở đơn vị bầu cử đã bầu ra người đại biểu đó biết.

2. Việc áp dụng điều 4 của Pháp lệnh ngày 01 tháng 4 năm 1967 chủ yếu để bổ sung cán bộ có năng lực, đạo đức vào các Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn, vùng biên giới thiếu cán bộ do tình hình chiến sự hoặc do cán bộ bỏ nhiệm vụ, trốn ra nước ngoài và không có điều kiện bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân. Tại các địa phương vùng biên giới, khi thiếu thành viên Ủy ban nhân dân và trong Hội đồng nhân dân không có người đủ tiêu chuẩn tham gia vào Ủy ban nhân dân, thì Ủy ban nhân dân báo cáo lên Ủy ban nhân dân tỉnh xét để quyết định cho Hội đồng nhân dân cấp dưới được bầu bổ sung người không phải là đại biểu vào Ủy ban nhân dân. Nơi nào Hội đồng nhân dân không họp được thì Ủy ban nhân dân báo cáo và đề nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ định người bổ sung vào Ủy ban nhân dân. Sau khi được cấp trên chỉ định người bổ sung vào Ủy ban nhân dân thì Ủy ban thông báo ngay cho đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp biết và khi Hội đồng nhân dân họp được thỉ Ủy ban báo cáo ngay để Hội đồng nhân dân phê chuẩn.

Trong trường hợp cá biệt, tại những xã không còn người nào trong Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân thì Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ định Ủy ban nhân dân lâm thời để quản lý công việc Nhà nước ở xã đó cho đến khi bầu lại Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân khóa mới.

3. Đối với các địa phương không thuộc các trường hợp kể trên, khi thiếu thành viên của Ủy ban nhân dân thì Hội đồng nhân dân phải bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp bổ sung vào Ủy ban nhân dân. Nếu Hội đồng nhân dân không có người đủ điều kiện tham gia Ủy ban nhân dân thì phải tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng thể lệ bầu cử hiện hành. Tuyệt đối không được vận dụng điều 4 của Pháp lệnh ngày 01 tháng 4 năm 1967 để chỉ định người bổ sung vào Ủy ban nhân dân tại những địa phương không có chiến sự hoặc không có cán bộ là người Việt gốc Hoa bỏ nhiệm vụ trốn ra nước ngoài.

Riêng một số trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân thiếu cán bộ đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt của Ủy ban, Hội đồng nhân dân không còn người có điều kiện tham gia Ủy ban nhân dân và địa phương cũng không có điều kiện bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thì Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương báo cáo lên Hội đồng Chính phủ xét và quyết định.

Các Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể cho Ủy ban nhân dân các cấp dưới nghiêm chỉnh thi hành quyết nghị và chủ trương nói trên của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

Phạm Hùng