BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 27/2014/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN
LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT LIỆU NHỰA ĐƯỜNG SỬ DỤNG TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP
ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây
dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy
định về quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công
trình giao thông.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử
dụng trong xây dựng công trình giao thông.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc
cung ứng và sử dụng vật liệu nhựa đường trong xây dựng công trình giao thông,
bao gồm:
1. Đơn vị cung ứng nhựa đường cho công trình giao thông;
2. Chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công
xây dựng công trình giao thông;
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Nhựa đường (còn gọi là bitum) là sản phẩm cuối cùng thu được từ công
nghệ lọc dầu mỏ, bao gồm các hợp chất hydrocacbua cao phân tử như: CnH2n+2,
CnH2n, hydrocacbua thơm mạch vòng (CnH2n-6)
và một số dị vòng có chứa O, S, N; ở trạng thái tự nhiên, có dạng đặc quánh,
màu đen.
Chương II
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Điều 4. Quy định về chất lượng nhựa đường
1. Nhựa đường phải đồng nhất, không chứa nước và không tạo bọt khi gia
nhiệt đến 175°C. Ngoài các hợp chất ở trạng thái tự nhiên theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này, trong nhựa đường không được chứa bất
kỳ lượng hóa chất nào phối trộn thêm.
2. Dựa vào độ kim lún, nhựa đường được chia thành các mác: 20-30;
40-50; 60-70; 85-100; 120-150 và 200-300. Các chỉ tiêu kỹ thuật của nhựa đường
được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông
tư này.
Điều 5. Phương pháp lấy mẫu và phương pháp
thử
1. Phương pháp lấy mẫu
Mẫu nhựa đường để xác định các chỉ tiêu kỹ thuật quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này được lấy
theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7494:2005 (ASTM
D 140) Bitum - Phương pháp lấy mẫu.
2. Phương pháp thử
Phương pháp thử ứng với từng chỉ tiêu kỹ thuật của nhựa đường quy định
tại Phụ lục I và Phụ lục II
ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương III
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NHỰA ĐƯỜNG TRONG
XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị cung ứng
nhựa đường cho công trình giao thông
1. Về trang thiết bị và hệ thống quản lý chất lượng
a) Phải thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc
gia TCVN ISO 9001:2008.
b) Phải có hệ thống kho bãi, bồn chứa (đối với nhựa đường bồn), phương
tiện vận chuyển, quy trình tồn trữ, bảo quản và vận chuyển nhựa đường.
2. Về việc tồn trữ và bảo quản nhựa đường
a) Đối với nhựa đường bồn: Phải có hệ thống bồn chứa, hệ thống gia
nhiệt, hệ thống cân, các quy trình vận hành và kiểm soát chất lượng. Không được
pha trộn các loại nhựa đường cùng mác nhưng nhập khẩu từ các nhà máy sản xuất
khác nhau trong cùng một bồn chứa làm chất lượng vật liệu nhựa đường không đáp ứng
quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư
này.
b) Đối với nhựa đường phuy: Phải có biện pháp bảo quản để đảm bảo vệ
sinh môi trường, không bị suy giảm về chất lượng nhựa đường.
3. Về việc vận chuyển
a) Đối với nhựa đường bồn: Có biện pháp kiểm soát chất lượng trong quá
trình vận chuyển nhựa đường. Toàn bộ các họng ra của bồn chứa xe bồn (van mở
trên nóc, van xả đáy, vòi bơm và các thiết bị có liên quan khác) phải được niêm
phong trong quá trình vận chuyển. Niêm phong phải có đánh số, tên đơn vị và ghi
rõ trên phiếu giao hàng, được các đơn vị sử dụng trực tiếp đối chiếu số niêm
phong và mở niêm phong.
b) Đối với nhựa đường phuy: Nhựa đường phuy giao cho đơn vị sử dụng
phải đảm bảo còn nguyên nhãn mác hàng hóa, các thùng nhựa không bị thủng, rò rỉ
nhựa đường.
4. Về việc ghi nhãn sản phẩm
a) Đối với nhựa đường bồn: Phiếu giao hàng phải ghi rõ đơn vị cung ứng,
nhập khẩu, mác nhựa đường, nhà máy và nước sản xuất nhựa đường, ngày nhập khẩu.
b) Đối với nhựa đường phuy nhập khẩu: Phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ
các thông tin như mác nhựa đường, đơn vị nhập khẩu, nhà máy và nước sản xuất
nhựa đường, ngày nhập khẩu, trọng lượng tịnh, trọng lượng cả phuy.
c) Đối với nhựa đường đặc nóng đóng phuy tại Việt Nam:
Phải ghi rõ đơn vị đóng phuy, mác nhựa đường, đơn vị nhập khẩu, nhà máy và nước
sản xuất, ngày nhập khẩu, trọng lượng tịnh, trọng lượng cả phuy.
Điều 7. Trách nhiệm của chủ đầu tư
1. Kiểm tra hồ sơ của vật liệu nhựa đường trước khi sử dụng vào công
trình giao thông (giấy tờ chứng nhận xuất xứ, chất lượng hàng hóa, ghi nhãn).
2. Kiểm tra trang thiết bị và hồ sơ quy trình quản lý chất lượng trong
quá trình nhập khẩu, tồn trữ, bảo quản và vận chuyển của các đơn vị cung ứng
nhựa đường cho công trình giao thông.
3. Kiểm tra phiếu kết quả thí nghiệm nhựa đường đảm bảo đáp ứng quy
định kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Trách nhiệm của nhà thầu thiết kế
Chỉ sử dụng đúng loại và mác nhựa đường theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này trong hồ sơ
thiết kế các dự án xây dựng công trình giao thông.
Điều 9. Trách nhiệm của nhà thầu giám sát
1. Kiểm tra hồ sơ của vật liệu nhựa đường trước khi sử dụng vào công
trình (giấy tờ chứng nhận xuất xứ, chất lượng hàng hóa, ghi nhãn).
2. Trực tiếp kiểm tra trang thiết bị và hồ sơ quy trình quản lý chất
lượng trong quá trình nhập khẩu, tồn trữ, bảo quản và vận chuyển của các đơn vị
cung ứng cho công trình giao thông.
3. Lấy mẫu nhựa đường để thí nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo đáp
ứng quy định kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục I
ban hành kèm theo Thông tư này trước khi thi công hạng mục mặt đường bê tông
nhựa, láng nhựa, thấm nhập nhựa hoặc các sản phẩm khác có sử dụng nhựa đường.
4. Trong quá trình sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa, thi công mặt đường
láng nhựa, thấm nhập nhựa hoặc các sản phẩm khác có sử dụng vật liệu nhựa đường
phải kiểm tra vật liệu nhựa đường với các chỉ tiêu Độ kim lún, Điểm hóa mềm,
Chỉ số độ kim lún PI theo quy định tại Phụ lục I
ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm của nhà thầu thi công
xây dựng công trình giao thông
1. Lựa chọn loại nhựa đường sử dụng cho công trình có chất lượng và các
chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quy định tại Phụ lục
I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Thường xuyên giám sát và kiểm tra việc cung ứng nhựa đường (việc cam
kết của nhà cung ứng về mác, ghi nhãn, vận chuyển theo đúng quy định phải được
thể hiện trong hợp đồng mua bán vật liệu nhựa đường).
3. Cử nhân viên đảm bảo việc giám sát và tiếp nhận nhựa đường: kiểm tra
từng niêm phong của xe bồn (đối với nhựa đường đặc nóng), kiểm tra nhãn mác và
sự nguyên vẹn của phuy (đối với nhựa đường phuy) tại thời điểm thi công; hạn
chế sử dụng trên hai nhà cung ứng nhựa đường cho một công trình.
4. Lấy mẫu lưu tất cả các chuyến hàng giao hàng ngày tại công trường.
Việc lấy mẫu phải tuân thủ quy định lấy mẫu trong quá trình bơm nhựa đường (đối
với nhựa đường bồn), trong quá trình xả nhựa đường từ phuy (đối với nhựa đường
phuy) và phải lập biên bản xác nhận, ký xác nhận trên mẫu nhựa đường của các
bên liên quan. Mẫu nhựa đường lưu phải được lưu trữ và bảo quản ít nhất 03
tháng, kể từ khi lấy mẫu để đối chiếu, phân loại và xác định chất lượng nhựa
đường của các nhà cung ứng, tại từng thời điểm cụ thể khi có vấn đề về chất lượng
mặt đường bê tông nhựa, láng nhựa, thấm nhập nhựa hoặc các sản phẩm khác có sử
dụng nhựa đường.
5. Ghi chép đầy đủ việc nhận vật liệu nhựa đường và sản xuất, thi công
mặt đường bê tông nhựa, láng nhựa, thấm nhập nhựa hoặc các sản phẩm khác có sử
dụng nhựa đường, lý trình rải hàng ngày.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2014.
Điều 12. Tổ chức thực hiện.
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ,
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và
chất lượng công trình giao thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao
thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông
tư này.
2. Vụ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý xây dựng
và Chất lượng công trình giao thông hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông
tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân
phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như khoản 1 Điều 12;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Trang Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN (10b).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|