Thông tư 27/2009/TT-NHNN quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng trong năm 2010 để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 27/2009/TT-NHNN
Ngày ban hành 31/12/2009
Ngày có hiệu lực 31/12/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Giàu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 27/2009/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH VIỆC HỖ TRỢ LÃI SUẤT ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VAY VỐN TRUNG, DÀI HẠN NGÂN HÀNG TRONG NĂM 2010 ĐỂ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT – KINH DOANH

Căn cứ Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân;
Căn cứ Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất – kinh doanh;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng trong năm 2010 để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh (dưới đây gọi tắt là hỗ trợ lãi suất) như sau:

Điều 1. Mục đích hỗ trợ lãi suất

Trong năm 2010, Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam theo phương thức quy định tại Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2009 nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng quy định về hỗ trợ lãi suất

1. Các tổ chức tín dụng cho vay đối với tổ chức, cá nhân bao gồm:

a) Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và Quỹ tín dụng nhân dân trung ương (Sau đây gọi chung là ngân hàng thương mại).

b) Các công ty tài chính (trừ công ty tài chính chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và lĩnh vực thẻ theo quy định của pháp luật) thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng và có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%.

2. Khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất, bao gồm: Tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng thương mại, công ty tài chính để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh ở trong nước theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001.

3. Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản cho vay trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 01 tháng 01 năm 2010 mà được giải ngân (một hoặc nhiều lần) trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 đến 31 tháng 12 năm 2010, được thống kê theo quy định tại Chế độ báo cáo thống kê áp dụng tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 477/2004/QĐ-NHNN ngày 28 tháng 4 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Quyết định số 143 TCTK/PPCĐ ngày 22 tháng 12 năm 1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế cấp II, cấp III và cấp IV và danh mục hệ thống ngành kinh tế quốc dân, bao gồm:

a) Ngành nông nghiệp và lâm nghiệp;

b) Ngành thủy sản;

c) Ngành công nghiệp chế biến;

d) Hoạt động khoa học và công nghệ;

đ) Hoạt động thu mua và kinh doanh các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản, muối.

Điều 3. Nguyên tắc, thời hạn, mức lãi suất và phương thức hỗ trợ lãi suất

1. Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cho vay các nhu cầu vốn trung, dài hạn để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh theo cơ chế cho vay thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ ngày giải ngân đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 01 tháng 01 năm 2010 mà được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 đến 31 tháng 12 năm 2010. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 đến 31 tháng 12 năm 2012. Các khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất bị quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay, thời hạn vay thực tế vượt quá 24 tháng, thì không được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian quá hạn trả nợ, gia hạn nợ và vượt quá 24 tháng.

3. Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 2%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế.

4. Trường hợp khách hàng vay vốn trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất mà khách hàng vay có số dư tài khoản tiền gửi và giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ (gọi chung là số dư tài khoản tiền gửi); hoặc khoản vay được cầm cố, bảo lãnh bằng giấy tờ có giá, sổ tiết kiệm và các hình thức bằng tiền khác bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ (gọi chung là giấy tờ có giá), thì thực hiện hỗ trợ lãi suất như sau:

a) Đối với trường hợp khách hàng vay có số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, công ty tài chính cho vay và các tổ chức tín dụng khác, thì khi ký kết hợp đồng tín dụng, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tính toàn bộ số dư tài khoản tiền gửi là vốn tự có của khách hàng vay và mức vốn cho vay phải loại trừ (-) số dư tài khoản tiền gửi này. Khách hàng vay có trách nhiệm báo cáo ngân hàng thương mại, công ty tài chính về số dư tài khoản tiền gửi và giá trị giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng khác và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và chính xác của báo cáo này. Số dư tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ của khách hàng vay bao gồm: Tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn; tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi tiền kiệm khác; không bao gồm số dư tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền ký quỹ và tiền gửi phong tỏa theo quy định của pháp luật.

b) Đối với trường hợp khoản vay được cầm cố bằng giấy tờ có giá, thì khi ký kết hợp đồng tín dụng, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tính toàn bộ giá trị giấy tờ có giá là vốn tự có của khách hàng vay và mức vốn cho vay phải loại trừ (-) giá trị giấy tờ có giá này.

c) Đối với trường hợp khoản vay được bảo lãnh bằng giấy tờ có giá, thì ngân hàng thương mại, công ty tài chính thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với phần dư nợ cho vay bằng chênh lệch giữa số dư nợ cho vay trừ (-) giá trị giấy tờ có giá được bảo lãnh của khách hàng tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng.

d) Đối với số dư tài khoản tiền gửi và giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, thì được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại, công ty tài chính tại thời điểm xác định số dư tài khoản tiền gửi và giá trị giấy tờ có giá.

5. Phương thức thực hiện hỗ trợ lãi suất là khi thu lãi tiền vay, các ngân hàng thương mại giảm trừ số tiền lãi phải trả của khách hàng vay bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất trên cơ sở báo cáo số tiền hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại, công ty tài chính.

Điều 4. Quy trình và trách nhiệm của khách hàng vay, ngân hàng thương mại, công ty tài chính thực hiện hỗ trợ lãi suất

1. Đối với khách hàng vay có khoản vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất:

[...]