Thông tư 26/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 26/2022/TT-BTC |
Ngày ban hành | 11/05/2022 |
Ngày có hiệu lực | 26/05/2022 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Võ Thành Hưng |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Giáo dục |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2022/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2022 |
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30 tháng 03 năm 2020 (sau đây gọi là Quyết định số 436/QĐ-TTg).
Nội dung chuyên môn về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 quy định tại khoản 1 Điều này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao và mức chi quy định tại Thông tư này.
2. Nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng tham gia triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
3. Nguồn tài trợ, hỗ trợ, huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định, khuyến khích áp dụng theo nội dung quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Các nội dung và mức chi
1. Chi hội nghị, họp Ban chỉ đạo, Hội đồng tư vấn khối ngành, Hội đồng thẩm định chương trình để phục vụ cho hoạt động xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học, Hội đồng tư vấn xây dựng và thẩm định báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ Asean (sau đây gọi là báo cáo tham chiếu): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây gọi là Thông tư số 40/2017/TT-BTC), Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước (sau đây gọi là Thông tư số 71/2018/TT-BTC).
2. Chi cho các hoạt động điều tra, khảo sát, thu thập, so sánh, phân tích các tài liệu mô tả các dịch vụ, hoạt động, công việc của khối ngành của từng lĩnh vực đào tạo phục vụ cho hoạt động xây dựng chuẩn chương trình, báo cáo tham chiếu: Áp dụng theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia (sau đây gọi là Thông tư số 109/2016/TT-BTC).
3. Chi dịch và hiệu đính tài liệu phục vụ cho hoạt động xây dựng chuẩn chương trình, báo cáo tham chiếu:
a) Chi dịch nói từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 71/2018/TT-BTC;
b) Chi phiên dịch (dịch nói) từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại: Mức tiền công áp dụng bằng 70% mức chi thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch tiếng dân tộc quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC;
c) Chi dịch và hiệu đính tài liệu: Mức chi theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
4. Chi in ấn tài liệu, mua văn phòng phẩm phục vụ cho hoạt động xây dựng chuẩn chương trình, xây dựng báo cáo tham chiếu: Thanh toán theo thực tế phát sinh do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi dự toán được giao và hóa đơn chứng từ chi tiêu hợp pháp.
5. Chi thông tin, truyền thông về khung trình độ, báo cáo tham chiếu. Các nội dung chi gồm: Chi sản xuất, đăng tải, phát sóng, phát hành các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản và sản phẩm truyền thông khác.
a) Đối với các tác phẩm, sản phẩm báo chí, xuất bản phẩm đã có định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí do cấp có thẩm quyền ban hành: Thực hiện theo quy định có liên quan tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình; Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh; Thông tư số 42/2020/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về hoạt động xuất bản; Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử; và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan;
b) Chi sản xuất, đăng tải, phát sóng, phát hành các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản và sản phẩm truyền thông khác chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí do cấp có thẩm quyền ban hành; Chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ khác phục vụ các hoạt động truyền thông (chi phí in, phát hành đối với báo chí in, xuất bản phẩm; chi phí phát sóng đối với các chương trình truyền hình, phát thanh): Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông căn cứ nhiệm vụ được giao và dự toán kinh phí, chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.
6. Chi bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên theo chuẩn chương trình đào tạo của khung trình độ: Thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.