Thông tư 23-TC-NHKT-1964 hướng dẫn thi hành Điều lệ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản theo Nghị định 64-CP-1960 do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 23-TC-NHKT
Ngày ban hành 23/11/1964
Ngày có hiệu lực 07/12/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-TC-NHKT

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1964 

 

THÔNG TƯ 

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ CẤP PHÁT VỐN KIẾN THIẾT CƠ BẢN BAN HÀNH DO NGHỊ ĐỊNH SỐ 64-CP NGÀY 19-11-1960 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

 - Các Ông Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ
 - Các ông chủ tịch ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

Việc cấp phát vốn xây dựng cơ bản để trả:

- Tiền mua, vận chuyển, gia công, bảo quản thiết bị và vật liệu viện trợ và vay;

- Tiền mua, vận chuyển, gia công, bảo quản thiết bị mua bằng vốn trong nước;

- Và các chi phí về chuyên gia, thực tập sinh, đồ án thiết kế thuộc vốn viện trợ và vay.

Đã được quy định trong các điều 14, 15, 22 và 23 của điều lệ cấp phát vốn xây dựng cơ bản ban hành theo nghị định số  64-CP ngày 19-11-1960 của Hội đồng Chính phủ.

Thông tư này nhắc lại, giải thích thêm và bổ sung một số chi tiết thi hành các quy định nói trên nhằm một mặt thúc đẩy cải tiến việc lập và thực hiện kế hoạch mua thiết bị, vật liệu cho cân đối với nhu cầu thi công, một mặt khác tăng cường theo dõi việc bảo quản và đưa thiết bị, vật liệu vào công trình để tránh tình trạng sử dụng lãng phí, để mất mát ứ đọng, chiếm dụng nhập nhằng, v.v...

Thông tư này chia làm bốn phần:

Phần I. - Cấp phát cho thiết bị và vật liệu viện trợ và vay.

Phần II. - Cấp phát cho thiết bị mua bằng vốn trong nước.

Phần III. - Cấp phát để thanh toán tiền chuyên gia, thực tập sinh, đồ án thiết kế bằng vốn viện trợ và vay.

Phần IV. – Một số quy định về việc thi hành thông tư.

I. CẤP PHÁT TIỀN, THIẾT BỊ VÀ VẬT LIỆU VIỆN TRỢ VÀ VAY

Việc cấp phát vốn xây dựng cơ bản để thanh toán tiền thiết bị và vật liệu trợ và vay thường tiến hành trước khi các thiết bị, vật liệu này được đưa vào thành khối lượng công trình nên việc theo dõi tình hình sử dụng sau khi cấp phát cần phải hết sức chặt chẽ.

Tới nay, việc theo dõi còn nhiều sơ hở ngay từ lúc đơn vị kiến thiết nhận hàng và giao cho đơn vị thi công đến khi đơn vị thi công đem sử dụng vào công trình và xử lý số hàng còn lại sau khi hoàn thành công trình. Do đó đã để xảy ra tình trạng phổ biến là sử dụng lãng phí; quá định mức, để ứ đọng, hư hỏng, mất mát; sử dụng nhập nhằng cho công trình khác, sử dụng nhập nhằng vật liệu viện trợ và vay thay cho vật liệu mua bằng vốn trong nước, hay chiếm dụng trái phép làm vốn lưu động, v.v...

Để sửa chữa tình trạng trên, từ nay phải áp dụng phương pháp cấp phát theo khối lượng công trình và cấp phát phải sát khối lượng thực tế hoàn thành. Biện pháp cụ thể như sau:

1. Việc cấp phát cho đơn vị kiến thiết để thanh toán tiền thiết bị và vật liệu viện trợ và vay (gồm giá mua, tiền vận chuyển, tiền gia công, tiền bảo quản, v.v...) chỉ coi là "cấp phát vốn tạm ứng để chuẩn bị", đến khi thực sự sử dụng vào công trình mới "cấp phát cho khối lượng hoàn thành", đồng thời thu hồi dần vốn tạm ứng.

2. Đối với số vật liệu viện trợ và vay do đơn vị kiến thiết tạm ứng bằng hiện vật cho đơn vị thi công thì khi số vật liệu này thực sự đưa vào công trình cũng cấp phát theo đúng khối lượng hoàn thành và thu hồi dần vốn tạm ứng.

a) Cấp phát vốn tạm ứng cho đơn vị kiến thiết để chuẩn bị thiết bị và vật liệu viện trợ và vay.

Vốn tạm ứng để chuẩn bị thiết bị và vật liệu viện trợ và vay được cấp bằng hai loại vốn:

- Bằng vốn viện trợ và vay để thanh toán giá thiết bị (theo giá bán của nước ngoài tính ra tiền Việt Nam theo tỷ lệ hối đoái nội bộ) giá vật liệu (tính theo giá điều động nội bộ) và tiền vận chuyển từ nước ngoài về tới cảng hay ga biên giới;

- Bằng vốn trong nước để thanh toán các chi phí vận chuyển, gia công, bảo quản... ở trong nước.

Hàng năm, Bộ chủ quản công trình phải căn cứ vào các hợp đồng đặt hàng và nhận hàng đã ký với nước ngoài và với Bộ Ngoại thương để lập và xin phê chuẩn các kế hoạch khối lượng và tài vụ xây dựng cơ bản năm. Kế hoạch tài vụ xây dựng cơ bản năm phải ước tính đủ số vốn cần thiết để thanh toán trong từng quý giá hàng và chi phí vận chuyển, gia công, bảo quản thiết bị, vật liệu viện trợ và vay; nhưng đến mỗi quý, nếu tình hình hàng về có thay đổi thì phải xin điều chỉnh hạn mức cấp phát quý và kế hoạch thi công cho cân đối với tình hình hàng về.

Thể thức cấp phát cụ thể như sau:

1. Cấp phát để thanh toán giá hàng và tiền vận chuyển ngoài nước.

[...]