Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 23-LN-TVCĐ năm 1963 hướng dẫn tiến hành tổ chức hạch toán kinh tế ở các lâm trường, xí nghiệp và các cơ sở trực thuộc (phân xưởng, đội, tổ) do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 23-LN-TVCĐ
Ngày ban hành 08/05/1963
Ngày có hiệu lực 23/05/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Lâm nghiệp
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

Số : 23-LN-TVCĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

******

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 1963

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TIẾN HÀNH TỔ CHỨC HẠCH TOÁN KINH TẾ Ở CÁC LÂM TRƯỜNG, XÍ NGHIỆP VÀ CÁC CƠ SỞ TRỰC THUỘC (PHÂN XƯỞNG, ĐỘI, TỔ)

Kính gửi: Các ty, phòng lâm nghiệp,Các công ty, xí nghiệp, lâm trường trực thuộc

Ngày 4-4-1957 Phủ Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 130-TTg về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp quốc doanh.

Trong mấy năm qua, việc thực hiện chế độ hạch toán kinh tế trong ngành ta đã có nhiều tiến bộ: củng cố được nguyên tắc lãnh đạo tập trung, phát huy tính tích cực sáng tạo của xí nghiệp - nâng cao một bước tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ của cán bộ, công nhân viên chức - nâng cao trình độ quản lý kinh tế của ngành…

Những năm tới, phạm vi hoạt động của xí nghiệp ngày càng quy mô, nhiều nơi xí nghiệp mới sẽ được tổ chức và được trang bị nửa cơ giới và cơ giới trong sản xuất, do đó công tác quản lý kinh tế ngày càng phải nâng cao.

Từ tình hình trên, việc mở rộng hạch toán kinh tế xuống cơ sở và nâng cao một bước tính chất toàn diện, tính chất quần chúng của hạch toán kinh tế trong ngành ta là một yêu cầu cấp thiết, nhằm tăng cuờng quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị, phát huy tính độc lập trong quản lý kinh tế và quản lý sản xuất.

Để việc tổ chức hạch toán xuống cơ sở được thống nhất, Tổng cục đề ra phương hướng và biện pháp thực hiện như sau:

I. HÌNH THỨC TỔ CHỨC HẠCH TOÁN KINH TẾ PHƯƠNG HƯỚNG MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO HẠCH TOÁN KINH TẾ TRONG NGÀNH HIỆN NAY.

Có hai hình thức hạch toán kinh tế: Hạch toán kinh tế toàn diện và hạch toán kinh tế nội bộ xí nghiệp. Về nguyên tắc hai loại đó giống nhau. Yêu cầu của nó là hạch toán sản xuất, nhằm tiết kiệm nhân, vật lực, làm đòn bẩy quan trọng để động viên các nguồn dự trữ tiềm tàng, nâng cao tính sinh lợi và tăng tích lũy. Nhưng về phương pháp, điều kiện, mức độ có khác nhau.

A. HẠCH TOÁN KINH TẾ TOÀN DIỆN  (tức là hạch toán kinh tế độc lập)

Lâm trường, xí nghiệp thi hành hạch toán kinh tế độc lập phải có đầy đủ điều kiện dưới đây:

1. Có kế hoạch sản xuất, tài vụ được cấp trên phê chuẩn, bao gồm các nhiệm vụ sản lượng, chất lượng, năng suất lao động, giá thành, biện pháp tổ chức kỹ thuật.

2. Có kế hoạch thu chi tài vụ đã được cấp trên phê chuẩn và được cấp vốn tự có, vốn lưu động, vốn cố định cần thiết để hoàn thành kế hoạch sản xuất nói trên.

3. Có tổ chức kế toán theo đúng Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước, được mở tài khoản kế toán ở Ngân hàng Nhà nước.

4. Có tư cách pháp nhân và tính chất độc lập về nghiệp vụ kinh tế trong phạm vi chế độ của Nhà nước.

B. HẠCH TOÁN KINH TẾ NỘI BỘ XÍ NGHIỆP  (tức hạch toán kinh tế từ phân xưởng đến các đội, tổ chức sản xuất và cá nhân):

Hạch toán kinh tế nội bộ lâm trường, xí nghiệp gồm hạch toán phân xưởng, đội sản xuất, tổ sản xuất, hạch toán kinh tế cá nhân là một bộ phận của hạch toán kinh tế của xí nghiệp xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời cũng có những đặc điểm riêng.

Phân xưởng, đội sản xuất khu vực sản xuất, tổ sản xuất không phải là các xí nghiệp riêng bịêt. Vì vậy các điều kiện hạch toán kinh tế của các phân xưởng, đội, sản xuất không quy định như toàn bộ lâm trường, xí nghiệp. Phân xưởng, đội sản xuất không cần ký hợp đồng kinh tế, không bán sản phẩm, mua nguyên liệu, không có tài khoản thanh toán ở ngân hàng, không có bảng tổng kết tài sản riêng.

1. Hạch toán kinh tế phân xưởng, đội sản xuất:

Hình thức tổ chức hạch toán kinh tế ở phân xưởng, đội, tổ sản xuất cần làm cho phân xưởng, đội không phá tính chất thống nhất của toàn xí nghiệp, không qua nguyên tắc của chế độ giám đốc xí nghiệp phụ trách quản lý toàn xí nghiệp. Do đó tính chất độc lập của phân xưởng, đội sản xuất nhỏ hơn phạm vi của tính chất độc lập của lâm trường xí nghiệp rất nhiều.

Đội trưởng, quản đốc phân xưởng chỉ có quyền giải quyết các vấn đề nhân lực và vật tư trong sản xuất, không có quan hệ hàng hóa trực tiếp với bên ngoài.

Yêu cầu của hạch toán kinh tế phân xưởng, đội sản xuất gồm những điểm sau:

a) Hoàn thành nhiệm vụ sản xuất do lâm trường, xí nghiệp giao cho

b) Chấp hành chế độ sử dụng thiết bị, quy trình sản xuất, kỹ thuật

c) Chấp hành các định mức tiêu hao nguyên vật liệu

d) Chấp hành các chỉ tiêu lao động và tiền lương.

đ) Thực hiện kế hoạch giá thành phân xưởng, giá thành giai đoạn sản xuất (chặt hạ, vận xuất, vận chuyển, chế biến…)

[...]