Thông tư 23-BYT/TT năm 1991 về việc các đoàn cán bộ y tế qua biên giới Việt-Trung để trao đổi mua bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc và trang thiết bị y tế do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 23-BYT/TT
Ngày ban hành 17/08/1991
Ngày có hiệu lực 17/08/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Phạm Song
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-BYT/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 23-BYT/TT NGÀY 17 THÁNG 8 NĂM 1991 QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC CÁC ĐOÀN CÁN BỘ Y TẾ QUA BIÊN GIỚI VIỆT TRUNG ĐỂ TRAO ĐỔI MUA BÁN THUỐC MEN, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC VÀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Trong thời gian gần đây có nhiều tổ chức, cơ quan, xí nghiệp và công ty của Ngành y tế đã qua lại biên giới Việt Trung để trao đổi, mua bán dược phẩm, nguyên liệu, dược liệu, các trang thiết bị y tế với các cơ quan, đơn vị tương ứng của Trung Quốc, nhiều cơ quan đã thu được kết quả khá. Nhưng cũng có những trường hợp còn gặp khó khăn trong thủ tục xuất nhập cảnh, đã lên tới biên giới phải quay về để lo lót đi chui gây lộn xộn trên biên giới. Trong giao dịch tiếp xúc với bạn có lúc có nơi còn sơ hở nôn nóng không thể hiện được đúng quan điểm lập trường và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Để đảm bảo cho việc qua lại biên giới Việt Trung đi vào nề nếp, có tổ chức, có hiệu qủa Bộ Y tế tạm thời quy định một số điểm sau đây:

1. Khi có nhu cầu, liên hệ, giao dịch với các cơ quan, đơn vị của Trung Quốc, các đơn vị phải báo cáo lên Bộ duyệt chủ trương và mục đích cũng như nội dung của từng chuyến đi của từng đoàn qua biên giới.

2. Việc qua lại biên giới Việt Trung của cán bộ trong ngành y tế phải do đơn vị đề nghị, phải được Bộ duyệt về nhân sự và phải được Bộ Nội vụ cấp giấy phép xuất nhập cảnh biên giới Việt Trung. Vụ HTQT phải gặp các đoàn để phổ biến những điều cần thiết trước khi đoàn lên đường.

3. Hoạt động của các đoàn phải tuân thủ pháp luật của nước ta và Trung Quốc, chỉ được hoạt động trong khuôn khổ nội dung đã được Bộ duyệt trước khi đoàn lên đường.

4. Nếu muốn mời khách hàng Trung Quốc vào Việt Nam làm việc hoặc tìm hiểu thăm dò khả năng của ta đều phải báo cáo lên Bộ và phải được Bộ Nội vụ duyệt về nhân sự. Chỉ được đón bạn sang sau khi có giấy phép nhập cảnh của Bộ Nội vụ.

5. Nếu do yêu cầu của công tác cần tổ chức trưng bày giới thiệu mặt hàng ở Việt Nam hoặc ở Trung Quốc, cơ quan chủ quản phải báo cáo lên Bộ đề án của cuộc trưng bày triển lãm đó và chỉ được thực hiện sau khi có quyết định của Bộ và Bộ Nội vụ.

6. Sau mỗi đợt công tác (đoàn Việt Nam sang Trung Quốc hoặc đoàn Trung Quốc sang Việt Nam) các đơn vị phải báo cáo lên Bộ kết quả giao dịch, mua bán, trao đổi hàng hoá và hiệu quả kinh tế mà cơ quan đã đạt được.

Các ông ChánhVăn phòng, Vụ trưởng các Vụ, Ban cơ quan Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở y tế các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức việc thực hiện những quy định trên.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu nảy sinh những vấn đề mới, Bộ sẽ nghiên cứu xem xét để bổ sung và sửa đổi sau.

 

Phạm Song

(Đã ký)