Thông tư 22-TC/TDT/KT-1974 về việc lập quyết toán ngân sách năm 1974 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 22-TC/TDT/KT
Ngày ban hành 18/11/1974
Ngày có hiệu lực 03/12/1974
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TC/TDT/KT

Hà Nội , ngày 18 tháng 11 năm 1974 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC LẬP QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 1974

Công tác quyết toán ngân sách năm 1973 có tiến bộ so với các nămtrước: quyết toán tổng hợp của đơn vị chủ quản được hoàn thành sớm hơn trước từ 1 đến 3 tháng (Bộ Thủy lợi, Bộ y tế, Tổng cục Thủy sản, Ủy ban Nông nghiệp trung ương v.v...). Một số Bộ, Tổng cục đã bước đầu chú ý thẩm tra, xét duyệt quyết toán của các đơn vị trực thuộc (Bộ Giáo dục, Bộ Cơ khí luyện kim, Tổng công ty dược, Toà án nhân dân tối cao, v.v...); đã tiến hành quyết toán theo từng ngành kinh tế kỹ thuật như ngành điện, ngành than, ngành cơ khí... và một số ngành có thuyết minh, phân tích quyết toán.

Tuy nhiên, so với yêu cầu cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế - tài chính và so với chế độ Nhà nước đã quy định, thì công tác quyết toán ngân sách năm 1973 nói chung vẫn còn nhiều thiếu sót:

- Quyết toán còn thiếu chính xác: chưa phản ánh đúng thực tế, không nhất trí giữa các tài liệu, số liệu liên quan như giữa quyết toán năm trước với năm sau, giữa các báo biểu trong năm quyết toán (Thí dụ: giữa các bảng tổng kết tài sản và bảng tăng, giảm tài sản, giữa báo biểu tổng hợp với các báo biểu chi tiết...);

- Không đầy đủ: chưa tổng hợp đủ quyết toán của tất cả các đơn vị cơ sở, hồ sơ quyết toán thiếu nhiều báo biểu đã quy định;

- Chưa toàn diện: nhiều đơn vị, nhiều địa phương chưa có thuyết minh quyết toàn hoặc thuyết minh rất sơ sài, chưa phân tích sâu sắc để nêu được những ưu, khuyết điểm trong công tác quản lý ngân sách, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về mặt xây dựng và chấp hành ngân sách Nhà nước và về mặt kế hoạch hoá và quản lý kinh tế - tài chính;

- Chưa đảm bảo đúng thời hạn: Theo điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước, các ngành chủ quản phải báo cáo quyết toán hàng năm của ngành cho Bộ Tài chính trong vòng 90 ngày (3 tháng) sau ngày cuối năm. Nhưng nhiều Bộ, Tổng cục còn để tới tháng 5, tháng 6, thậm chí có ngành, có địa phương đến tận tháng 7, tháng 8 năm 1974 mới gửi quyết toán ngân sách năm 1973 cho Bộ Tài chính.

Tình hình trên đây đã hạn chế chất lượng của quyết toán và tác dụng của quyết toán ngân sách đối với việc cải tiến quản lý kinh tế, tài chính, đồng đã ảnh hưởng đến việc tổng hợp của Bộ Tài chính, làm cho việc lập tổng quyết toán ngân sách Nhà nước, để trình Chính phủ và Quốc hộ, không được đầy đủ và kịp thời.

Nguyên nhân tình trạng trên là do:

- Nhận thức về ý nghĩa quan trọng và tác dụng của việc làm quyết toán chưa đựơc quán triệt trong các ngành các cấp;

- Sự chỉ đạo của các cấp chủ quản, của chính quyền địa phương đối với các đơn vị cơ sở chưa được tăng cường đúng mức; chưa đề cao trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện chế độ báo cáo quyết toán; thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các đơn vị, chưa có sự khen thưởng đối với những đơn vị làm tốt hay thi hành kỷ luật thích đáng với những đơn vị không làm tốt quyết toán ngân sách hàng năm;

- Tổ chức công việc làm kế toán và quyết toán tại các ngành, các địa phương chưa đi vào nề nếp, chưa thực hiện đúng các quy định của Nhà nước; có nơi thiếu cán bộ chuyên trách hoặc cán bộ quá yếu;

- Cơ quan tài chính các cấp chưa làm tốt chức năng giám đốc, thúc đẩy, giúp đỡ các cơ quan chủ quản ở trung ương và ở các địa phương.

Để bảo đảm nâng cao chất lượng quyết toán ngân sách năm 1974, góp phần phục vụ yêu cầu cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, Bộ Tài chính để nghị các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính khu tự trị và các tỉnh, thành phố lưu ý một số điều sau đây:

1. Tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm việc làm quyết toán ngân sách năm 9173 và hướng dẫn, đôn đốc các xí nghiệp, các đơn vị trực thuộc làm tốt quyết toán ngân sách năm 1974 ngay từ ở cơ sở, đảm bảo cho tất cả các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị có thu chí ngân sách đều phải có quyết toán chính xác, đẩy đủ, gửi đúng hạn lên cấp trên. Qua việc kiểm điểm này, đề nghị có sự khen thưởng thích đáng đối với đơn vị làm tốt và có thái độ xử trí đúng mức đối với đơn vị không chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật báo cáo quyết toán với Nhà nước.

2. Các đơn vị cấp trên phải thẩm tra, xét duyệt quyết toán của các đơn vị trực thuộc. Cần tổ chức kiểm tra kế toán trước khi xét duyệt quyết toán, kết hợp vừa xét duyệt qua các tài liệu báo cáo kế toán, vừa xét duyệt tại chỗ; phải đảm bảo duyệt kỹ nhất là đối với những đơn vị trọng điểm, và có lịch xét duyệt quyết toán của các đơn vị báo cho cơ quan tài chính cùng cấop biết để cử cán bộ cùng tham gia xét duyệt. Đối với những đơn vị, xí nghiệp có nhiều khó khăn, cần cử cán bộ trực tiếp giúp đỡ, để không vì một vài đơn vị này mà ảnh hưởng đến chất lượng quyết toán và việc tổng hợp của toàn ngành.

3. Các đơn vị chủ quản phải bố trí cán bộ đủ năng lực tổng hợp quyết toán của các đơn vị cơ sở theo từng ngành kinh tế kỹ thuật và theo Bộ, kể cả các báo biểu số liệu cơ bản và thuyết minh, phân tích quyết toán tổng hợp theo nội dung đã được hướng dẫn trong bản gợi ý đính kèm công văn số 033-TC/TDT/KT ngày 08-05-1974 của Bộ Tài chính. Đề nghị tập thể lãnh đạo bộ, ngành chủ quản nghiên cứu, nhân xét báo cáo tổng hợp quyết toán của toàn bộ, toàn ngành, trước khi gửi cho Bộ Tài chính.

4. Đối với tổng quyết toán ngân sách địa phương, đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho sở, ty tài chính tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc làm quyết toán ngân sách năm 1973 và bàn với các sở, ty chủ quản biện pháp cụ thể để chấn chỉnh công tác quyết toán ngay từ đơn vị cơ sở, đảm bảo các sở, ty xét duyệt kỹ các quyết toán của các đơn vị cơ sở như nêu ở điểm 2 trên đây. Mặt khác các sở, ty tài chính phải tổ chức việc thẩm tra, xét duyệt quyết toán của các ngành chủ quản ở địa phương, tổng hợp lên tổng quyết toán ngân sách tỉnh hoặc thành phố, kèm theo các bản thuyết minh phân tích, để trình tập thể Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố xét duyệt trước khi gửi lên Bộ Tài chính.

5. Về thời hạn gửi quyết toán ngân sách năm 1974: các đơn vị cấp I (khu vực hành chính sự nghiệp), các đơn vị chủ quản (khu vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản) và các địa phương cần bảo đảm gửi đầy đủ các loại quyết toán cùng các báo biểu kèm theo đến Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 03 năm 1975 để có đủ tài liệu và thời gian xét duyệt và tổng hợp lên tổng quyết toán ngân sách Nhà nước để trình Chính phủ thông qua và Quốc hội phê chuẩn đúng thời hạn đã quy định. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ thị là quyết toán hằng năm của ngân sách Nhà nước phải trình Quốc hội xét duyệt trong quý II năm sau.

Đề nghị các Bộ, các Tổng cục, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu tự trị và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc kiểm tra các đơn vị trực thuộc để công tác quyết toán ngân sách năm 1974 đạt được các yêu cầu nêu trên đây, góp phần thiết thực vào việc tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế, tài chính chung.

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ