Thông tư 22-NV-1968 hướng dẫn việc vận dụng tiêu chuẩn liệt sĩ trong tình hình mới do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 22-NV
Ngày ban hành 24/09/1968
Ngày có hiệu lực 09/10/1968
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Ung Văn Khiêm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-NV

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 1968 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN LIỆT SĨ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong bản “Định nghĩa liệt sĩ” kèm theo Điều lệ về ưu đãi gia đình liệt sĩ ban hành do Nghị định số 980-TTg ngày 27/7/1956, Thủ tướng Chính phủ đã quy định tiêu chuẩn để xác nhận những liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiêu chuẩn đó áp dụng vào những trường hợp hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta vẫn thích hợp. Nhưng do đặc điểm của cuộc chiến tranh này, nhiều trường hợp hy sinh có những tình tiết khác với những trường hợp hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây. Nay Bộ Nội vụ hướng dẫn giải thích thêm một số điểm sau đây để việc vận dụng tiêu chuẩn liệt sĩ trong tình hình mới được đúng đắn.

I. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC XÁC NHẬN LIỆT SĨ.

Trong sự nghiệp cách mạng dân tộc ta, các liệt sĩ đã nêu lên tấm gương hy sinh phấn đấu cao cả. Việc xác nhận liệt sĩ không những là để ghi nhớ công ơn liệt sĩ và thi hành chính sách đối với gia đình liệt sĩ, mà còn nhằm biểu dương tinh thần phấn đấu hy sinh của liệt sĩ để mọi người học tập, nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để động viên, cổ vũ mọi người kiên quyết phấn đấu vượt khó khăn, nguy hiểm, đem hết nhiệt tình và khả năng của mình  góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

II. TINH THẦN CƠ BẢN CỦA TIÊU CHUẨN LIỆT SĨ.

Thủ tướng Chính phủ đã định nghĩa “Liệt sĩ là những người, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, vì phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà hy sinh một cách vẻ vang”.

Theo tinh thần như trên, thì bất cứ người nào (cán bộ, bộ đội, công nhân, viên chức, công dân …) nếu vì phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà hy sinh một cách vẻ vang, đều được xác nhận là liệt sĩ. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những trường hợp chết sau đây được coi là hy sinh một cách vẻ vang.

1. Chết vì chiến đấu hoặc đấu tranh với địch.

a) Chiến đấu với địch bao gồm: chỉ huy chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu (hiểu theo nghĩa “trực tiếp tham gia chiến đấu với địch” như quy định trong Nghị định số 111B-CP ngày 20/7/1967 của Hội đồng Chính phủ).

b) Đấu tranh với địch: Những trường hợp này đã được quy định ở các điểm 1, 2, 8 trong bản “Định nghĩa liệt sĩ” của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chết vì dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, của nhân dân đang gặp cơn nguy hiểm, như: Xông vào kho tàng đang bị cháy để cứu tài sản của Nhà nước, hoặc xông vào nơi đang bị địch đánh phá để cứu người bị nạn…

3. Chết vì dũng cảm vượt khó khăn, nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ  bao gồm những trường hợp:

a) Khi địch đang đánh phá, vì điều kiện sản xuất, công tác, kiên quyết không rời vị trí của mình để bảo đảm đến cùng một nhiệm vụ cấp thiết được giao, hoặc thay thế đồng đội, đồng sự đã bị thương vong hoàn thành nhiệm vụ đó, rồi bị chết do bom đạn địch gây nên.

b) Hăng hái, dũng cảm làm nhiệm vụ sản xuất, công tác ở những nơi đã bị địch đánh phá thường xuyên hoặc có thể sẽ bị địch đánh phá ác liệt như những người làm công tác giao thông vận tải thường xuyên phải bám sát cầu đường, bến phà, đi trên sông, biển, đường sắt, đường bộ ở những tuyến đường, quãng đường nguy hiểm, sản xuất ở những nhà máy, xí nghiệp quan trọng nhưng không di chuyển đi nơi khác được … rồi bị chết do bom địch gây nên.

c) Hăng hái, dũng cảm làm nhiệm vụ sản xuất, công tác ở những nơi có nhiều khó khăn, gian khổ thuộc các chiến trường quan trọng, rồi bị chết bom đạn địch hoặc bị chết do bệnh tật, tai nạn.

Trong những trường hợp nói ở điểm b và điểm c này, tinh thần hy sinh phấn đấu thường chỉ biểu hiện ở chỗ người bị chết đã hăng hái, dũng cảm đảm nhận những công việc có tính chất khó khăn, nguy hiểm thường xuyên và đã kiên quyết phấn đấu vượt khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ, còn lúc chết thì có thể là không có hành động dũng cảm rõ ràng như những trường hợp nói ở điểm a. Vì vậy, đối với những trường hợp này,  cần phải xem xét kỹ tình hình thực tế của từng trường hợp để việc xác nhận liệt sĩ được thoả đáng và tránh được sai sót, cụ thể là xem xét kỹ về các mặt sau đây:

- Nhiệm vụ mà người bị chết đang chấp hành có phải là nhiệm vụ thực sự có khó khăn, nguy hiểm hay không? Thời gian, địa điểm xảy ra trường hợp chết có phải là thời gian, địa điểm nguy hiểm hay không. Trường hợp chết có phải là do tính chất khó khăn, nguy hiểm của nhiệm vụ được giao đưa đến hay không?

- Trong quá trình chấp hành nhiệm vụ được giao, người bị chết đã biểu hiện tinh thần phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ, ý thức tổ chức, kỷ luật như thế nào?

Người nào làm một nhiệm vụ thực sự khó khăn, nguy hiểm mà biểu hiện rõ tinh thần dũng cảm vượt khó khăn, nguy hiểm kiên quyết làm nhiệm vụ, rồi bị chết do địch bắn phá (như những trường hợp nói ở điểm b), hoặc bị chết do bệnh tật, tai nạn (như những trường hợp nói ở điểm c) trong khi đang làm nhiệm vụ, thì được xác nhận là liệt sĩ.

Ngược lại, người nào khi làm nhiệm vụ không đòi hỏi phải có tinh thần phấn đấu dũng cảm, hoặc người nào tuy được giao một nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, nhưng cho đến phút cuối cùng vẫn tỏ ra chùn bước, sợ hy sinh, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, rồi bị chết như nói ở trên, thì không được xác nhận là liệt sĩ.

III. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý

1. Những trường hợp hy sinh của cán bộ, bộ đội và nhân dân ta xảy ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nên có nhiều tình tiết khác nhau, nhưng tiêu chuẩn để xác nhận liệt sĩ thì không thể nào quy định thật chi tiết cụ thể được. Đối với những trường hợp chết vì chiến đấu, vì đấu tranh với địch, những trường hợp chết có hành động dũng cảm rõ ràng, việc xét định liệt sĩ thường không có vướng mắc. Nhưng đối với những trường hợp chết vì làm nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm mà lúc chết không có hành động dũng cảm rõ ràng, việc xét định liệt sĩ có khó khăn hơn, do đó không những phải nắm vững mục đích của việc xác nhận liệt sĩ, nắm vững tinh thần cơ bản của tiêu chuẩn liệt sĩ và xem xét kỹ tình hình thực tế của từng trường hợp, mà còn phải căn cứ vào yêu cầu chính trị của từng ngành, từng địa phương và căn cứ vào sự nhận xét của quần chúng, có sự lãnh đạo chặt chẽ để việc xác nhận liệt sĩ được đúng đắn.

2. Việc xác nhận liệt sĩ không những phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Nhà nước đã quy định, mà còn phải kịp thời để phát huy tác dụng động viên, cổ vũ của nó; việc giải quyết quyền lợi cho gia đình liệt sĩ cũng phải nhanh chóng, chu đáo để đề cao vinh dự gia đình liệt sĩ và làm cho gia đình liệt sĩ được sớm ổn định về đời sống.

Trong Thông tư số 29-NV ngày 06/11/1967 hướng dẫn thủ tục về việc xác nhận liệt sĩ mới hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, và giải quyết quyền lợi cho gia đình liệt sĩ, Bộ Nội vụ đã quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các ngành, các địa phương đối với  công tác này. Quy định đó là cần thiết để đảm bảo cho việc thi hành chính sách đối với những người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng được kịp thời và chu đáo, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước hiện nay. Vì vậy, các ngành, các địa phương, đặc biệt là những ngành, những địa phương có nhiều người bị hy sinh trong cuộc kháng chiến lần này, cần thấu suốt tinh thần đó để lãnh đạo việc xác nhận liệt sĩ đạt được kết quả tốt.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
 
 


Ung Văn Khiêm

 

[...]