BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2020/TT-BYT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 11 năm 2020
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HÀNH ĐỂ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH ĐA KHOA ĐỐI VỚI BÁC
SỸ Y KHOA
Căn cứ Luật Khám bệnh,
chữa bệnh số 40/2009/QH12;
Căn cứ Nghị định số 109/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với
người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên
quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP
ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa
bệnh;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thực
hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đa khoa đối với bác sỹ y
khoa.
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, phạm
vi và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về nội dung, tổ chức việc
thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đa
khoa đối với bác sỹ y khoa và trách nhiệm thực hiện.
2. Thông tư này không áp dụng đối với bác sỹ (răng
hàm mặt, y học cổ truyền, y học dự phòng, bác sỹ chuyên khoa khác hoặc người có
văn bằng tốt nghiệp cử nhân y khoa đã được đào tạo bổ sung theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 5 Thông tư 42/2018/TT-BYT ngày 26 tháng 12 năm
2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế), y sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật
viên. Việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh của các chức danh này để cấp chứng chỉ
hành nghề được thực hiện tại Thông tư khác do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
3. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến việc thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh,
chữa bệnh đa khoa đối với bác sỹ y khoa.
Điều 2. Nguyên tắc thực hành
1. Nội dung thực hành của bác sỹ y khoa (người có
văn bằng bác sỹ y khoa, bác sỹ đa khoa hoặc cử nhân y khoa đã được đào tạo bổ
sung theo quy định của Thông tư số 42/2018/TT-BYT
ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về đào tạo bổ sung đối
với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp để được công nhận là bác
sỹ) phải phù hợp với chương trình đào tạo, chuẩn năng lực nghề nghiệp của bác sỹ
đa khoa và phạm vi hoạt động chuyên môn hành nghề của bác sỹ đa khoa quy định tại
Thông tư số 35/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 12
năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với
người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Thông tư số 35/2019/TT-BYT).
2. Người thực hành (là bác sỹ y khoa) được thực hiện
các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp trên người bệnh, thực hành việc kê
đơn thuốc dưới sự giám sát của người hướng dẫn thực hành (Người hướng dẫn thực
hành đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định
số 109/2016/NĐ-CP).
3. Người thực hành phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng
dẫn của người hướng dẫn thực hành. Người thực hành phải bảo đảm hoàn thành đầy
đủ nội dung thực hành và bảo đảm đủ thời gian thực hành là 18 tháng. Trường hợp
phải dừng thực hành vì lý do thai sản, tai nạn hoặc vì các lý do bất khả kháng
khác thì thời gian thực hành được cộng dồn nhưng ngắt quãng không quá 6 tháng.
4. Trường hợp viên chức hoặc người lao động được cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh tuyển dụng vào làm công tác chuyên môn tại cơ sở mà
chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thì người đã được tuyển dụng
cũng phải ký Hợp đồng thực hành với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó và được phân
công người hướng dẫn thực hành theo quy định tại Thông tư này.
5. Việc phân công người hướng dẫn thực hành phải bảo
đảm phù hợp về chuyên môn, năng lực của người hướng dẫn thực hành.
Chương 2
NỘI DUNG THỰC HÀNH KHÁM
BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 3. Xây dựng, ban hành nội
dung thực hành
Dựa trên khung nội dung quy định tại Điều
4 Thông tư này, cơ sở hướng dẫn thực hành (bệnh viện đa khoa đã được cấp giấy
phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh) xây dựng, ban hành
nội dung thực hành chi tiết phù hợp với năng lực và điều kiện của từng cơ sở
nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư
này.
Điều 4. Khung nội dung, thời gian
thực hành khám bệnh, chữa bệnh
1. Nội dung thực hành khám bệnh, chữa bệnh dựa trên
cơ sở chuẩn năng lực của bác sỹ đa khoa đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại
Quyết định số 1854/QĐ-BYT ngày 18 tháng 05
năm 2015; các kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo tại các trường chuyên ngành y
cho bác sỹ đa khoa, bác sỹ y khoa và dựa trên phạm vi hoạt động chuyên môn của
bác sỹ đa khoa theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư
35/2019/TT-BYT.
2. Tổng thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh là
18 tháng được phân bổ theo từng chuyên khoa như sau:
a) Thời gian thực hành chuyên khoa Nội trong đó có
Hồi sức cấp cứu: 5 tháng;
b) Thời gian thực hành chuyên khoa Ngoại: 3 tháng;
c) Thời gian thực hành chuyên khoa Sản phụ khoa: 3
tháng;
d) Thời gian thực hành chuyên khoa Nhi: 4 tháng;
đ) Thời gian thực hành một số kỹ thuật của chuyên
khoa khác (tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, da liễu, phục hồi chức năng, y học
cổ truyền và một số kỹ thuật của chuyên khoa khác theo Thông tư số 35/2019/TT-BYT): 3 tháng.
3. Trong quá trình thực hành kỹ
thuật chuyên môn, người thực hành được tập huấn các quy định pháp luật về khám
bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ
năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tổng thời
lượng là 20 buổi (mỗi buổi 4 tiết). Thời gian tập huấn này được tính vào tổng
thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh là 18 tháng quy định tại khoản 2 Điều
này.
Chương 3
TỔ CHỨC VIỆC THỰC HÀNH
KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 5. Xây dựng Kế hoạch hướng
dẫn thực hành
1. Hằng năm, dựa trên nhu cầu của người cần được hướng
dẫn thực hành, khả năng tiếp nhận người thực hành, cơ sở hướng dẫn thực hành phải
xây dựng Kế hoạch hướng dẫn thực hành.
2. Kế hoạch hướng dẫn thực hành bao gồm số lượng
người thực hành mà cơ sở có thể tiếp nhận trong năm; số lượng và danh sách người
hướng dẫn thực hành; hợp đồng hợp tác hướng dẫn thực hành (nếu có);
Trường hợp cơ sở hướng dẫn thực hành chưa có đủ các
chuyên khoa cần thực hành theo quy định tại Điều 4 Thông tư này,
cơ sở hướng dẫn thực hành được phép ký hợp đồng hợp tác với cơ sở hướng dẫn thực
hành khác có chuyên khoa đó.
3. Cơ sở hướng dẫn thực hành gửi Kế hoạch hướng dẫn
thực hành hằng năm đến Bộ Y tế hoặc Sở Y tế trước ngày 31/01 theo phân cấp quản
lý để tổng hợp, theo dõi và quản lý hoạt động hướng dẫn thực hành. Đồng thời,
cơ sở hướng dẫn thực hành phải đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử
của cơ sở đó.
4. Bộ Y tế, Sở Y tế tổng hợp Kế hoạch hướng dẫn thực
hành của các cơ sở hướng dẫn thực hành thuộc thẩm quyền quản lý, đăng tải thông
tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Sở Y
tế.
Điều 6. Tiếp nhận người thực
hành và ký Hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh
1. Cơ sở hướng dẫn thực hành phải tiếp nhận người
thực hành theo Kế hoạch hướng dẫn thực hành đã công bố công khai. Trường hợp
không tiếp nhận thì phải có văn bản phản hồi cho người thực hành biết và nêu rõ
lý do.
2. Cơ sở hướng dẫn thực hành ký Hợp đồng thực hành
khám bệnh, chữa bệnh với người thực hành theo quy định tại khoản
1 Điều 16 Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Điều 7. Phân công người hướng dẫn
thực hành
1. Người đứng đầu cơ sở hướng dẫn thực hành phải
phân công người hướng dẫn thực hành cho người thực hành theo quy định khoản 2 Điều 16 Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
2. Trường hợp có nhiều người hướng dẫn thực hành
cho một người thực hành thì phải phân công rõ phạm vi hướng dẫn và thời gian hướng
dẫn thực hành cụ thể của từng người hướng dẫn.
3. Trường hợp cơ sở hướng dẫn thực hành có hợp đồng
hợp tác hướng dẫn thực hành với cơ sở khác thì người đứng đầu của cơ sở khác đó
phải phân công người hướng dẫn thực hành cụ thể bằng văn bản theo từng chuyên
khoa.
Điều 8. Theo dõi, quản lý, đánh
giá quá trình thực hành và xác nhận quá trình thực hành
1. Cơ sở hướng dẫn thực hành phải phân công đơn vị
chức năng theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động hướng dẫn thực hành của cơ sở
mình.
2. Người trực tiếp hướng dẫn thực hành đánh giá, nhận
xét quá trình thực hành của người thực hành theo từng nội dung quy định trong Mẫu Phiếu đánh giá, nhận xét quá trình thực hành ban hành
kèm theo Thông tư này. Việc đánh giá, nhận xét phải được thực hiện ngay sau khi
người thực hành hoàn thành từng nội dung thực hành. Người hướng dẫn thực hành
hướng dẫn nội dung nào thì phải nhận xét theo nội dung đó.
3. Căn cứ Phiếu đánh giá, nhận xét quá trình thực
hành, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp Giấy xác nhận quá trình thực
hành cho người thực hành theo Mẫu 02
quy định tại Phụ lục I Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.
Điều 9. Chi phí hướng dẫn thực
hành
1. Các cơ sở hướng dẫn thực hành tự xác định chi
phí thực hành theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí để hướng dẫn thực hành
trên cơ sở lấy thu bù chi; việc hạch toán, thu chi, thanh quyết toán phải được
thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Cơ sở thực hành phải công bố công khai chi phí
hướng dẫn thực hành trên Trang thông tin điện tử của cơ sở hướng dẫn thực hành.
3. Cơ sở thực hành phải thông báo cho người cần được
hướng dẫn thực hành các chi phí hướng dẫn thực hành và thể hiện rõ trong Hợp đồng
thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu
02 quy định tại Phụ lục V Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.
Chương 4
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của người
thực hành
1. Tuân thủ nội quy, quy chế của cơ sở hướng dẫn thực
hành.
2. Tuân thủ quy định, quy chế chuyên môn của cơ sở
thực hành và tuân theo sự hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành.
3. Bảo đảm an toàn cho người bệnh trong quá trình
thực hành, giữ bí mật thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
trong quá trình thực hành.
4. Thực hiện các nghĩa vụ ghi trong Hợp đồng thực
hành khám bệnh, chữa bệnh. Nộp đầy đủ chi phí thực hành khám bệnh, chữa bệnh
theo thỏa thuận trong Hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh với cơ sở hướng dẫn
thực hành.
5. Người thực hành không được ký đơn thuốc, ký tên
trong hồ sơ bệnh án điều trị. Không được tự ý thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật
khi chưa được người hướng dẫn thực hành cho phép.
Điều 11. Trách nhiệm của người
hướng dẫn thực hành
1. Tuân thủ sự phân công hướng dẫn thực hành của
người đứng đầu cơ sở hướng dẫn thực hành.
2. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn hoặc có
lý do chính đáng khác, người hướng dẫn thực hành được từ chối hướng dẫn thực
hành và phải báo cáo người đứng đầu cơ sở hướng dẫn thực hành.
3. Bảo đảm an toàn cho người bệnh trong quá trình
hướng dẫn thực hành. Chịu trách nhiệm trong trường hợp người thực hành gây sai
sót chuyên môn trong quá trình thực hành, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người
bệnh do lỗi của người hướng dẫn thực hành.
4. Theo dõi, đánh giá và nhận xét về kết quả thực
hành của người thực hành theo nội dung đã được phân công và chịu trách nhiệm về
nội dung nhận xét của mình.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ sở
hướng dẫn thực hành
1. Xây dựng nội dung hướng dẫn thực hành của cơ sở,
xây dựng Kế hoạch hướng dẫn thực hành.
2. Tổ chức hoạt động hướng dẫn thực hành theo nội
dung hướng dẫn thực hành và Kế hoạch hướng dẫn thực hành của cơ sở.
3. Cơ sở hướng dẫn thực hành cấp Giấy xác nhận quá
trình thực hành cho người đã hoàn thành thời gian thực hành trên cơ sở nhận xét
của người hướng dẫn thực hành quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông
tư này.
4. Báo cáo hằng năm về hoạt động hướng dẫn thực
hành của cơ sở hướng dẫn thực hành:
a) Cơ sở hướng dẫn thực hành trực thuộc Bộ Y tế, cơ
sở hướng dẫn thực hành thuộc các bộ, ngành khác (trừ Bộ Quốc phòng) báo cáo về
tình hình hướng dẫn thực hành về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh).
b) Cơ sở hướng dẫn thực hành trực thuộc Sở Y tế, cơ
sở hướng dẫn thực hành là bệnh viện tư nhân gửi báo cáo về Sở Y tế nơi cơ sở hướng
dẫn thực hành đóng trụ sở.
Chương 5
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm
2021.
2. Bãi bỏ quy định: “Trường hợp
là bác sỹ đa khoa thì đăng ký thực hành theo một trong bốn chuyên khoa nội, ngoại,
sản, nhi hoặc đăng ký thực hành theo một trong các hệ nội - nhi hoặc ngoại - sản.
Trường hợp thực hành theo hệ thì tổng thời gian thực hành là 18 tháng trong đó
thời gian thực hành tại mỗi chuyên khoa thuộc hệ ít nhất là 09 tháng liên tục”
tại Điều 15 Thông tư số 41/2011/TT-BYT.
Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp
1. Trường hợp bác sỹ y khoa đang thực hành khám bệnh,
chữa bệnh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo
quy định tại Điều 15 Thông tư số 41/2011/TT-BYT.
2. Trường hợp bác sỹ đa khoa
muốn cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là: khám bệnh, chữa
bệnh nội khoa hoặc khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngoại hoặc khám bệnh, chữa
bệnh chuyên khoa sản phụ khoa hoặc khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nhi thì
đăng ký thực hành tương ứng theo một trong bốn chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi
với thời gian là 18 tháng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 15. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này
được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế
hoặc sửa đổi, bổ sung đó.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo,
hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Thông tư này.
Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục, Tổng
cục thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác hướng dẫn thực
hành thuộc lĩnh vực phụ trách.
2. Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ,
ngành chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trong phạm vi
phụ trách.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Y tế (Cục
Quản lý khám, chữa bệnh) để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng
Thông tin điện tử Chính phủ);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, Ngành;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ thuộc Bộ Y tế;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KCB, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn
|
MẪU
PHIẾU NHẬN XÉT QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Ban hành kèm
theo Thông tư số 21/2020/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
…….[1]……
….…[2]……..
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/PNXTH
|
…[3]…, ngày … tháng … năm
20…
|
PHIẾU NHẬN XÉT
QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
1. Người hướng dẫn thực hành:
- Họ và tên:
- Số chứng chỉ hành nghề KBCB:
- Phạm vi hoạt động chuyên môn:
- Khoa, đơn vị làm việc:
2. Người thực hành:
- Họ và tên:
Ngày tháng năm sinh:
- Số CMND/ Thẻ căn cước:
- Thời gian thực hành: (Từ ngày/tháng/năm đến
ngày/tháng/năm)
- Chuyên khoa đăng ký thực hành (ghi theo các
chuyên khoa quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này):
- Địa điểm thực hành (ghi tên khoa thực hành):
3. Kết quả thực hành:
- Năng lực thực hành chuyên khoa:
- Ý thức, tổ chức kỷ luật trong thời gian thực
hành:
|
NGƯỜI HƯỚNG DẪN
(Ký ghi rõ họ, tên)
|
[1] Tên cơ quan chủ quản của cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh.
[2] Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.