Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 20-BNgT/XNK-1986 hướng dẫn thi hành Bản quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu và xuất nhập khẩu theo Quyết định 76-HĐBT-1986 do Bộ ngoại thương ban hành

Số hiệu 20-BNgT/XNK
Ngày ban hành 10/12/1986
Ngày có hiệu lực 25/12/1986
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Tạ Cả
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu

BỘ NGOẠI THƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-BNgT/XNK

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1986

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NGOẠI THƯƠNG SỐ 20-BNGT/XNK NGÀY 10-12-1986 HƯỚNG DẪN THI HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUYỀN TỰ CHỦ CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ CƠ SỞ TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU VÀ XUẤT NHẬP KHẨU BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 76-HĐBT NGÀY 26-6-1986

Thi hành Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Ngoại thương hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở kinh tế sản xuất hàng xuất khẩu và kinh doanh xuất nhập khẩu như sau:

Phần thứ nhất:

ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ KINH TẾ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Ngoài những chính sách và biện pháp kinh tế đã được quy định tại Quyết định số 177-HĐBT ngày 15-6-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, Bộ Ngoại thương hướng dẫn thêm các điểm dưới đây:

1. Cung ứng vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.

a) Các cơ sở được giao chỉ tiêu pháp lệnh sản xuất hàng xuất khẩu hoặc sản xuất nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu đều được Nhà nước cân đối vật tư, nguyên liệu theo định mức kinh tế kỹ thuật để thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh; các cơ sở do địa phương quản lý (kể cả cá thể) nếu thiếu lương thực để tiêu dùng trực tiếp đều được cung ứng lương thực theo quy định.

b) Nhà nước thực hiện chế độ ưu tiên cung ứng vật tư nguyên liệu cho các cơ sở nói trên; trong điều kiện vật tư nguyên liệu chưa đủ để đáp ứng mọi yêu cầu thì trước tiên bảo đảm cho nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu.

Hàng năm, theo đề nghị của Bộ Ngoại thương, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước lập và công bố danh mục các sản phẩm xuất khẩu, các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu được ưu tiên cung ứng vật tư nguyên liệu.

Nếu vật tư nguyên liệu thiếu đến mức không đủ để thực hiện chế độ ưu tiên cung ứng nói trên, cơ sở và ngành cung ứng vật tư phải kịp thời thông qua Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết.

c) Với số vật tư, nguyên liệu được cung ứng, cơ sở sản xuất phải ưu tiên bố trí sản xuất hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu.

2. Sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu.

Để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất trong nước và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, Nhà nước khuyến khích các cơ sở kinh tế sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu.

Được coi là sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu khi sản phẩm đó được cơ quan tiêu thụ chấp nhận và sử dụng thay thế hàng nhập khẩu (hàng thực sự đã phải nhập khẩu theo chỉ tiêu pháp lệnh trước đó).

Việc sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu phải được đăng ký và tổng hợp trong kế hoạch sản phẩm của ngành. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp cân đối các kế hoạch, xác nhận sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, phân phối với Bộ Ngoại thương quyết định thưởng quyền sử dụng ngoại tệ cho cơ sở.

Mức thưởng quyền sử dụng ngoại tệ là 10% số ngoại tệ tiết kiệm được (hiệu số giữa số ngoại tệ đáng lẽ phải chi để nhập khẩu với số ngoại tệ chi để sản xuất sản phẩm thay thế nếu có); thời gian thưởng quyền sử dụng ngoại tệ là 2 năm kể từ khi có sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, tính theo số sản phẩm được sử dụng để thay thế. Cơ sở sản xuất được thưởng chỉ sử dụng ngoại tệ để đầu tư bổ sung vật tư, nguyên liệu cho sản xuất.

3. Quyền tiếp cận thị trường thế giới.

Nhu cầu tiếp cận thị trường thế giới để tiếp thu kỹ thuật, phương pháp sản xuất tiên tiến, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu... là thực sự cần thiết đối với mọi cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Việc tiếp cận thị trường thế giới có thể thực hiện gián tiếp thông qua hoạt động của các đơn vị xuất nhập khẩu, đồng thời có thể là hoạt động trực tiếp của cơ sở sản xuất trong tổ chức phối hợp với các đơn vị xuất nhập khẩu, trước hết và chủ yếu đối với các cơ sở chuyên sản xuất để xuất khẩu, cơ sở có khối lượng hàng xuất khẩu quan trọng, sản xuất hàng xuất khẩu đòi hỏi quy cách phẩm chất phức tạp.

Việc tiếp cận thị trường thế giới được thực hiện bằng các hoạt động:

- Cử người và gửi hàng tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế.

- Tham gia giao dịch ký các hợp đồng xuất khẩu hàng hoá (ở trong nước và ở nước ngoài).

- Đi khảo sát thị trường ngoài nước.

Mọi chi phí cho việc tiếp cận thị trường do cơ sở sản xuất chịu và hạch toán vào giá thành theo định mức được duyệt.

Chi phí bằng ngoại tệ do đơn vị xuất nhập khẩu sản phẩm của cơ sở sản xuất dự trù và được duyệt chung trong định mức ngoại tệ được chi cho mọi việc đi công tác ở nước ngoài; chi phí này được dành một tỷ lệ thích đáng để chi cho các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường thế giới; khi được sử dụng, cơ sở sản xuất chỉ phải chi đồng Việt Nam để mua ngoại tệ sử dụng theo tỷ giá và các chế độ có liên quan khác của Nhà nước.

4. Quyền trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu.

Cơ sở sản xuất là xí nghiệp và liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh Trung ương có đủ các điều kiện dưới đây được quyền trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu:

a) Có sản phẩm xuất khẩu đạt trị giá 15 triệu rúp/đôla Mỹ (giá xuất khẩu FOB) trở lên hàng năm, mức này sẽ áp dụng có phân biệt đối với các cơ sở chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất và gia công bằng nguyên liệu nhập khẩu hay chủ yếu bằng vật tư, nguyên liệu trong nước.

[...]