Thông tư 20/2019/TT-BCT quy định về kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 20/2019/TT-BCT
Ngày ban hành 30/10/2019
Ngày có hiệu lực 15/12/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2019/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KIỂM TRA NỘI BỘ VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Căn cứ Pháp lệnh Quản lý thị trường ngày 08 tháng 3 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nội bộ và xử lý kết quả kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là kiểm tra nội bộ).

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp (sau đây gọi tắt là cơ quan Quản lý thị trường).

2. Công chức đang làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là công chức) bao gồm công chức Quản lý thị trường và công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm tra nội bộ của lực lượng Quản lý thị trường.

Điều 3. Mục đích kiểm tra nội bộ

1. Bảo đảm việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường; phát hiện và biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các sai sót, hạn chế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; là cơ sở để đánh giá công chức, bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

2. Thông qua kiểm tra nội bộ phát hiện những hạn chế, bất cập, từ đó kiến nghị các biện pháp cần thiết để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức.

Điều 4. Nguyên tắc trong kiểm tra nội bộ

1. Hoạt động kiểm tra nội bộ phải thực hiện theo đúng nội dung, hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra nội bộ.

2. Các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được trong quá trình kiểm tra nội bộ phải bị đình chỉ ngay cùng với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa phù hợp và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

3. Các hành vi cản trở, gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra nội bộ hoặc vi phạm các quy định tại Thông tư này thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương II

HÌNH THỨC, NỘI DUNG, THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM TRONG KIỂM TRA NỘI BỘ

Điều 5. Hình thức kiểm tra nội bộ

1. Kiểm tra nội bộ định kỳ theo kế hoạch hằng năm đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Tổng cục trưởng), Cục trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) phê duyệt, ban hành.

2. Kiểm tra nội bộ đột xuất trong các trường hợp sau:

[...]