Thông tư 191-TTg năm 1959 về việc tăng cường lãnh đạo kế hoạch tài chính-ngân hàng-thương nghiệp do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 191-TTg
Ngày ban hành 14/05/1959
Ngày có hiệu lực 29/05/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-THƯƠNG NGHIỆP

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố và khu vực Vĩnh linh

Trong việc lãnh đạo kinh tế quốc dân một vấn đề rất quan trọng là phải nắm chắc kế hoạch của 3 ngành tài chính-ngân hàng- thương nghiệp, vì nó là kế hoạch tổng hợp, thông qua kế hoạch này phản ánh được tình hình hoạt động của các ngành kinh tế, quan hệ cân đối giữa tiền tệ và vật tư, tỷ trọng thay đổi giữa các thành phần kinh tế và mức độ phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Thời gian qua, Thủ tướng phủ đã chỉ thị Ủy ban Hành chính các thành phố, tỉnh chú ý tăng cường lãnh đạo kế hoạch của 3 ngành nói trên. Nói chung Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh đã chú ý lãnh đạo kế hoạch 3 ngành đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc lãnh đạo thi hành kế hoạch này ở nhiều địa phương còn chưa chặt chẽ, báo cáo các ngành còn chậm; quí I 1959 tình hình thực hiện kế hoạch tháng 1 tới cuối tháng 2, có nơi đến tháng 3 mới báo cáo và báo cáo không đầy đủ. Trong khi đó Ủy ban Hành chính cũng chưa thật chú ý đôn đốc lãnh đạo các ngành. Vì vậy, trung ương không nắm được đầy đủ và kịp thời tình hình thi hành kế hoạch của địa phương để có chủ trương và biện pháp kịp thời giúp các ngành giải quyết khó khăn, mắc mứu bảo đảm thực hiện kế hoạch Nhà nước. Mặt khác, làm cho trung ương khó xét duyệt kế hoạch hàng quý đối với địa phương, thiếu cơ sở xây dựng từ dưới lên, do đó chỉ tiêu kế hoạch đề ra không sát, cũng trở ngại cho địa phương. Đó là một thiếu sót.

Để bổ khuyết tình trạng trên, tăng cường việc lãnh đạo kế hoạch của 3 ngành thì tài chính-ngân hàng-thương nghiệp cho chặt chẽ, Thủ tướng phủ yêu cầu các Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh cần nhận thức đầy đủ hơn nữa tầm quan trọng của việc lãnh đạo kế hoạch đối với 3 ngành tài chính- ngân hàng- thương nghiệp, đề cao ý thức trách nhiệm khắc phục mọi khó khăn, lãnh đạo các ngành thi hành kế hoạch hàng tháng, hàng quý cho chặt chẽ hơn, theo quy định dưới đây:

1. Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh, chỉ thị cho các cơ quan, các ngành kinh tế chủ yếu (Sở, Ty Thương nghiệp; Sở, Ty Công nghiệp; Sở, Ty Nông nghiệp, Chi hàng kiến thiết…) trong thành phố, tỉnh căn cứ vào nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch năm và quý đã được các Bộ chủ quản duyệt cho từng ngành ở địa phương, các cơ quan, các ngành phải lập kế hoạch cụ thể và từng tháng, từng quý kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch trong tháng và quý và dự kiến kế hoạch tháng tới và quý tới về một số chỉ tiêu lớn gửi Ủy ban Hành chính và ba ngành tài chính-ngân hàng-thương nghiệp, Ủy ban Kế hoạch thành phố, tỉnh:

- Ngành công nghiệp: về kế hoạch sản xuất và tiêu thụ công nghệ phẩm, nguyên liệu sản xuất và tình hình chung về sản xuất tiểu thủ công.

- Ngành nông nghiệp: tình hình sản xuất nông, lâm, thổ, hải sản về một số lớn sản phẩm chủ yếu như: thóc, gỗ, bóng, hạt ép dầu…

- Chi hàng kiến thiết: tình hình thực hiện kế hoạch kiến thiết cơ bản về tài chính và vật tư.

- Ngành thương nghiệp: về tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và vật liệu xây dựng.

2. Trên cơ sở tập hợp tài liệu và sơ bộ lập kế hoạch của mỗi ngành trong từng thành phố, tỉnh, Ủy ban Hành chính giao trách nhiệm cho Sở, Ty Tài chính; Sở, Ty thương nghiệp; Chi nhánh Ngân hàng tổng hợp những chỉ tiêu kế hoạch có quan hệ đến kế hoạch của ngành mình để nghiên cứu và lập kế hoạch từng quý (có chia ra từng tháng) của từng ngành trình Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh. Khi nhận được kế hoạch của ba ngành, Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kế hoạch thành phố, tỉnh nghiên cứu các nguồn thu, chi của các ngành, xem việc xây dựng đã đúng chưa. Sau đó Ủy ban Hành chính triệu tập Ủy ban Kế hoạch thành phố, tỉnh, Sở, Ty Tài chính, Sở Ty Thương nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng họp để xác nhận kế hoạch Trung ương xét duyệt.

Trong khi xét kế hoạch của các ngành, Ủy ban căn cứ vào đường lối, phương châm phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng của Đảng và Chính phủ và nhằm phục vụ nhu cầu về đời sống nhân dân; đồng thời kết hợp với yêu cầu về thực tế sản xuất, tiêu thụ và xây dựng của địa phương, mà phân tích đối chiếu tình hình thăng bằng ba mặt (thăng bằng tài chính, thăng bằng vật tư, thăng bằng tín dụng) để khớp kế hoạch giữa ba ngành tài chính-ngân hàng- thương nghiệp về những chỉ tiêu chủ yếu:

- Kế hoạch chi về xây dựng cơ bản của tài chính khớp với kế hoạch cung cấp nguyên vật liệu xây dựng của nội thương và lâm nghiệp…

- Kế hoạch mua vào, bán ra của nội thương khớp với kế hoạch sản xuất, tiêu thụ của công nghiệp, tình hình sản xuất nông, lâm, thổ, hải sản của nông nghiệp…kế hoạch tín dụng, kế hoạch tiền mặt của Ngân hàng…

Để giúp Ủy ban Hành chính và các ngành ở địa phương về phương pháp cụ thể để thi hành những việc trên, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương và Ngân hàng trung ương phối hợp nghiên cứu cụ thể tình hình của địa phương thông tư hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và theo dõi giúp đỡ hướng dẫn thi hành.

3. Khi kế hoạch đã được trung ương duyệt, hàng tháng Ủy ban triệu tập các ngành họp kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch trong tháng và lập kế hoạch tháng tới để kịp thời bổ khuyết các thiếu sót, và giao trách nhiệm cho từng ngành làm báo cáo cụ thể gửi các Bộ Tài chính-Ngân hàng, Bộ Nội thương, chậm nhất vào ngày 30 mỗi tháng. Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương và Bộ Nội thương sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ có liên quan.

Công tác lãnh đạo kế hoạch của ba ngành tài chính-ngân hàng- thương nghiệp hiện nay là một công tác hết sức quan trọng, các ngành, các cấp cần đặc biệt chú ý và khắc phục mọi khó khăn thực hiện chỉ thị này được kết quả tốt.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng